Doanh nhân Phan Minh Thông: Lắng nghe cà phê cất tiếng
Thức tỉnh mọi giác quan
Quá nửa hành khách trên chuyến bay từ TP.HCM đến Hà Nội lúc 6 giờ ngày 7/11/2018 đều là nhân viên và đối tác của Phúc Sinh. Khi đáp xuống sân bay Nội Bài, đoàn di chuyển gần 400 km bằng ô tô đến tỉnh Sơn La, để tham dự lễ khai trương Nhà máy Phúc Sinh Sơn La được hoàn thành sau 8 tháng xây dựng.
Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Phúc Sinh cũng đi cùng chuyến bay đó. “Tôi muốn ngồi cùng đối tác chứ không đặt vé hạng thương gia để có thể bàn về cà phê, về vùng đất Sơn La, nơi có món quà vô giá của thiên nhiên và con người Tây Bắc là Arabica”, ông Thông nói và tỏ ra hào hứng trước sự kiện quan trọng không chỉ với Phúc Sinh, mà còn có thể đánh dấu vị thế mới của Việt Nam trên bản đồ cà phê chất lượng toàn cầu.
Phúc Sinh Sơn La là nhà máy thứ sáu trong hệ thống nhà máy của Phúc Sinh Group. 100% lao động tại nhà máy là người dân địa phương đã được Công ty đào tạo các quy trình thu hái, chế biến, xuất khẩu… theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhà máy này dự kiến cung cấp cà phê chỉ dẫn địa lý Arabica Sơn La, với công suất 20.000 tấn cà phê tươi/năm, phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Thông luôn tự hào về đặc tính riêng biệt của Arabica Sơn La. Với sức sống mãnh liệt, không phải chịu cảnh cao nguyên khô hạn, ở trong điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt giữa địa hình đồi núi xen kẽ các thung lũng với 2 cao nguyên Nà Sản - Mộc Châu, cà phê Arabica Sơn La có vị ngon đặc biệt.
Hạt cà phê sau rang xay toát ra mùi vị nồng ấm của gỗ lâu năm, sau khi được ủ nước nóng, sẽ toả ra mùi chua thanh của trái cây rừng rất đặc trưng và khi chạm vào lưỡi, sẽ để lại vị ngọt dịu, lâu của mật ong rừng, chứ không phải vị đắng như những loại cà phê khác.
Ông Thông cho biết, vào thời khắc phát hiện vị ngon riêng có của cà phê Arabica ở Sơn La so với các loại cà phê Arabica từng được biết ở các khu vực trồng rải rác khác tại Đà Lạt hay Quảng Trị, Nghệ An và nhận thấy nơi đây tuy có điều kiện để phát triển vùng trồng, nhưng hoàn toàn thiếu vắng đầu tư quy mô để chế biến sâu, nâng giá trị nguyên liệu ban đầu, ông đã quyết định đầu tư dài lâu tại Sơn La.
Với sự tích cực của nhiều hộ nông dân và chính quyền địa phương, đến nay, diện tích cà phê Arabica toàn tỉnh Sơn La đạt trên 12.400 ha, sản lượng cà phê nhân tính đến cuối năm 2017 đạt trên 10.000 tấn, vẫn được xem là thấp so với tiềm năng và giá trị có thể mang lại. Nhận thấy cơ hội từ khoảng trống còn lớn trong sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu của cà phê Arabica Sơn La, Phúc Sinh đã đầu tư, xây dựng nhà máy với dây chuyền sản xuất cà phê ướt Arabica nhập khẩu từ Colombia.
Doanh thu xuất khẩu mỗi năm được Phúc Sinh công bố đạt hơn 360 triệu USD. Năm 2017, doanh nghiệp này xếp hạng thứ 13 trong danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân có mức lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (theo Vietnam Report).
Vị “ngọt” từ đất và nước
Ông Thông sinh năm 1975, tốt nghiệp ngành Kinh doanh quốc tế, Đại học Ngoại thương Hà Nội trước khi thành lập Công ty cổ phần Phúc Sinh vào năm 2001, với ngành kinh doanh chính là hạt tiêu. Phúc Sinh chỉ thực sự kinh doanh cà phê vào năm 2008 và đó là một cột mốc quá non trẻ so với lịch sử hơn 150 năm kể từ khi cà phê theo dấu chân người Pháp vào Việt Nam. Năm 2016, ông bắt đầu xây dựng chuỗi cung ứng nội địa cà phê với thương hiệu K Coffee.
Theo ông Thông, xây nhà máy không quá khó, mà điều hành và kinh doanh mới là thách thức. “Chúng ta là người Việt Nam, cây cà phê được trồng ở đây, chúng ta hiểu văn hóa và nói tiếng Việt. Bấy nhiêu cũng đủ giúp ta có lợi thế hơn doanh nghiệp các nước khác đến đây kinh doanh”, ông Thông nói.
