|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh thu hoạt động phụ trợ của Vietjet tăng trưởng 45%, biên lãi gộp lên tới 75%

08:57 | 03/05/2019
Chia sẻ
Trong quý I, mảng kinh doanh phụ trợ của Vietjet đạt 2.647 tỉ đồng doanh thu, tăng trưởng 45%; trong khi kinh doanh vận tải hàng không có giá vốn vượt doanh thu thì mảng kinh doanh phụ trợ đạt biên lợi nhuận gộp lên tới 75%.

Trong quý I, CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) đạt doanh thu 13.637 tỉ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 14,4% lên 16,5%.

Trong đó, riêng doanh thu về vận chuyển hành khách đạt 7.247 tỉ đồng, tăng 20%; doanh thu hoạt động phụ trợ 2.647 tỉ đồng, tăng 45%, như vậy cả hai mảng kinh doanh chính của Vietjet đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Doanh thu từ bán và thuê máy bay 3.565 tỉ đồng, giảm 24%. Doanh thu khác tăng đột biến lên 177 tỉ đồng, gấp 8 lần quý I/2018.

Như thường lệ, chi phí khai thác bay tiếp tục vượt doanh thu vận tải hành khách, tuy nhiên hoạt động phụ trợ đạt biên lợi nhuận gộp lên tới 75%.

Doanh thu hoạt động phụ trợ của Vietjet tăng trưởng 45%, biên lãi gộp lên tới 75% - Ảnh 1.

Hoạt đông kinh doanh phụ trợ của Vietjet tăng trưởng tới 45% trong quý I

Chi phí tài chính của Vietjet trong quý là 356 tỉ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm ngoái; nguyên nhân do khoản dự phòng giảm giá cổ phiếu PV Oil mà công ty đã đầu tư (140 tỉ đồng). Chi phí bán hàng tăng 23,5% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới 129% (do tăng chi phí khác thêm gần 70 tỉ đồng). 

Quý I năm nay, Vietjet báo lãi sau thuế 1.463 tỉ đồng, tăng 7%; EPS đạt 2.701 đồng.

Tính đến thời điểm 31/3, tổng tài sản của Vietjet Air đạt 41.387 tỉ đồng; trong đó phải thu ngắn hạn khách hàng tăng mạnh từ 2.910 tỉ đồng lên 6.713 tỉ đồng (không có thuyết minh).

Theo báo cáo tài chính 2018 sau kiểm toán của Vietjet, những khách hàng lớn quen thuộc của hãng hàng không này gồm Hangzhou Baoli, Thai Vietjet Air (công ty liên kết), Apricot Aircraft Company (Ireland, công ty có liên quan), World Go International (cũng là một công ty có liên quan)…

Phải thu dài hạn khác tăng thêm gần 3.000 tỉ đồng lên 12.800 tỉ đồng do trong quý Vietjet đặt cọc 2.250 tỉ đồng cho mua máy bay; ngoài ra quỹ bảo dưỡng cho máy bay thuê cũng tăng lên 6.244 tỉ đồng.

Nợ phải trả cuối kỳ của Vietjet đạt 25.880 tỉ đồng, trong đó các khoản mục lớn gồm vay ngắn hạn 6.470 tỉ đồng, vay dài hạn 562 tỉ đồng và khoản mục dự phòng phải trả ngắn, dài hạn lên tới 11.111 tỉ đồng. Đây chính là các khoản dự phòng chi phí bảo dưỡng và dự phòng hoàn trả máy bay thuê của Vietjet.

Đông A