Doanh thu Alibaba đi ngang trong quý II khi hoạt động kinh doanh trên Taobao và Tmall đi xuống
Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu gần như không đổi, ở mức 205,56 tỷ nhân dân tệ (30 tỷ USD), theo Asia Nikkei.
Con số này đánh dấu lần đầu tiên Alibaba báo cáo tăng trưởng doanh thu không đổi với tư cách là một công ty niêm yết, nhưng kết quả này đã vượt qua mức dự đoán trung bình là 203,2 tỷ nhân tệ do Refinitiv khảo sát.
Bên cạnh đó, thu nhập ròng của công ty có trụ sở tại thành phố Hàng Châu thuộc về các cổ đông phổ thông đã giảm 50% so với một năm trước xuống còn 22,74 tỷ nhân dân tệ.
Daniel Zhang, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Alibaba cho biết: “Sau tháng 4 và tháng 5 tăng trưởng tương đối chậm, chúng tôi đã thấy các dấu hiệu phục hồi trên các lĩnh vực kinh doanh của mình vào tháng 6. Chúng tôi tự tin vào cơ hội tăng trưởng của mình trong dài hạn”.
Ant Group, gã khổng lồ fintech thuộc hệ sinh thái Alibaba có kết quả thu nhập thấp hơn một phần tư so với Alibaba, đã chứng kiến lợi nhuận ròng giảm 17,3% trong quý tháng II so với một năm trước đó khi công ty phải vật lộn trước việc Bắc Kinh thay đổi quy định.
Tổng giao dịch thương mại của Alibaba tại thị trường Trung Quốc, chiếm 69% doanh thu của công ty, đã giảm 1% so với một năm trước, xuống còn 141,94 tỷ nhân dân tệ.
Nguồn doanh thu quan trọng nhất của Alibaba, nền tảng mua sắm trực tuyến Taobao và phí quản lý khách hàng của Tmall, bao gồm thu nhập từ quảng cáo và hoa hồng, đã giảm 10% trong quý tháng II so với cùng kỳ năm trước.
Ông Zhang cho biết tổng giá trị giao dịch trên Taobao và Tmall đã trải qua mức giảm tỷ lệ phần trăm giữa một con số trong năm, thấp hơn mức tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong quý II. Ông nói các nền tảng đang trải qua "sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các hình thức thương mại điện tử khác nhau".
Nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý II, mức thấp nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong tháng 4 và tháng 5, doanh số bán lẻ giảm so với cùng kỳ năm ngoái khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Thượng Hải và các thành phố lớn khác. Hoạt động tiêu dùng sau đó đã phục hồi đôi chút trong tháng 6.
Giám đốc tài chính Toby Xu cho biết mặc dù Alibaba đã chứng kiến sự phục hồi dần dần của các mảng kinh doanh hướng tới người tiêu dùng Trung Quốc trong tháng 7, nhưng vẫn có "rất nhiều rủi ro và bất ổn do các hoạt động vĩ mô đang chậm lại".
Đối mặt với sự không chắc chắn như vậy, ông Zhang cho biết Alibaba sẽ "tập trung vào việc phục vụ các nhóm người tiêu dùng có khả năng chi tiêu cao hơn, đồng thời cung cấp dịch vụ tiêu dùng với các đề xuất giá trị đa dạng cho các phân khúc người dùng khác nhau."
Doanh thu từ mảng kinh doanh điện toán đám mây mà Alibaba định vị là mảng kinh doanh cốt lõi, đã tăng 10% lên mức 17,69 tỷ nhân dân tệ. Mảng kinh doanh này là nguồn doanh thu lớn thứ hai của tập đoàn, nhưng cho đến nay mới chỉ đóng góp vào khoảng 9% tổng doanh thu.
Công ty cho biết lý do dẫn tới tăng trưởng doanh thu chậm hơn trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đám mây là do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm các hoạt động kinh tế vĩ mô chậm lại và nhu cầu từ khách hàng sử dụng internet ở Trung Quốc giảm sút.
"Những bất ổn bên ngoài, bao gồm tình hình địa chính trị, các làn sóng bùng dịch mới và các chính sách kinh tế vĩ mô nằm ngoài những gì chúng tôi có thể kiểm soát. Điều duy nhất chúng tôi có thể làm vào lúc này là tập trung vào việc cải thiện. Bất chấp những thách thức đang đối mặt, tình hình tài chính tổng thể của chúng tôi vẫn ổn định với dòng tiền tự do mạnh mẽ và dự trữ tiền mặt ròng lớn, đó là lợi thế lớn nhất của chúng tôi", lãnh đạo Alibaba cho biết.
Mảng kinh doanh bán lẻ quốc tế của Alibaba, bao gồm Lazada, AliExpress, Trendyol và Daraz, đã giảm 4% trong năm về tổng số đơn đặt hàng. Sự sụt giảm trên AliExpress được cho là do sự thay đổi các quy định về thuế giá trị gia tăng của Liên minh Châu Âu, sự giảm giá giá trị của đồng euro so với đồng USD cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng vì ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine.
Tuần trước, Alibaba đã được thêm vào danh sách 159 công ty Trung Quốc đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ nếu họ phớt lờ luật của Mỹ yêu cầu doanh nghiệp phải cho các cơ quan quản lý Mỹ xem hồ sơ kiểm toán.
Khi được nhà phân tích Alicia Yap của Citi hỏi đâu là trở ngại lớn nhất mà Alibaba phải đối mặt, Zhang không trả lời, nhưng ông cho rằng "một câu chuyện tăng trưởng kinh tế cực kỳ thành công của Trung Quốc đã mang đến những cơ hội cho phép Alibaba thành công trong nhiều năm”.
Trước khi công bố báo cáo tài chính quý II, Alibaba thông báo đã bổ nhiệm Irene Yun-Lien Lee, chủ tịch Hysan Development và Albert Kong Ping Ng, cựu chủ tịch Ernst & Young China, vào hội đồng quản trị của mình với tư cách là Giám đốc độc lập trong nỗ lực "thúc đẩy quản trị doanh nghiệp".