|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chạy nước rút trong 100 ngày vàng

08:12 | 11/10/2021
Chia sẻ
Ngành thủy sản có 100 ngày "vàng" để chạy nước rút cho mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 9 tỷ USD. Trong khi doanh nghiệp miền Bắc tận dụng được cơ hội từ thị trường Mỹ, EU thì doanh nghiệp miền Nam cố gắng tăng công suất, trả nợ các đơn hàng trước mùa Noel.

Doanh nghiệp miền Bắc dự kiến tăng 30% kim ngạch xuất khẩu

Tại họp báo quý III của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 9 đạt trên 628 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết quý III, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, ngành thủy sản có 100 ngày "vàng" để chạy nước rút cho mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 9 tỷ USD, tương đương mỗi tháng xuất khẩu thủy sản cần đạt hơn 900 tỷ USD.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Hồ Nguyên, TGĐ Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam (Nam Định) cho biết nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu nghêu ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đều thuộc vùng xanh, khá an toàn nên công ty vẫn duy trì sản xuất, gấp rút hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu trước mùa Noel.

"Nhu cầu nhập khẩu của các thị trường đều tăng mạnh, mỗi tháng công ty xuất đều 20 – 25 container nghêu đông lạnh. Dự kiến, sản lượng và doanh thu của xuất khẩu Lenger tăng 30% trong năm 2021, đạt 8.000 tấn nghêu, tương đương 12 triệu USD.

Bên cạnh đó, công ty cũng bắt đầu phát triển và nhận thêm được đơn hàng thịt nghêu đông lạnh, thịt nghêu đóng hộp. Sản phẩm này có giá trị gia tăng cao hơn so với nghêu nguyên vỏ, đồng thời tiêu thụ lượng lớn nghêu của người dân", ông Nguyên nói.

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chạy nước rút trong 100 ngày vàng - Ảnh 1.

Sản lượng và doanh thu của xuất khẩu nghêu của Lenger dự kiến tăng 30% trong năm 2021. (Ảnh: Lenger)

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), EU là thị trường nhập khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 62% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. 

Những ưu đãi thuế từ Hiệp định EVFTA phần nào giúp thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ Việt Nam sang thị trường này.

VASEP dự báo nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm này từ EU và Mỹ vẫn rất cao từ nay tới cuối năm. Nếu đảm bảo được nguồn nguyên liệu cho chế biến và dịch bệnh được kiểm soát, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm.

Nếu doanh nghiệp ở địa phương có thế mạnh về nguyên liệu và chế biến nghêu, không nằm trong vùng giãn cách theo Chỉ thị 16 cần đảm bảo phòng dịch và tăng tốc cho các đơn hàng mùa Giáng sinh.

Dù nhìn thấy những lợi thế nhưng ông Nguyên vẫn chưa hết lo khi một số công nhân của Lenger sinh sống tại tỉnh Hà Nam, thuộc vùng phong tỏa khiến một số dây chuyển sản xuất bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, công tác phòng dịch, đảm bảo an toàn cho công nhân khi trở lại nhà máy là điều ông Nguyên lo ngại.

Mặt khác, hiện nay các doanh nghiệp Mỹ, châu Âu rất ưa chuộng sản phẩm nghêu cỡ lớn nhưng giống nghêu của Việt Nam đang suy thoái, lượng nghêu đạt cỡ lớn rất ít. Và doanh nghiệp có thể mất khách hàng nếu không đáp ứng yêu cầu sản phẩm.

"Về lâu dài, Lenger đang hợp tác với doanh nghiệp ở Hà Lan để sản xuất giống nghêu thuần chủng, có khả năng sinh trưởng tốt, đạt kích cỡ của các khách hàng.

Chúng tôi kỳ vọng sẽ có thể mở rộng quy mô nhà máy, đơn hàng xuất khẩu khi giống nghêu này được đưa vào sản xuất", ông Nguyên nói.

Doanh nghiệp miền Nam tăng công suất, trả nợ đơn hàng

Trong khi doanh nghiệp miền Bắc tăng tốc sản xuất cho các đơn hàng cuối năm thì doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản miền Nam lại thận trọng sản xuất, chủ yếu để trả nợ các đơn hàng trong thời gian giãn cách xã hội.

Trao đổi với người viết, ông Bùi Vĩnh Hoàng Chương, Chủ tịch HĐQT CTCP thủy sản Cà Mau (Seaprimexco) cho biết hiện các tỉnh ĐBSCL đã nới lỏng các quy định giãn cách xã hội, nhà máy bắt đầu tăng công suất từ 30% lên gần 70% để trả hàng cho các đối tác trước tháng 11, nếu chậm trễ thêm doanh nghiệp sẽ mất thị trường.

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chạy nước rút trong 100 ngày vàng - Ảnh 2.

Nhu cầu của thị trường nhập khẩu rất cao nhưng doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng. (Ảnh: Fimex)

Bởi, giai đoạn tháng 7 – 9, cao điểm của doanh nghiệp chế biến tôm lại phải thực hiện 3 tại chỗ, nguyên liệu ùn ứ giá rẻ, đến nay người dân cũng giảm nuôi, chuỗi cung ứng bị đứt gãy thành nhiều mảnh, khó có thể khôi phục trong thời gian ngắn.

"Từ tháng 7 đến nay, Seaprimexco không dám ký mới vì chính sách của Nhà nước thay đổi liên tục, doanh nghiệp không kịp xoay xở.

Đơn hàng cũ chưa giao xong, doanh nghiệp không muốn tiếp tục nợ, mất uy tín và khách hàng. Mục tiêu năm 2021, doanh thu xuất khẩu tôm và các sản phẩm từ tôm đạt 752 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 40 tỷ đồng đều khó thành hiện thực", ông Chương nói.

Cùng hoàn cảnh với Seaprimexco, ông Lê Văn Quang, TGĐ CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú cũng cho rằng ngành tôm đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu trầm trọng.

"Chúng tôi lo từ nay đến cuối năm không có nguyên liệu để trả các đơn hàng trong khi khách hàng đang hối thúc giao hàng.

Chúng tôi đề nghị các địa phương khuyến khích, vận động người dân thả nuôi tôm ngay từ bây giờ để cuối tháng 11, tháng 12 có tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu", ông Quang chia sẻ.

Bên cạnh đó, VASEP cho biết giá cước vận tải liên tục tăng cao, có nơi tăng gần gấp 6 lần khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu giảm mạnh.

VASEP nhận định diễn biến dịch COVID-19 vẫn căng thẳng cùng với tình trạng xáo trộn lao động giữa các tỉnh, thành phố phía Nam khiến tình hình sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản trong tháng 10 tiếp tục bị gián đoạn.

VASEP dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 10 sẽ tiếp tục sụt giảm so với cùng kỳ 2020, dù mức giảm có thể thấp hơn so với tháng 8 và tháng 9.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Anh