|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp Việt Nam 'đã làm được ốc vít, nhưng không bán được'

16:37 | 24/12/2016
Chia sẻ
Nếu không có những thỏa thuận theo hướng cùng có lợi, doanh nghiệp Việt ngày càng khó tham gia sâu hơn vào hoạt động sản xuất của tập đoàn nước ngoài.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa loay hoay

Câu nói của ông Lê Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường (Hà Nội) hẳn sẽ nhận được sự chia sẻ của doanh nghiệp Việt.

“Nhiều người nói, doanh nghiệp Việt không làm được ốc vít. Tôi khẳng định, chúng ta làm được, vấn đề là không bán được”, ông Thủy nói.

Với hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực gia công cơ khí, thiết kế chế tạo máy và cung cấp công cụ hỗ trợ công nghiệp, ông Thủy khá tường tận đường đi của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ mà giới hoạch định chính sách đang đau đầu tìm cách tháo gỡ.

Bài toán mà doanh nghiệp đang phải đối mặt là bán được hàng, nghĩa là đầu ra, chứ không còn là có làm được không.

doanh nghiep viet nam da lam duoc oc vit nhung khong ban duoc

Ngành cơ khí Việt Nam vẫn mãi là một giấc mơ xa

Nhưng ngay lý do không bán được, theo ông Thủy, cũng không phải phát kiến mới. Đó vẫn là nguyên liệu phải nhập dẫn đến giá thành đội lên, nhân lực yếu kém, hệ thống quản lý dưới chuẩn. Đặc biệt, thiếu vốn vẫn là rào cản lớn nhất.

“Chúng tôi đang làm với các tập đoàn lớn của Nhật. Họ đòi hỏi nhiều, từ chuyên nghiệp về quản trị, môi trường, hệ thống quản lý sản xuất… đến mẫu sản phẩm. Nếu không có sản phẩm mẫu, không làm việc được với họ. Nhưng để có mẫu, phải đầu tư dây chuyền, công nghệ theo tiêu chuẩn họ cần. Chúng tôi không đủ tiền để làm việc này”, ông Thủy chi li.

Song, khi đã vượt qua vòng tuyển mẫu, khó khăn còn lớn hơn, đó là phải có tiền để thực hiện hợp đồng. “Doanh nghiệp Nhật không có cơ chế tạm ứng, dù đơn hàng cả chục tỷ đồng. Nghĩa là, một đơn hàng thực hiện trong 3 tháng, nếu tính cả thời gian thanh toán có thể lên tới 4-5 tháng. Doanh nghiệp Việt có đủ vốn để làm trước, thanh toán sau không. Chủ yếu là không, kể cả vay ngân hàng thì lãi suất cho vay trung bình là 10%/năm cũng không dễ”, ông Thủy phân tích thêm.

Trong khi đó, đối thủ của doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này lại ở ngay bên cạnh, có thể giải được các bài toán trên một cách nhanh chóng.

Nhiều người nói, doanh nghiệp Việt không làm được ốc vít. Tôi khẳng định, chúng ta làm được, vấn đề là không bán được.

Ông Nguyễn Minh Giáp, Giám đốc Công ty Thiết bị và Phát triển chất lượng EVD (Hà Nội) kể, mới đây, ông nhận được đầu bài cung cấp giải pháp để sản xuất ống xả xe máy trong thời gian 20 giây/ống, tỷ lệ lỗi là dưới 0,05%. Doanh nghiệp ra đầu bài đang mất 40 giây cho một ống xả. Họ nhận được yêu cầu này từ Honda.

“Chúng tôi làm được, nhưng khó đảm bảo mức lỗi nhỏ như vậy, vì quy trình sản xuất của doanh nghiệp Việt chưa đạt chuẩn. Trong khi chúng tôi chỉ có thể cung cấp giải pháp, thì khi tôi sang Thái Lan tìm hiểu, họ nói sẽ cung cấp cả quy trình, công nghệ và huy động vốn dễ dàng. Nếu thi thì doanh nghiệp Việt sẽ thua cả về giá, chất lượng, thời gian giao hàng…”, ông Giáp thừa nhận.

Sao khó nối tay?

Thực tế, cả ông Thủy và ông Giáp đều đã đưa ra phương án để tự gỡ, nhưng để nhân rộng thì chỉ doanh nghiệp không đủ.

Như trường hợp của Công ty Trí Cường, đang muốn có sự hỗ trợ của chính đối tác Nhật Bản.

“Tôi đã trao đổi với doanh nghiệp Nhật rằng, họ hỗ trợ chúng tôi nguồn tài chính với lãi suất vay của Nhật, chỉ khoảng 1-2%/năm, thời gian trả nợ khoảng 1-2 năm, chúng tôi sẽ đầu tư công nghệ và đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn. Một giải pháp khác là doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị cho chúng tôi mua trả chậm…”, ông Thủy nói.

Hơn thế, doanh nghiệp cũng muốn các tập đoàn lớn khi tìm kiếm thầu phụ Việt Nam công bố rõ các tiêu chuẩn, chứ hiện tại, họ chỉ biết được yêu cầu này khi tham gia đấu thầu, mà lúc đó thì việc đáp ứng rất khó.

Tất nhiên, để đối ứng, doanh nghiệp Việt phải đảm bảo tiêu chuẩn về quản trị, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Nhưng, không phải doanh nghiệp Việt nào cũng đủ năng lực và vị thế đàm phán được như vậy. Ông Giáp nói, đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa cần bàn tay kết nối của các hiệp hội và cơ chế chính sách. Nhiều doanh nghiệp hy vọng vào dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, mọi việc không thể dừng lại.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang muốn mở rộng mô hình thỏa thuận hợp tác với Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nâng cao năng lực (qua đào tạo, thông tin, tư vấn, chắp mối…) và kết nối với doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ.

Hội Doanh nghiệp Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đã ký kết với Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp châu Á để thúc đẩy đào tạo nâng chuẩn cho hội viên.

Ngân hàng Thế giới (WB) đang để ý tới mô hình Trung tâm Quan hệ đối tác và phát triển công nghiệp hỗ trợ (SPX) do UNIDO, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI xây dựng với mong muốn nhân rộng. SPX đang có 600 doanh nghiệp nội cần tìm kiếm đối tác.

Mô hình kết nối đã có, chìa khóa là thúc đẩy của từng thành viên. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, đang bàn với các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cách thực thi.

“Kết nối với doanh nghiệp nội là cách tốt nhất để doanh nghiệp FDI bám sâu vào nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc nói.

Khánh An