|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nghiệp Việt: 'Đáng ngại nhất là không biết quản lý thời gian'

21:00 | 02/05/2018
Chia sẻ
Theo GS.Phan Văn Trường, một trong những điều đáng ngại nhất trong công tác quản trị của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam là không biết quản lý thời gian. Điều này làm giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh và cản bước tiến của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp chưa quan tâm đến tính bền vững trong chiến lược phát triển của mình.
doanh nghiep viet dang ngai nhat la khong biet quan ly thoi gian Doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc
doanh nghiep viet dang ngai nhat la khong biet quan ly thoi gian Liệu doanh nghiệp Việt có đón đầu được cơ hội lớn khi vào EVFTA?
doanh nghiep viet dang ngai nhat la khong biet quan ly thoi gian
Theo GS.Phan Văn Trường, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn một số điểm yếu trong công tác quản trị. Điều rõ rệt nhất là không biết quản lý thời gian.

Thưa ông, với nhiều năm làm công tác quản trị tại các tập đoàn đa quốc gia, ông nhận thấy điểm yếu trong công tác quản trị của các doanh nghiệp Việt Nam là gì?

Đã sống và làm việc ở Việt Nam một thời gian khá dài, đã đến rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, tôi nhận thấy rằng, có nhiều doanh nghiệp lớn được quản trị rất bài bản, đạt kết quả kinh doanh tốt và được nhiều doanh nghiệp nước ngoài kính nể. Điều đáng mừng là đã có một lớp nhân lực trẻ được đào tạo tốt và rất "cừ" trong cách thức quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp có kết quả không tốt hoặc chỉ ở mức trung bình và phần nhiều trong số đó có nền quản trị không vững vàng. Lãnh đạo ở các doanh nghiệp này nhầm lẫn giữa quản trị và quản lý.

Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn một số điểm yếu trong công tác quản trị. Điều rõ rệt nhất là không biết quản lý thời gian. Lịch làm việc của những người quan trọng trong công ty liên tục thay đổi bởi nhiều chuyện đột xuất. Hậu quả là nhiều kế hoạch làm việc bị thay đổi, thời gian làm việc của nhân viên được sử dụng không hiệu quả và kéo lùi kết quả chung của cả doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng xấu đối với môi trường làm việc và các đối tác của họ. Về mặt quản lý thời gian, rõ ràng là doanh nghiệp Việt Nam còn khoảng cách rất xa so với doanh nghiệp các nước phát triển.

Về tài chính, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang có những người quản lý tài chính rất giỏi. Điều đáng ngại là dù nhiều người hiểu sâu về tài chính song nhiều doanh nghiệp vẫn nhận lấy rủi ro tài chính trong các dự án kinh doanh. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể ký hợp đồng với một chủ đầu tư không vững vàng về tài chính, khả năng thanh toán thấp. Điều này là đáng ngại bởi một quyết định chấp nhận rủi ro có thể tổn hại đến cuộc sống của hàng trăm hoặc hàng ngàn nhân viên và gia đình của họ.

Về mặt kỹ thuật, thực tế là nhiều công ty Việt Nam có năng lực thực hiện những công nghệ kỹ thuật cao nhưng rất đáng ngạc nhiên là người tiêu dùng Việt Nam lại không được sử dụng những sản phẩm tốt và an toàn. Điều này đặc biệt rõ rệt trong ngành nông nghiệp, với 70% dân số làm trong lĩnh vực nông nghiệp, khả năng tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao hoàn toàn trong tầm tay, thế nhưng, các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp sạch dường như quá xa xỉ ở Việt Nam. Trong khi đó, ở nhiều nước phát triển, vấn đề đạo đức luôn được đề cập đầu tiên khi áp dụng các công nghệ kỹ thuật.

Với những điều này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó phát triển bền vững, thưa ông?

Quả thật, bền vững chưa phải là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Có doanh nghiệp đang bền vững nhưng không phải do họ chú tâm xây dựng mà là nhờ những điều kiện thuận lợi của thị trường.

Phát triển bền vững không có nghĩa là mỗi năm tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận được bao nhiêu phần trăm. Tính bền vững không đo bằng những con số này mà bằng tất cả những gì định nghĩa làm nên chữ bền vững. Tức là, nhân viên trong công ty cũng phải được đào tạo trở thành nguồn nhân sự bền vững, trình độ kỹ thuật và công nghệ áp dụng trong công ty cũng phải tiến bộ để giữ tính bền vững. Theo tôi, cần có những bước tiến dài nữa để những doanh nghiệp Việt Nam thực sự biết thực hiện chiến lược phát triển bền vững thay vì chỉ bàn đến ở các cuộc họp hoặc chỉ ghi vài dòng trên trong các tài liệu của công ty.

Bên cạnh những vấn đề quản trị như trên, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp một lực cản khác là năng suất làm việc vẫn ở mức rất thấp. Ông nhận xét gì về vấn đề này?

Nhận xét năng suất lao động Việt Nam thấp là không sai, song nguyên nhân của tình trạng này có một phần do cách sử dụng lao động đang bị "phản chuyên môn hoá". Điều này thấy rõ nhất ở các khu công nghiệp của Việt Nam.

