|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền cá nhân tích cực gom cổ phiếu ngân hàng, BĐS trong tuần đỏ lửa

11:00 | 09/04/2022
Chia sẻ
Trong tuần VN-Index giảm hơn 34 điểm, áp lực bán từ hai nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường gồm ngân hàng, bất động sản là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm sâu. Tuy vậy, đây lại là hai ngành thu hút phần lớn dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân tuần qua, với giá trị mua ròng lần lượt là 563 tỷ và 342 tỷ đồng.

Trong tuần 4 - 8/4, thông tin ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh bị bắt tạm giam đã kéo theo áp lực bán mạnh tại nhóm bất động sản.

Hai phiên cuối tuần, nhóm ngân hàng lại là tác nhân chính kéo chỉ số giảm sâu. Với mức giảm hơn 20 điểm mỗi phiên, diễn biến này đã kéo VN-Index chốt tuần tại 1.482 điểm, giảm hơn 34 điểm, tương đương 2,27%so với phiên trước đó.

Dù bị bán và giảm mạnh trong tuần nhưng do vốn hóa ở mức trung bình nên nhóm bất động sản khu công nghiệp gây ảnh hưởng không lớn đến VN-Index, trừ 2 mã là VGC và GEX trong Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số với mức giảm lần lượt 15,6% và 13,4%.

Trong khi đó dù chỉ giảm 5,5% trong tuần, BID đã lấy đi hơn 3,2 điểm của VN-Index và là cổ phiếu ảnh hưởng xấu nhất đến chỉ số. Bên chiều tích cực, NVL với mức tăng 3,4% đã giúp VN-Index có thêm 1,4 điểm.

Trong tuần VN-Index đỏ lửa, NĐT cá nhân trở lại mua ròng 1.500 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ gom ròng 1.578 tỷ đồng. Đối ứng với lực cầu của các cá nhân trong nước, tổ chức nội và NĐT nước ngoài là hai bên bán ròng, giao dịch này đã làm thay đổi vị thế giải ngân của hai nhóm này trong tuần trước đó.

 Giao dịch qua kênh khớp lệnh theo nhóm nhà đầu tư. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Dòng tiền cá nhân tích cực gom cổ phiếu ngân hàng, BĐS trong tuần đỏ lửa

Thống kê giao dịch theo ngành, hoạt động mua ròng của NĐT cá nhân diễn ra tại 13/18 nhóm cổ phiếu với giá trị áp đảo so với chiều bán. Lực mua ròng được ghi nhận mạnh nhất tại nhóm bất động sản và ngân hàng dù đây là hai ngành ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index tuần qua. Cụ thể, NĐT cá nhân mua ròng 563 tỷ đồng nhóm bất động sản và 342 tỷ đồng cổ phiếu ngành ngân hàng.

Trong tuần qua, cổ phiếu "vua" có sự cải thiện dòng tiền mạnh với tỷ trọng giá trị giao dịch đã tăng lên 14,51%, là mức cao nhất trong 5 tuần liên tiếp. Nhóm ngân hàng được dự báo tăng trưởng nhuận sau thuế ở mức 20 - 25% năm 2022. Ngoài ra đây là nhóm được kỳ vọng có câu chuyện tăng vốn trong mùa đại hội cổ đông và kỳ vọng lợi nhuận quý I/2022 khả quan khi tăng trưởng tín dụng tăng cao.

Tuy nhiên, gần đây có một số ngân hàng chịu ảnh hưởng từ việc thắt chặt quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp và từ việc lãnh đạo một số tập đoàn bất động sản bị bắt giữ.

Trong tuần, dòng tiền tập trung vào VPB, MBB, TCB, STB, SHB, TPB, ACB, KLB, CTG, LPB, chỉ có 3 cổ phiếu trong nhóm này tăng điểm trong tuần là VPB, ACB, và LPB.

