Thuế carbon đối với ngành vận tải biển vẫn 'mắc kẹt'
Những nỗ lực của Pháp nhằm xây dựng sự đồng thuận về thuế carbon toàn cầu đối với ngành vận tải biển đã không đạt được kết quả đáng kể nào tại hội nghị thượng đỉnh ở Paris hôm 23/6.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới, với sự tham gia của khoảng 40 nguyên thủ quốc gia và chính phủ.
Ngành vận tải biển vận chuyển khoảng 90% hàng hóa được giao dịch trên toàn thế giới và chiếm khoảng 3% lượng khí thải carbon toàn cầu.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Quần đảo Marshall và Quần đảo Solomon đã thúc đẩy mức thuế đối với khí thải là 100 USD/tấn, điều này sẽ làm tăng tiền thuế mỗi năm khoảng 60-80 tỷ USD (55-73 tỷ euro).
Tổng thống Macron nói rằng vẫn cần sự hỗ trợ từ Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia châu Âu khác để đưa ý tưởng này thành hiện thực. Ông cũng đề cập tới quyết định của Pháp khi áp dụng “thuế xanh” đối với vé máy bay và một số giao dịch tài chính trong quá khứ, đồng thời nói rằng việc các quốc gia khác không ủng hộ khiến việc thực hiện điều này gặp khó khăn.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng cho hay Mỹ đang xem xét vấn đề này. Bà cho biết Mỹ đang rất tập trung vào nhu cầu huy động các nguồn lực bổ sung đáng kể để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo và các thách thức toàn cầu khác.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), một cơ quan của Liên hợp quốc, dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trong thời gian hai tuần để thảo luận về thuế carbon.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng chưa quan tâm nhiều tới ý tưởng này, mà đã được hai quốc gia Thái Bình Dương là Quần đảo Marshall và Quần đảo Solomon thúc đẩy, trong thập niên qua.
Theo một nguồn tin ngoại giao của Pháp, tổng cộng có 18 quốc gia đang ủng hộ ý tưởng này.