|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp xuất khẩu thép áp lực khi EU chính thức thí điểm cơ chế phát thải carbon mới vào tháng 10

07:38 | 19/07/2023
Chia sẻ
Ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký VSA cho biết từ tháng 10/2023, EU sẽ bắt đầu thí điểm cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Nếu các doanh nghiệp thép không ứng phó tốt với CBAM, quan hệ thương mại hai chiều của thép với EU sẽ bị ảnh hưởng.

Vào tháng 10/2023, Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu thí điểm cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), trong đó những mặt hàng xuất khẩu sang EU sẽ chịu ảnh hưởng như sắp thép, nhôm, xi măng, phân bón...

Theo lộ trình của CBAM, từ tháng 10/2023, các doanh nghiệp thép sẽ phải thực hiện một báo cáo về tổng phát thải tích hợp trong hàng hóa theo loại và không chịu phí CBAM.

Sau khi được vận hành chính thức từ ngày 1/1/2026, doanh nghiệp thép sẽ phải mua 1 chứng chỉ CBAM cho mỗi tấn CO2 tương đương có trong sản phẩm nhập khẩu vào EU dựa trên hạn ngạch miễn phí ETS - thị trường mua bán khí phát thải của EU.

Đến năm 2034, cơ chế CBAM sẽ có hiệu lực và các doanh nghiệp thép sẽ phải nộp 100% phí.

Tại hội thảo "Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU và tác động đến ngành thép Việt Nam”, ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), EU là một trong những thị trường hàng đầu của ngành thép. Nếu các doanh nghiệp thép không ứng phó tốt với CBAM của EU thì lượng hàng xuất khẩu sang EU, quan hệ thương mại hai chiều về thép với EU bị ảnh hưởng. Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp thép.

“Nguy cơ hơn là mất thêm nhiều thị trường khác khi những quốc gia này cũng đang xem xét áp dụng các quy định tương tự như CBAM”, Tổng thư ký VSA cảnh báo.

Thông tin chi tiết về lộ trình trung hòa carbon ngành thép Việt Nam, ông Đinh Quốc Thái cho biết giai đoạn 2021-2025, ngành thép sẽ tối ưu hóa quy trình, năng lượng, nguyên liệu thô (phế liệu) và cải tiến công nghệ nhằm giảm 10-30% lượng phát thải CO2.

Giai đoạn 2025-2030 được gọi là giai đoạn chuyển tiếp, ngành thép sẽ sử dnjg nguyên liệu carbon thấp, tăng cường lượng khí H2 (hydro) trong các nhà máy sắt xốp lên 30%, đồng thời phun H2 vào lò cao/sắt dạn viên/lò hồ quang điện.

Ngoài ra, ngành thép hướng đến phát triển các nhà máy luyện thép linh hoạt hybrid, khởi động mô hình thu giữ - sử dụng – lưu trữ - tái chế carbon (CCUS).

Cuối cùng, giai đoạn 2030-2050, ngành thép hướng đến các sản phẩm xanh với loạt giải pháp đồng bộ như hạn chế sử dụng carbon trực tiếp, nhà máy sắt xốp hoạt động dựa trên năng lượng xanh (H2), lò hồ quang điện hoạt động bằng năng lượng tái tạo, đồng thời tiếp tục triển khai mô hình CCUS.

Ông Đinh Quốc Thái cho biết VSA sẽ tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo trao đổi về kiến thức, đồng thời phổ biến thông tin về CBAM trong bản tin nội bộ hàng tháng của hiệp hội.

“Trong nguy có cơ, tôi hy vọng ngành thép sẽ tận dụng được cơ hội và vượt qua nguy cơ. Hiện nay cơ chế tương tự như CBAM đang nhen nhóm ở nhiều quốc gia như Mỹ, Australia, Canada… Doanh nghiệp xuất khẩu cần cố gắng có kế hoạch tốt để ứng phó với cơ chế này”, ông Thái nói. 

Là doanh nghiệp thép đầu tiên của châu Á cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, công ty Posco (Hàn Quốc) cũng cho rằng đây không phải là điều dễ dàng.

Lãnh đạo Posco cho biết để thực hiện mục tiêu này, công ty dự kiến từ nay tới năm 2040 sẽ giảm 50% lượng khí thải carbon bằng một số kỹ thuật tiên tiến, sản xuất thép bằng hydro, thay vì carbon như trước đây.

Tại Việt Nam, Posco có ba công ty chi nhánh. Các công ty đã nắm rõ lộ trình áp dụng cơ chế CBAM nhưng vẫn còn một số vướng mắc về cơ chế.

Năm ngoái tôi đã đến châu Âu 5 lần để thảo luận về việc thực hiện CBAM. EU cũng thừa nhận còn một số vấn đề liên quan đến cơ chế, tuy nhiên họ vẫn kiên quyết với lộ trình áp dụng CBAM vào tháng 10/2023.

Đây sẽ là rào cản thương mại với ngành thép, đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành cần bắt tay nhau để đi xa hơn. Các công ty thép tại Việt Nam cần thực hiện việc báo cáo lượng xuất khẩu, phát thải carbon cho phía EU theo quý, nếu không khai báo hoặc thông tin không chính xác sẽ bị phạt tiền”, lãnh đạo Posco cho biết.

Tại hội thảo, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA khẳng định ngành thép Việt Nam và các doanh nghiệp thép đang phối hợp với các bộ ngành, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng để có các hành động đáp ứng được quy định CBAM.

VSA cũng đang tiến hành các nghiên cứu đánh giá tác động tới Việt Nam đối với các ngành thép có rủi ro rò rỉ carbon cao theo danh sách của EU, nghiên cứu giải pháp và lộ trình triển khai nhằm cân bằng việc dần giảm phát thải carbon đối với mọi ngành sản xuất, bảo đảm tính cạnh tranh với thế giới.

Hoàng Anh