Trở lại với giao dịch của NĐT cá nhân, họ cũng mua ròng nhóm hóa chất và xây dựng vật liệu với giá trị vào ròng lần lượt là 201 tỷ và 194 tỷ đồng. Tương tự, hoạt động giải ngân còn được chứng kiến tại nhóm chứng khoán, dầu khí, hàng & dịch vụ công nghiệp, du lịch & giải trí, công nghệ thông tin,.. với giá trị thấp hơn.

 Thống kê giao dịch khớp lệnh của NĐT cá nhân theo nhóm ngành. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Chiều ngược lại, giao dịch bán ròng tập trung tại nhóm thép với giá trị gần 155 tỷ đồng. Tuần qua, cổ phiếu ngành thép giao dịch phân hóa với sắc xanh lan tỏa tại HPG, HMC, trong khi đó HSG, NKG, TVN, POM giảm điểm.

Cùng chiều, cá nhân trong nước chuyển hướng bán ròng 34 tỷ đồng cổ phiếu bán lẻ, dù mua ròng mạnh nhất ngành này trong tuần trước đó. Ngoài ra, hoạt động rút vốn còn diễn ra ở nhóm ô tô & phụ tùng, truyền thông, y tế với giá trị không đáng kể. 

Tâm điểm mua ròng VPB, VHM trong khi xả mạnh DXG, ACB

 

 VPB dẫn đầu Top10 mua ròng của NĐT cá nhân trong tuần 4 - 8/4. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Thống kê giao dịch theo từng mã, hoạt động mua ròng tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản với 9/10 cổ phiếu trong danh mục mua ròng là đại diện đến từ hai ngành này.

Nổi bật tại chiều mua ròng, cổ phiếu VPB của VPBank được mua ròng 338,4 tỷ đồng. Trong tuần, VHM ghi nhận khối lượng khớp lệnh bình quân gần 27,34 triệu đơn vị, cao hơn so với mức gần 22 triệu đơn vị trong 10 phiên gần nhất.

Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 được công bố mới đây, VPBank dự kiến sẽ tăng vốn lên trên 79.300 tỷ đồng thông qua hai đợt trong năm nay, bao gồm phát hành cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ cho cổ đông ngoại.

Về mục tiêu kinh doanh, ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế gấp đôi năm trước đạt 29.662 tỷ đồng, con số này vượt mức lợi nhuận của "quán quân" ngành ngân hàng năm 2021 (Vietcombank với 27.376 tỷ đồng).

Ngoài ra, hai mã ngân hàng là STB và MBB lần lượt góp mặt trong Top10 với giá trị vào ròng là 130,5 tỷ và 97,9 tỷ đồng. Cùng chiều, dòng vốn của các cá nhân trong nước tìm đến loạt cổ phiếu địa ốc như VHM (290,1 tỷ đồng), VIC (255,3 tỷ đồng), FLC (133,8 tỷ đồng), KDH (116,3 tỷ đồng), SZC (97,6 tỷ đồng).

Bên cạnh bất động sản và ngân hàng, lực mua cũng lan tỏa tại nhiều nhóm ngành khác. Cụ thể, PVD của nhóm dầu khí được gom ròng hơn 114,1 tỷ đồng hay HSG đứng cuối bảng với 97,2 tỷ đồng.

 Top10 mã NĐT cá nhân mua/bán ròng tuần 4 - 8/4. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Cùng thuộc ngành bất động sản, cổ phiếu DXG lại bị rút ròng mạnh nhất trong tuần qua với hơn 260 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân đối ứng với tổ chức trong nước và NĐT ngoại khi 2 khối này này mua ròng với giá trị lần lượt là 157,5 và 102,6 tỷ đồng.

Bên cạnh DXG, cái tên bị bán ròng nhẹ hơn là ACB (217,4 tỷ đồng) và HPG (178,7 tỷ đồng). Một số mã bị các cá nhân trong nước bán ròng dưới 100 tỷ đồng trong tuần phải kể đến như KBC (94,6 tỷ đồng), NVL (87,1 tỷ đồng), SSI (82,7 tỷ đồng), NKG (66 tỷ đồng),...

Thu Thảo