Ông còn nhớ mãi câu hỏi của bạn hàng về loại cà phê đã được pha trộn với nhiều phụ gia: “Sao Việt Nam xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới về sản lượng, nhưng nhiều người lại uống loại cà phê lạ quá?”. Lãnh đạo Phúc Sinh đưa ra tuyên ngôn rằng, sẽ làm một cuộc cách mạng dành cho khách hàng uống cà phê về gu hay phân biệt được cà phê sạch, cũng như lắng nghe cà phê cất tiếng nói.
“Cà phê cũng có tiếng nói mà ta cần lắng nghe, đừng để âm thanh ấy bị lấn át bởi phụ gia hay hóa chất. Chúng tôi kỳ vọng, mọi người Việt Nam đều có thể uống cà phê nguyên chất, dù không nhất thiết phải uống K Coffee”, ông Thông nói và hiểu rõ, cần rất nhiều thời gian để thay đổi hành vi tiêu dùng này.
Ông Thông không chấp nhận việc lãnh đạo công ty sản xuất, xuất khẩu cà phê lại không thử nếm đồ uống này. Điều ấy chẳng khác gì đi cày mà không biết mảnh ruộng nào cần xới. Sau 5 năm liên tục học và thử nếm, giờ đây, ông có thể phát hiện ra ly cà phê nào có phụ gia hay hóa chất.
Ông Phan Minh Thông rạng rỡ trong lễ khánh thành Nhà máy Phúc Sinh Sơn La.
Ông chọn cách xây dựng thương hiệu cà phê Phúc Sinh bắt đầu từ việc hình thành vùng nguyên liệu, thu mua, chế biến đến rang xay và thương mại hóa sản phẩm. Người nông dân hiểu rõ mỗi mảnh đất, từng giọt nước, khí hậu mùa vụ mà họ đã bao đời gắn bó. Liên kết với họ là giải pháp đảm bảo mắt xích trồng trọt, thu hoạch quả chín, sơ chế, bảo quản… mà doanh nghiệp như Phúc Sinh buộc phải làm nhằm đảm bảo chất lượng thành phẩm.
Tại Sơn La, từ vùng trồng, Phúc Sinh phối hợp cùng người trồng cà phê thực hiện các yêu cầu của chuẩn UTZ từ quy trình tưới nước tiết kiệm, bón phân hữu cơ, cách sử dụng các hóa chất nông nghiệp, cách thức thu hái, đóng gói nguyên liệu, vận chuyển đến kho…
“Chúng tôi trả tiền để nông dân đi học về quy trình canh tác và trả lương cho các tổ trưởng. Khi tất cả cùng làm, Phúc Sinh có thể chưa được hưởng lợi ngay lập tức, nhưng việc này tốt cho môi trường và bền vững cho toàn ngành nhờ vào việc đối xử có hậu với đất đai, với nguồn nước giới hạn”, ông Thông nói và cho biết, đang hợp tác với khoảng 6.000 hộ nông dân trồng tiêu cũng như cà phê trên cả nước.
Ước chừng đội ngũ Phúc Sinh mất khoảng 4 năm để hợp tác cùng nông dân trong một khu vực thực hiện dự án đạt chuẩn và mỗi giấy kiểm định chất lượng từng vùng tốn khoảng 250.000 USD. Nhưng khi có giấy chứng nhận chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc, các công ty hàng đầu trên thế giới sẵn sàng mua hàng của Phúc Sinh.
Từ hơn 8 năm trước, Phúc Sinh đã sử dụng dịch vụ kiểm toán được cung cấp bởi nhóm Big Four. Với ông Thông, kiểm toán không chỉ là bên thứ ba chứng nhận cho việc kinh doanh, mà còn có thể tư vấn hệ thống kế toán, tài chính cho nội bộ doanh nghiệp.
Nhìn lại gần 2 thập kỷ kinh doanh, ông Thông nhắc đến đỉnh điểm của khủng hoảng năm 2008. “Nhìn nhiều người mất hết, tôi sợ hãi. Nếu tôi bị lừa đơn hàng 50 container tiêu đến Bulgaria hồi ấy thì không thể bước qua được. Có những sai lầm lớn quá sẽ dìm chúng ta xuống, có thể kết thúc một công ty và kết thúc một đời người”, ông Thông nói và tin rằng, những khó khăn xuất hiện như thử thách lòng kiên trì và sự sáng tạo của ông trong kinh doanh…
Kinh doanh mà không nhiều vốn thì không làm ăn gì được?
Đó là thắc mắc của đại diện nhiều công ty nước ngoài đối với ông Phan Minh Thông và họ thường không tin vào câu trả lời. Thực tế, ông đã thuyết phục từng khách hàng cấp tín dụng cho mình để có tiền mua hàng, thanh toán cho nhà cung cấp. Thậm chí, có khách hàng, sau khi nghe ông nói chuyện, đã bay đến Việt Nam, đưa ông đến chi nhánh tại Việt Nam của ngân hàng mà họ vẫn dùng ở nước sở tại, rồi thuyết phục ngân hàng cho ông vay tiền…