|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đối đầu trực diện với Trung Quốc, Anh khó có cửa giành chiến thắng

15:39 | 04/06/2020
Chia sẻ
Nước Anh đang lao vào một cuộc đối đầu khó khăn với Trung Quốc sau khi chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson chỉ trích kế hoạch áp đặt luật an ninh mới lên Hong Kong và đang thực hiện các bước để gạt bỏ Huawei khỏi hệ thống mạng 5G của nước này.
Anh muốn 'so găng' với Trung Quốc, nhưng sẽ khó giành được chiến thắng - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Bloomberg.

Trung Quốc đã trở thành vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của chính phủ Thủ tướng Johnson, dù rằng Anh đang phải nỗ lực để đạt được thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU).

Đối đầu với Trung Quốc trong thời điểm này khiến Anh gặp rủi ro phải chiến đấu một mình do Anh đã rời bỏ EU để thực hiện tham vọng Brexit. 

Tối 3/6, đại diện Trung Quốc tại Hong Kong đã gửi thông điệp rõ ràng kêu gọi Anh đừng nhúng tay vào vấn đề của Hong Kong. Văn phòng Ủy viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Anh không còn quyền kiểm soát hay "giám sát" sau khi đã trao trả đặc khu này cho Trung Quốc năm 1997.

Qua tài khoản Twitter, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming cảnh báo giới chính trị gia Anh "ngừng can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc". 

Gia tăng ngờ vực

Thủ tướng Johnson có thể sẽ trông chờ vào việc nhận được sự ủng hộ từ Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump đã thôi thúc các đồng minh trên toàn cầu giữ lập trường hoài nghi đối với Trung Quốc. Mỹ cũng đưa ra các lệnh cấm nhằm vào các thiết bị 5G của Huawei do lo ngại về vấn đề an ninh.

Việc Thủ tướng Johnson cho phép Huawei cung cấp các bộ phận cần thiết để xây dựng mạng 5G ở Anh hồi tháng 1 đã khiến chính quyền ông Trump tức giận.

Nhưng kể từ khi đại dịch COVID-19 tấn công nước Anh, chính quyền Thủ tướng Johnson đã trở nên hoài nghi hơn nhiều về Trung Quốc.

Trước làn sóng phản đối Trung Quốc trong các thành viên Đảng Bảo thủ và những đồng minh quốc tế, ông hiện đang tìm cách hạn chế vai trò của Huawei tại Anh. Tháng trước, chính phủ Anh đã trao đổi với hãng công nghệ Nhật Bản NEC Corp nhằm nỗ lực đa dạng hóa các nhà cung cấp thiết bị 5G.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết Samsung Electronics cũng là một ứng cử viên đang được cân nhắc.

"Lo ngại sâu sắc"

Nhiều khả năng việc Anh đánh giá lại Huawei sẽ có tác động tới suy nghĩ của nhiều nước châu Âu khác. Trong tuần này, hai công ty Bell và Telus của Canada đã lựa chọn nhà sản xuất thiết bị viễn thông Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan để xây dựng mạng lưới 5G. Tại Đức, Telefonica cũng lựa chọn Ericsson.

Vấn đề nổi bật nhất hiện tại là cách Trung Quốc đối xử với Hong Kong. Trong khi các bộ trưởng ngoại giao EU đều né tránh đưa ra đe dọa trừng phạt và chỉ bày tỏ mối "lo ngại sâu sắc", Anh lại có hành động đáp trả cụ thể.

Theo bài báo chung giữa tờ Times of London and South China Morning Post hôm 3/6, Thủ tướng Johnson hứa hẹn sẽ cung cấp thị thực cho gần 3 triệu người Hong Kong nếu Trung Quốc áp đặt luật an ninh. Động thái này khiến cho căng thẳng giữa Anh với Trung Quốc càng leo thang.

"Chúng tôi sẽ tôn trọng các nghĩa vụ của mình và cung cấp giải pháp thay thế cho người dân Hong Kong", Thủ tướng Johnson tuyên bố.

Điều trớ trêu là Anh đang dẫn dắt châu Âu trong cách phản ứng với Trung Quốc, trong khi nước này lại đang đe dọa sẽ chia tay với EU mà không có thỏa thuận thương mại.

Đức và Pháp cũng đang lập cách kế hoạch giúp châu Âu trở nên mạnh mẽ hơn, phòng vệ tốt hơn trước Trung Quốc, bao gồm: sàng lọc kĩ càng các khoản đầu tư từ doanh nghiệp Trung Quốc, xây dựng chiến lược công nghiệp chặt chẽ, đoàn kết với nhau trong cách xử trí với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ông Johnson càng rơi vào thế khó sau khi hai tổ chức tài chính Anh thống trị hệ thống ngân hàng Hong Kong là HSBC và Standard Chartererd tuyên bố ủng hộ dự luật an ninh mới mà Trung Quốc đề xuất. 

"Vi phạm trắng trợn"

2020 lẽ ra sẽ là năm các cuộc đối thoại giữa EU và Trung Quốc được đẩy mạnh, nhưng kế hoạch này đã bị cản trở bởi đại dịch COVID-19. Hôm 3/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Tập Cận Bình đã lùi cuộc họp thượng đỉnh giữa EU và Trung Quốc từ tháng 9 sang một thời điểm khác.

Về bản chất, Anh là một quốc gia có 65 triệu dân và nền kinh tế đang lao dốc, đang cố gắng xây dựng các mối quan hệ trong thế giới hậu đại dịch. Đối thủ Anh nhắm đến lại là một đất nước khổng lồ có 1,4 tỉ dân với vị thế đang ngày càng lên cao.

Thậm chí đến cả các đòn trừng phạt từ Mỹ dường như không thể làm suy chuyển được các quyết tâm của Trung Quốc.

Ông Janka Oertel, giám đốc chương trình châu Á tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu ở Berlin cho rằng Trung Quốc sẽ không gặp vấn đề gì trong việc phá vỡ Tuyên bố chung Trung – Anh. 

Tuyên bố chung Trung - Anh được kí kết năm 1984. Theo đó, Anh và Trung Quốc thống nhất cùng áp dụng nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" tại Hong Kong. Ngoài ra, cách thức vận hành và lối sống tại đặc khu này vẫn sẽ được duy trì như cũ cho đến năm 2047.

Ông Oertel nói Trung Quốc có thể "vi phạm một cách trắng trợn" Tuyên bố chung mà không gặp phải bất kì trừng phạt nào.

Như Đại sứ Trung Quốc tại Italy Li Junhua đã viết vào ngày 1/6: "Đừng đánh giá thấp ý chí của Trung Quốc đối với Hong Kong".

Giang