|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng 'ngóng' miếng bánh đầu tư công

12:13 | 17/07/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh COVID-19 tác động mạnh mẽ lên tất cả các ngành hàng, các dự án đầu tư công của Chính phủ được kì vọng sẽ là "một miếng khi đói" cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thuộc ngành vật liệu xây dựng.

Sáng ngày 16/7, tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, "giải ngân vốn đầu tư công là một cứu cánh, chứ không phải đầu tư công là nạn nhân của COVID-19"'.

Quan điểm này được Thủ tướng đưa ra khi số liệu báo cáo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm còn chậm, chưa thể góp phần "cứu cánh" nền kinh tế như kì vọng của Quốc hội.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm gần 160.000 tỉ đồng, đạt 33,9% kế hoạch Quốc hội đề ra. Trong đó, đối với một trong những dự án được quan tâm nhất hiện nay là Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (gồm 11 dự án thành phần), nhà nước đã giải ngân 38,8% số vốn theo kế hoạch, tương đương 3.437 tỉ đồng.

'Miếng bánh' đầu tư công có đủ để 'cứu' ngành vật liệu xây dựng? - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang là làn sóng đầu tư công mà các doanh nghiệp Vật liệu xây dựng trông chờ. Nguồn: VNDIRECT.

Trong bối cảnh COVID-19 tác động mạnh mẽ lên tất cả các ngành hàng, dự án đầu tư công của Chính phủ được kì vọng sẽ là "một miếng khi đói" cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc ngành vật liệu xây dựng.

Theo ước tính của VNDIRECT, để hoàn thành Dự án trên chi phí cho nhựa đường, thép xây dựng và xi măng sẽ cần lần lượt 25.700 tỉ đồng, 22.000 tỉ đồng và 11.000 tỉ đồng.

'Miếng bánh' đầu tư công liệu có đủ sức 'cứu đói' ngành vật liệu xây dựng? - Ảnh 2.

Nguồn: VNDIRECT RESEARCH

Nhóm thép xây dựng: Đặt kì vọng vào đầu tư công song song với chủ động phát triển kinh doanh

"Việt Nam là nước công nghiệp mới và Hòa Phát lại hoạt động trong ngành hưởng lợi từ việc chính phủ đẩy mạnh đầu tư công", phát biểu này được ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) đưa ra tại ĐHĐCĐ thường niên nhằm giải thích về kế hoạch kinh doanh được cho là khá tham vọng của Hoà Phát trong năm 2020.

Theo đó, trong năm nay, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 86.000 tỉ đồng, 9.000 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt 35% và 19% so với kết quả thực hiện năm 2019.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát cho biết đã bán ra thị trường trong và ngoài nước 1,51 triệu tấn thép xây dựng, tăng 12,4% so với cùng kì năm ngoái. 

Tình hình kinh doanh của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) cũng cho thấy các tín hiệu tích cực, khi dù doanh thu giảm nhẹ, lợi nhuận vẫn tăng trưởng và vượt kế hoạch đề ra. 

Lũy kế 9 tháng đầu niên độ (1/10/2019 đến 30/6/2020), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) ước tính doanh thu ở mức 19.189 tỉ đồng, giảm 12% so với cùng kì, lợi nhuận sau thuế ước đạt 690 tỉ đồng, tăng trưởng 149%.

Thay vì chỉ trông chờ vào thị trường nội địa hay các dự án đầu tư công, Hoa Sen đang đẩy mạnh khai thác thị trường ngoại bằng việc tích cực xuất khẩu tôn mạ. 

Chỉ trong ba tháng 3-4-5/2020, ngay trong giai đoạn cao điểm đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, sản lượng xuất khẩu của Hoa Sen vào thị trường châu Âu và châu Mỹ tăng trưởng 127% so với cùng kì năm trước, riêng thị trường châu Âu tăng trưởng 318% so với cùng kì.

Trong khi đó, công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã: NKG) lại tỏ ra khá thận trọng khi mục tiêu tăng trưởng trong sản lượng tiêu thụ năm 2020 đạt 700.000 tấn, "nhỉnh hơn" 7% so với kết quả thực hiện năm 2019. 

Theo ông Võ Hoàng Vũ, Tổng Giám cho biết tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, đầu năm dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới tác động lớn đến ngành thép trong và ngoài nước, đặc biệt là sản phẩm tôn mạ. 

