|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh số bán iPhone tại Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á

14:54 | 19/11/2022
Chia sẻ
Trong quý III, tổng doanh số bán smartphone của Samsung tại các thị trường trọng điểm ở Đông Nam Á đã giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, trong khi Apple lại chứng kiến doanh số tăng 63%.

Doanh số bán hàng đối với phân khúc smartphone cao cấp (được định nghĩa là những chiếc smartphone có giá hơn 400 USD) tại các thị trường trọng điểm Đông Nam Á trong quý III đã tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Counterpoint Research, một đơn vị theo dõi dữ liệu thị trường.

Tuy nhiên, tổng doanh số bán smartphone ở tất cả phân khúc tại các thị trường Đông Nam Á được Counterpoint Research theo dõi trong quý III lại giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực Đông Nam Á vẫn đang phải đối mặt với những vấn đề liên quan tới bối cảnh kinh tế vĩ mô, qua đó ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng. Các khoản đầu tư cũng bắt đầu chậm lại, bao gồm cả khối lượng FDI (vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) đối với một số quốc gia.

Tất cả điều này đã dẫn đến việc các OEM (Original Equipment Manufacturer – Nhà sản xuất thiết bị gốc) điện thoại thông minh quan trọng bắt đầu tích trữ lượng hàng cần thiết trong quý III để sẵn sàng cho quý cuối năm.

Doanh số bán các sản phẩm smartphone thuộc phân khúc cao cấp tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái phản ánh khả năng phục hồi của khách hàng trong phân khúc này trong thời kỳ khó khăn.

Hàng năm, tháng 9 được cho là thời điểm chứng kiến ​​sự gia tăng các lô hàng trên toàn khu vực. Tuy nhiên, vào năm 2022, xu hướng này đã bị hạn chế do tâm lý người tiêu dùng luôn ở mức thấp. Các ngành nghề đang quay cuồng với sự không chắc chắn về bối cảnh kinh tế vĩ mô, điều này thể hiện ở việc doanh số tổng thể giảm và tổng lượng hàng tồn kho tăng lên. Mùa lễ hội mua sắm cuối năm diễn ra vào quý IV dự kiến sẽ giúp các nhà sản xuất smartphone tại Đông Nam Á cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Việt Nam dẫn đầu về tăng trưởng doanh số bán iPhone

Doanh số bán smartphone tại các thị trường trọng điểm ở Đông Nam Á theo tầm giá trong quý III/2021 và quý III/2022 (Đơn vị: triệu chiếc - Nguồn: Counterpoint Research).

Có một số sự tăng trưởng cũng như lao dốc của từng thương hiệu trong quý III. Trong khi doanh số bán hàng của Samsung giảm 13% so với cùng kỳ thì doanh số bán hàng của Apple lại tăng 63% tại các quốc gia Đông Nam Á được theo dõi.

Trong số các quốc gia Đông Nam Á được hãng theo dõi thị trường Counterpoint Research theo dõi, Việt Nam dường như đang trở thành thị trường thu hút iPhone nhiều hơn khi chứng kiến doanh số bán iPhone tăng nhanh nhất.

Nhu cầu về điện thoại thông minh 5G tăng chậm ở một số quốc gia như Indonesia và Việt Nam trong khi tốc độ lại tăng nhanh hơn ở Thái Lan và Philippines, nơi internet tốt hơn và có một lượng lớn người tiêu dùng khá am hiểu về công nghệ. Các nhà khai thác vẫn đang cung cấp giá trị gói tốt cho người tiêu dùng ngay cả khi nó ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Các thông số kỹ thuật như bộ xử lý, RAM, bộ nhớ trong, dung lượng pin và tốc độ sạc vẫn là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng. Ngay cả khi người tiêu dùng ở Indonesia và Việt Nam không quan trọng yếu tố công nghệ 5G khi mua hàng, họ vẫn có xu hướng coi đó là một tính năng cần thiết cho tương lai.

Các nhà khai thác như Globe ở Philippines rất muốn mở rộng cơ sở hạ tầng 5G của họ ra ngoài các khu vực đô thị, trong khi ở Indonesia, các trường hợp sử dụng 5G đã bắt đầu xuất hiện cho các ngành như khai thác mỏ. Phân khúc smartphone tích hợp mạng 5G có giá từ 200 USD – 400 USD đã chứng kiến mức tăng trưởng 73% so với cùng kỳ năm trước, đồng nghĩa với việc 5G đang được hầu hết các OEM biến thành một tính năng chính.

Doanh số bán các dòng smartphone tích hợp công nghệ 5G theo tầm giá tại các thị trường trọng điểm ở Đông Nam Á trong quý III. (Đơn vị: Triệu chiếc - Nguồn: Counterpoint Reserach).

Bối cảnh kinh tế ảnh hưởng tới thị trường smartphone

Nhận xét về nền kinh tế, chuyên gia phân tích cấp cao Glen Cardoza cho biết: “Hầu hết quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan và Philippines đều tăng lãi suất trong quý III để giảm bớt tác động của việc giá cả tăng cao đối với người tiêu dùng phổ thông.

Lạm phát trong quý ở mức trung bình 5% tại hầu hết quốc gia Đông Nam Á. Điều này không đáng báo động, nhưng đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Chi phí nhiên liệu, logistics tổng thể và các mặt hàng thiết yếu tăng lên, khiến người tiêu dùng phải tiết kiệm và trì hoãn các khoản chi tiêu lớn như điện thoại thông minh.

Phần lớn những người tiêu dùng như vậy thuộc tầng lớp lao động phổ thông hoặc từ các bộ phận yếu hơn về kinh tế. Trong khi một quốc gia như Thái Lan đang vật lộn để lấy lại lượng khách du lịch như trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thì một số quốc gia khác Việt Nam lại cho thấy mức tăng trưởng GDP trong quý III, đạt mức tăng 13%. Hệ quả từ những điều này đã được phản ánh trong doanh số bán smartphone trong vài tháng qua”.

Các OEM vẫn có lượng hàng tồn kho cần thiết đối với các mẫu máy cũ mà họ có thể cố gắng bán bằng cách sử dụng tất cả các công cụ tiếp thị có thể trên các kênh ngoại tuyến và trực tuyến.

Các mẫu mới ra mắt từ tháng 8 sẽ tiếp tục lấp đầy thị trường với hầu hết các thiết bị đã được tích hợp công nghệ mạng 5G. Các doanh nghiệp bán lẻ ngoại tuyến có khả năng thu hút khách từ trải nghiệm trực tiếp tại cửa hàng, tăng tiện ích thanh toán, ưu đãi đổi hàng và hỗ trợ sau bán hàng tốt hơn.

Các mẫu như Galaxy A04s của Samsung và Y02s của Vivo có thể dẫn đầu về doanh số của phân khúc smartphone cấp thấp, qua đó giúp phân khúc này tăng trưởng trở lại.

Anh Nguyễn