|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 10/3: NĐT cá nhân tiếp tục gom hơn 1.300 tỷ đồng, tự doanh mua ròng tập trung HPG, TCB và VIC

07:39 | 10/03/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index giảm điểm, NĐT cá nhân và khối tự doanh đều duy trì đà mua ròng với giá trị lần lượt đạt hơn 1.300 tỷ đồng và 120 tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại và NĐT tổ chức trong nước tiếp tục bán ròng, thêm áp lực giảm điểm lên chỉ số.

NĐT cá nhân chưa dừng mua ròng, đối ứng với đà bán liên tục từ khối ngoại

Toàn bộ thời gian giao dịch hôm qua, VN-Index chìm trong sắc đỏ do tác động từ các cổ phiếu vốn hóa lớn nhóm VN30. Rổ VN30 có 22 mã giảm giá, trong khi chỉ có 7 mã tăng giá và 1 mã đứng giá tham chiếu.

Kết phiên, VN-Index giảm 6,3 điểm (0,54%) xuống 1.161,97 điểm, HNX-Index tăng 0,54% lên 264,83 điểm, UPCoM-Index tăng 0,15% lên 79,54 điểm.

Thanh khoản thị trường sụt giảm so với trước đó. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt gần 883 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 18.748 tỷ đồng.

Thống kê giao dịch phiên 9/3, NĐT cá nhân mua ròng 1.318 tỷ đồng trong đó 1.202 tỷ là mua ròng qua khớp lệnh. Trong 13 ngày mua ròng liên tiếp, nhóm này đã gom 10.495 tỷ đồng qua khớp lệnh.

Như vậy sự đối ứng của nhà đầu tư cá nhân trong nước và nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp diễn, trong khi tổ chức trong nước và tự doanh chỉ đóng vai trò thứ yếu trong suốt ba tuần qua.

Top mua ròng của nhà đầu tư cá nhân là các mã đối ứng trực tiếp với top bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài (VNM, POW, HSG, MBB). Phía bán ròng, họ bán HDG, TCB, FPT, VPB, ACB, với giá trị ròng từ 14-38 tỷ đồng.

Về phía NĐT tổ chức trong nước, nhóm này tiếp tục bán ròng 296 tỷ, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 183 tỷ đồng. Trong đó, NĐT tổ chức tập trung bán ròng PLX, MWG và nhóm ngân hàng (OCB, TCB, VPB,TPB, HDB). Ngược lại, họ mua ròng các cổ phiếu HDG, GAS, VIC, ACB và FPT.

Khối tự doanh duy trì nhịp mua ròng, tập trung HPG

Về phía khối tự doanh công ty chứng khoán, hoạt động mua ròng tiếp diễn với giá trị không biến động đáng kể là 120 tỷ đồng, khối lượng mua ròng tương ứng 553.800 đơn vị.

Dòng tiền thông minh 10/3: NĐT cá nhân tiếp tục gom hơn 1.300 tỷ đồng, tự doanh mua ròng tập trung HPG, TCB và VIC - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Top10 cổ phiếu thu hút dòng vốn từ khối tự doanh, nổi bật có HPG của Hòa Phát với giá trị 65 tỷ đồng. Theo sau đó, khối này mua ròng TCB (46 tỷ đồng), VIC (42,5 tỷ đồng), STB (26,6 tỷ đồng) và VPB (25,6 tỷ đồng).

Mặt khác, hai mã còn lại "họ Vingroup" gồm VRE và VHM lần lượt ghi nhận giá trị mua ròng 24,6 tỷ đồng và 22,8 tỷ đồng. Khối tự doanh cũng gom cổ phiếu OCB (22 tỷ đồng), FPT (18 tỷ đồng) và PET (17 tỷ đồng).

Top10 mã chịu áp lực xả từ khối tự doanh, chứng chỉ quỹ FUEVFVND ghi nhận giá trị cao nhất là 89 tỷ đồng. Đây cũng là chứng chỉ quỹ duy nhất lọt top mua/bán ròng trong phiên vừa qua.

Tại giao dịch bán ra cổ phiếu, khối này tập trung xả mã NT2 (19 tỷ đồng), kế đến còn có GAS (16,7 tỷ đồng), VND (14 tỷ đồng), DXG (11 tỷ đồng). Một số mã khác cùng chiều như MBB, VNM, IJC, REE, NVL nhưng ghi nhận giá trị dưới 10 tỷ đồng.

NĐT nước ngoài bán ròng liên tiếp phiên thứ 13, VNM trở lại dẫn đầu

Trong phiên giao dịch vừa qua, khối ngoại bán ròng 1.152 tỷ đồng trong đó 1.203 tỷ đồng bán ròng qua khớp lệnh. Như vậy, trong chuỗi bán ròng 13 phiên liên tiếp, nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 8.311 tỷ đồng qua khớp lệnh.

Cổ phiếu VNM quay trở lại top bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài phiên ngày hôm qua với giá trị bán ròng là 273 tỷ đồng.

Số liệu của FiinTrade cho thấy nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 26 triệu cổ phiếu VNM (75,5 triệu cổ phiếu nước ngoài bán và 49.5 triệu được khối ngoại mua lại) trong 4 tháng qua và bán ròng mạnh nhất 11,5 triệu cổ phiếu tháng 3/2021.

Lực bán này cần một số quỹ bán ra vì theo số liệu FiinTrade không quỹ nào có đủ lượng cổ phiếu để bán như trên mà không cần công bố giao dịch.

Có nhóm quỹ thuộc Deutche Bank, Employees Provident Fund Board và The Emerging Markets Fund of the Genesis Group Trust for Employee Benefit Plans có lượng cổ phiếu VNM lớn. Nhóm quỹ thuộc Deutche Bank đã là cổ đông của VNM từ năm 2012.

Employees Provident Fund Board cũng nắm 60 triệu cổ phiếu HPG, mã này cũng chịu áp lực bán ròng của khối ngoại 5 tháng vừa qua gần 120 triệu cổ phiếu, trừ đi quỹ PENM III mới bán hết 76,5 triệu cổ phiếu HPG thì gần ra số cổ phiếu của Employees Provident Fund Board.

Thu Thảo