Khi khu công nghiệp mở ra, nhiều người nông dân vốn có tay nghề nông nghiệp cao song họ phải bỏ làng để bắt đầu với một công việc hoàn toàn xa lạ. Điều này có nghĩa là chúng ta đang biến nhiều lao động có chuyên môn thành không có chuyên môn và làm giảm giá trị của họ. Hiện tượng này góp phần làm giàu cho các khu công nghiệp, các nhà đầu tư nhưng lại đang làm nghèo đi tính chuyên môn của lao động Việt Nam và kéo những lao động lành nghề ra khỏi làng, làm đủ thứ nghề nhưng không giỏi nghề nào thì năng suất lao động của họ thấp là điều không tránh khỏi. Trong khi đó, lẽ ra người trồng lúa cần có máy cày tốt hơn, cần được đào tạo để biết làm nông nghiệp công nghệ cao và trở thành nông dân công nghệ cao. Tất cả điều này làm cho hiệu năng của nền kinh tế đi xuống.

Một hiện tượng được nhắc đến trong thời gian gần đây là nhiều doanh nhân Việt Nam đã sang các nước phát triển trong khu vực để mở công ty thay vì phát triển ngay trên quê hương mình với thị trường người tiêu dùng rất tiềm năng. Ông bình luận gì về điều này?

Điều này liên quan đến môi trường khởi nghiệp và kinh doanh. Nhiều người hiểu khởi nghiệp là sản phẩm và thị trường song thực tế, sản phẩm chưa hẳn là yếu tố chính mà môi trường là yếu tố chính thúc đẩy khởi nghiệp.

Chẳng hạn, một công ty như Google hay Amazon khó mà có thể khởi nghiệp ở Pháp bởi vì họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn từ thủ tục giấy tờ, sự phiền phức trong cả quá trình kinh doanh. Trong khi đó ở Mỹ, mọi điều này đều trở nên dễ dàng. Mỹ là nơi tạo thuận lợi cho việc làm giàu chính đáng do đó nước này thu hút được nhiều doanh nhân giỏi đến làm việc và sinh sống.

Liên quan đến môi trường khởi nghiệp, theo ông, những chính sách của Chính phủ để hỗ trợ khởi nghiệp thời gian qua đã "trúng" và "đủ" chưa?

Các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Chính phủ trong thời gian qua là đã kịp thời. Tôi thật sự ấn tượng với những lời động viên, khuyến khích người dân, đặc biệt những người trẻ tuổi mạnh dạn khởi nghiệp để tạo ra những giá trị mới cho xã hội của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đi đâu trên khắp đất nước này, tôi cũng gặp những người trẻ nhiệt huyết khởi nghiệp. Tôi nghĩ, phải có đến 100.000 người muốn khởi nghiệm nghiêm túc. Cứ tính xác suất khắt khe là 100 người khởi nghiệp mới có 1 người thành công, thì 100.000 người muốn khởi nghiệp có thể có được 1.000 doanh nghiệp thành công. Nếu môi trường kinh doanh tốt thì trong 1.000 doanh nghiệp thành công này sẽ có 50 doanh nghiệp rất thành công và họ có thể trở thành những công ty rất lớn trong 20 năm sau.

Thử tính toán như vậy để thấy nền kinh tế của chúng ta sẽ trù phú như thế nào nếu môi trường khởi nghiệp thuận lợi. Song thực tế, môi trường khởi nghiệp của chúng ta đã được tạo điều kiện nhưng chưa đủ. Các chính sách đã và đang được xây dựng nhưng việc thực thi vẫn còn nhiều khoảng cách đáng bàn. Hiện tại, tôi có hai đề xuất liên quan đến việc thúc đẩy môi trường cho khởi nghiệp.

Một là mở cửa các không gian trống ở các trường đại học để dành cho khởi nghiệp. Các trường đại học có thể hỗ trợ miễn phí văn phòng cho người khởi nghiệp đến khi công ty khởi nghiệp đi vào thời kỳ vận hành. Điều này thực sự có ý nghĩa rất lớn. Tại sao tôi nghĩ đến khuôn viên của các trường đại học? Bởi vì số đông nhóm trẻ khởi nghiệp chính là những sinh viên tuấn tú đã hoặc chưa tốt nghiệp của những cơ sở này.

Hai là, trong truyền thông sản phẩm, kinh nghiệm cho thấy có ít công ty khởi nghiệp có đủ tài chính để quảng cáo sản phẩm của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thiết nghĩ, thay vì tồn tại hàng chục kênh truyền hình mà đôi khi chiếu những chương trình không có nội dung thiết thực thì mỗi ngày hay mỗi tuần, các đài truyền hình nên tặng một, hai giờ cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Đây không chỉ là cơ hội để doanh nghiệp khởi nghiệp quảng bá sản phẩm mà còn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong những người khác, tạo làn sóng khởi nghiệp rộng khắp.

Giới thiệu về GS. Phan Văn Trường:

GS.Phan Văn Trường sang Pháp năm 1963 và tốt nghiệp Trường cao đẳng quốc gia Cầu đường năm 1970. Từ năm 1970 đến khi về hưu năm 2005, ông tham gia giảng dạy tại Đại học Paris 1-Panthéon-Sorbonne, giữ chức vụ tư vấn, kinh doanh, quản lý và quản trị của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới.

Sau khi về hưu, ông tập trung vào việc đóng góp cho nền giáo dục nước nhà. Ông giảng dạy kỹ năng quản lý và lãnh đạo tại Viện John Von Neumann thuộc Đại học Quốc gia Tp.HCM; giảng dạy quy hoạch vùng và kinh tế đô thị tại Đại học Kiến trúc Tp.HCM. Ông còn là cố vấn thường trực của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế từ thập niên 1990. GS.Phan Văn Trường được Tổng thống Pháp hai lần phong Hiệp sĩ năm 1990, năm 2006 và được Chủ tịch nước Việt Nam tặng huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục" năm 2010.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Lê Hường

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.