|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Doanh số bán vũ khí toàn cầu lên cao nhất kể từ sau chiến tranh lạnh

14:08 | 20/02/2017
Chia sẻ
Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, xếp sau đó là các nước Ả Rập... do những căng thẳng địa chính trị gia tăng. Mỹ vẫn là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất. 

Doanh số bán vũ khí toàn cầu 5 năm gần đây đã lên cao nhất kể từ năm 1990, trong đó Ấn Độ tiếp tục là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, Bloomberg dẫn tin từ một báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết.

Giai đoạn từ 2012 đến 2016, Ấn Độ nhập khẩu số lượng vũ khí tương đương với 13% toàn cầu, xếp sau đó lần lượt là Ả Rập Xê Út, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất UAE, Trung Quốc và Algeria, theo số liệu thống kê hoạt động mua bán toàn cầu của SIPRI. Giai đoạn 2007 đến 2011, Ấn Độ chiếm khoảng 9,7% lượng nhập khẩu toàn thế giới, vẫn cao nhất thế giới.

Hầu hết các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh đều liên quan tới xung đột vũ trang tại Yemen, Syria hoặc nội chiến và có mối quan hệ căng thẳng với Iran, báo cáo lưu ý. Trong giai đoạn 2012-2016, số vũ khi mà Ả Rập Xê Út nhập khẩu tăng 212% so với 5 năm trước đó, chiếm 8,2% lượng vũ khí nhập khẩu toàn cầu.

Ấn Độ đang phải đối mặt với những đe dọa địa chính trị nghiêm trọng từ nước láng giềng Pakistan cũng như sức mạnh quân sự đang tăng của Trung Quốc. Khi Trung Quốc dứt khoát hơn với các vấn đề ở châu Á và đầu tư hàng tỷ đô la vào các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược tại Pakistan - bao gồm cả dự án nằm trong vùng lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ - chính quyền New Delhi đã nỗ lực tăng cường hợp tác quân sự quốc phòng với Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực.

Mặc dù những mối đe dọa tăng lên, và chương trình "Sản xuất tại Ấn Độ" khuyến khích sản xuất vũ khí trong nước, ngành quân sự quốc phòng trong nước Ấn Độ vẫn không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngành càng tăng của chính quyền, Siemon Wezeman - một chuyên gia nghiên cứu tại SIPRI chia sẻ.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết dành 250 tỷ USD để hiện đại hóa trang thiết bị quân sự đã cũ của nước này - từ máy bay chiến đấu tới súng và tàu ngầm. Chính phủ Ấn Độ muốn dành được hợp đồng từ các công ty lớn như Lockheed Martin Corp và Saab AB, những công ty này cũng hứa sẽ sản xuất sản phẩm tại Ấn Độ. Tuy nhiên, theo Wezeman, truyền thống dựa vào các doanh nghiệp nhà nước và sự chậm trễ liên tục cản trở khả năng thay thế nhập khẩu bằng vũ khí sản xuất trong nước.

Điều này khiến Ấn Độ phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhập khẩu, chủ yếu là từ Nga, Mỹ và Israel. Trong khi thị phần nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ trên thế giới tăng, Trung Quốc cũng tăng dần khả năng tự đáp ứng nhu cầu cho quân đội nước mình. Theo SIPRI, thị phần nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc đã giảm xuống còn 4,5% toàn thế giới trong giai đoạn 2012-2016, so với với 5,5% giai đoạn 2007 - 2011.

Về xuất khẩu vũ khí, Mỹ cho đến nay vẫn là nước xuất khẩu lớn nhất với 33% tổng số vũ khí xuất khẩu toàn thế giới trong 5 năm tính tới 2016. Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai, Trung Quốc xếp thứ ba, theo CNN.

Aude Fleurant, giám đốc chương trình chi tiêu quốc phòng và vũ khí của SIPRI cho biết, Mỹ đã bán nhiều loại vũ khí trong năm 2016, đó đều là những vũ khí đắt tiền và có tầm quan trọng chiến lược như hệ thống tên lửa, công nghệ định vị và giám sát... Trong 5 năm tính tới 2016, Mỹ đã xuất khẩu vũ khí sang ít nhất 100 quốc gia, cao hơn bất cứ nhà cung cấp nào khác. Trong số đó, 47% tới các quốc gia Trung Đông.

PT