|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đông Nam Á dẫn đầu thế giới về áp dụng công nghệ fintech, metaverse

20:38 | 17/10/2022
Chia sẻ
Một cuộc khảo sát của Meta và Bain & Company chỉ ra rằng khoảng 70% dân số sử dụng internet ở Đông Nam Á đã sử dụng ít nhất một ứng dụng liên quan tới metaverse trong năm ngoái.

Số hóa và công nghệ đang định hình lại thế giới nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Trong bối cảnh đó, khu vực này dường như đang đi trước một số khu vực khác trên thế giới xét về mặt tổng thể, liên quan tới việc áp dụng các công nghệ tương lai, theo Techwire Asia.

Theo báo cáo SYNC Đông Nam Á (SEA) hàng năm của Meta và Bain & Company chỉ ra rằng khu vực này cũng đi trước phần còn lại của thế giới khi áp dụng công nghệ fintech và web3, bao gồm cả các công cụ liên quan đến metaverse.

Báo cáo có tiêu đề “Người tiêu dùng kỹ thuật số ở Đông Nam Á: Một giai đoạn phát triển mới”, đã nêu bật cách khu vực này tiếp tục là một sân chơi tương đối ổn định, ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu đối mặt với những bất ổn liên quan tới nhiều vấn đề khác nhau. Meta và Bain cho biết: “Đông Nam Á đang dẫn đầu trong việc áp dụng fintech và web3, bao gồm các công cụ liên quan đến metaverse”.

Chính xác là, trong các danh mục như ví điện tử, tiền điện tử và mã thông báo không thể thay thế (NFT), Đông Nam Á chứng kiến ​​mức độ thâm nhập cao hơn so với hầu hết thị trường lớn khác như Mỹ, EU, Nhật Bản và cả Trung Quốc.

Các tác giả của báo cáo cũng so sánh Đông Nam Á với Ấn Độ, quốc gia hiện đang dẫn đầu về sự thâm nhập ví điện tử. Kết quả chỉ ra rằng khoảng cách giữa hai khu vực là không quá xa.

Mật độ sử dụng các ứng dụng và công nghệ liên quan tới metaverse ở Đông Nam Á cao hơn các khu vực khác. (Ảnh: Fintech News Hong Kong).

Theo báo cáo, hai quốc gia là Malaysia và Singapore đang dẫn đầu trong việc áp dụng internet banking. Phần còn lại của khu vực Đông Nam Á cũng không chịu kém cạnh khi đang cố gắng bắt kịp, Meta & Bain cho biết.

Thực tế, mức độ thâm nhập cao của fintech và web3 trong khu vực được thúc đẩy bởi một lượng lớn dân số không có tài khoản ngân hàng và mức độ thấp hơn của cơ sở hạ tầng kế thừa cần được cập nhật. Một điều đáng lưu tâm ở khu vực này là tiền điện tử và NFT cũng mang lại cơ hội tạo ra những nguồn thu nhập lớn cho người dùng và nhà đầu tư.

Một cuộc khảo sát của Meta & Bain cho báo cáo cũng phản ánh rằng gần 70% dân số sử dụng internet ở Đông Nam Á cũng đã sử dụng ít nhất một công nghệ liên quan đến metaverse trong năm ngoái. Trải nghiệm của công nghệ liên quan đến metaverse như thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), thế giới ảo (virtual worlds), tiền điện tử và NFT sẽ phát triển từ các ứng dụng 2D hiện tại, thành trải nghiệm 3D ảo trong vòng hai đến ba năm tới.

Nghiên cứu về dự báo cho công nghệ thực tế ảo liên quan tới kinh doanh như đào tạo và phát triển cũng như làm việc từ xa và tổ chức các sự kiện xã hội trong thế giới ảo sẽ có mặt tại khu vực Đông Nam Á trong vòng 10 đến 15 năm tới.

Báo cáo của Meta và Bain & Company cũng chỉ ra rằng dân số người tiêu dùng kỹ thuật số ở Đông Nam Á vẫn đang tăng trưởng ổn định và được dự báo sẽ đạt 370 triệu người vào cuối năm 2022, chiếm 82% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên.

Con số này được dự báo sẽ tăng lên 402 triệu vào năm 2027, chiếm 88% vào cuối giai đoạn dự báo. Dân số lao động của khu vực, được định nghĩa là những người trong độ tuổi từ 15 đến 64 tuổi, dự kiến ​​sẽ tăng thêm 23 triệu người vào năm 2030. Indonesia có thể dẫn đầu xu hướng này, với dự báo dân số lao động sẽ tăng thêm 13 triệu người. Tiếp theo lần lượt là Philippines (9 triệu người), Malaysia và Việt Nam (cùng 2 triệu người).

Điều đó nói lên rằng, Đông Nam Á cũng có dư địa để phát triển về healthtech và edtech, chủ yếu là do sự thâm nhập của healthtech trong khu vực đang vượt xa các thị trường phát triển hơn như Mỹ và EU. “Lý do dẫn tới điều này có thể là do tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học đời sống ở Đông Nam Á và sự thèm muốn đầu tư mạo hiểm của các công ty khởi nghiệp về công nghệ y tế ngày càng lớn”, Meta & Bain chia sẻ.

Tựu chung lại, báo cáo cho biết triển vọng vĩ mô và tiềm năng của toàn ngành trong thời gian tới vẫn là “thắt lưng buộc bụng”, song các doanh nghiệp nên duy trì quá trình đầu tư và phát triển kinh doanh ở Đông Nam Á.

Cơ hội ở Đông Nam Á rất nhiều, dựa trên nền tảng từ các nền kinh tế mới nổi với cơ cấu tương đối vững chắc. “Đông Nam Á là một thị trường rất hấp dẫn với tiềm năng tăng trưởng cao và còn nhiều thứ chưa được khai thác. Các doanh nghiệp không nên bỏ lỡ cơ hội đặt trụ sở và phát triển thương hiệu của mình trên toàn khu vực này”, Meta & Bain kết luận.

Anh Nguyễn