Trong tháng 4 và 5, xuất khẩu bị ảnh hưởng rất lớn, tháng 6 đẩy xuất khẩu lại, tình hình nhận đơn hàng cho tháng 6 và 7 là tốt trở lại. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ nội địa ổn định và có tăng nhẹ. Tổng sản lượng quí II so với bình thường dự đoán giảm khoảng 15%.

'Miếng bánh' đầu tư công có đủ để 'cứu' ngành vật liệu xây dựng? - Ảnh 3.

Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp nhóm thép có dấu hiệu tăng trưởng tích cực từ quí II/2020 cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào sự phục hồi của nhóm ngành này trong bối cảnh hậu COVID-19. Nguồn: Hoà My tổng hợp.

 Nhóm xi măng: Đầu tư công khó mà cứu vãn được tình trạng dư cung

Tại ĐHĐCĐ của CTCP Xi măng Bỉm Sơn (mã: BCC), ban lãnh đạo của công ty đưa ra nhận định, "cả nước có 86 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất đạt 105,84 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước ước khoảng 69 - 70 triệu tấn, dư thừa hơn 30 triệu tấn.

Do đó, các doanh nghiệp sản xuất buộc phải xuất khẩu, áp lực về tiêu thụ xi măng nội địa rất lớn, đặc biệt là khu vực Bắc Trung bộ".

Theo đó, năm nay, Bỉm Sơn đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 21%, tuy nhiên, lãi trước thuế trong năm dự kiến giảm hơn 20% so với năm 2019, đạt 155 tỉ đồng.

CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (Mã: HT1) cũng đưa ra kế hoạch tăng trưởng âm với lợi nhuận trước thuế năm 2020 dự kiến giảm 11% so với cùng kì, xuống còn 830 tỉ đồng.

Tại ĐHĐCĐ, Ban lãnh đạo Xi măng Hà Tiên 1 cho biết, hiện công ty đang theo dõi, cập nhật thông tin các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, công ty cũng không đặt quá nhiều kì vọng do sản lượng tiêu thụ tại các dự án này chiếm tỉ trọng nhỏ, trong khi, phân khúc tiêu thụ chủ yếu của công ty là xây dựng dân dụng. 

Trong khi đó, trước những khó khăn do COVID-19 gây ra, hoạt động đầu tư, xây dựng đang chững lại. Nhiều doanh nghiệp xây dựng đã phải điều chỉnh giảm sâu kế hoạch kinh doanh khi COVID-19 diễn ra.

Nhựa đường: Hấp dẫn các nhà đầu tư cổ phiếu nhờ kì vọng hưởng lợi kép từ đầu tư công và giá dầu giảm

'Miếng bánh' đầu tư công có đủ để 'cứu' ngành vật liệu xây dựng - Ảnh 4.

Cổ phiếu PLC hấp dẫn nhà đầu tư nhờ kì vọng hưởng lợi kép từ đầu tư công và giá dầu giảm. Nguồn: Hoà My tổng hợp

Hiện nay, cổ phiếu PLC của Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex đang thu hút sự quan tâm từ giới đầu tư nhờ kì vọng làn sóng đầu tư công sẽ mang lại nguồn việc dồi dào cho các doanh nghiệp nhựa đường trong năm 2020.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Phạm Bá Nhuân, Chủ tịch HĐQT, PLC có thể chưa được hưởng lợi ngay trong năm 2020 vì nhựa đường chỉ bán được hàng khi nền đường đã xong."

Theo nhận định của VNDrect, với việc có lợi thế lớn về hệ thống kho và mạng lưới phân phối, dự báo tăng trưởng kép doanh thu mảng nhựa đường của PLC sẽ đạt mức 16,4%, hỗ trợ đáng kể tăng trưởng doanh thu cả công ty đạt 7,0% trong năm 2020-2021.

Đá xây dựng: khó có thể hưởng lợi 

Do đặc thù ngành, giá thành đá xây dựng phụ thuộc nhiều vào chi phí vận chuyển, do đó, Bộ Giao thông vận tải đã gửi công văn xuống UBND các tỉnh có các tuyến đường cao tốc trên địa bàn tỉnh hỗ trợ cung cấp nguyên vật liệu phục vụ thi công dự án. 

Theo VNDirect, ngoại trừ dự án sân bay Long Thành – Đồng Nai ở khu vực gần các mỏ đá khai thác của các công ty khai thác thì các khu vực khác đều có những công ty tư nhân khác cung ứng cho các cao tốc, vì vậy, tiềm năng tác động của đầu tư công lên hoạt động kết quả kinh doanh của các công ty khai thác đá xây dựng được đánh giá là không cao.

'Miếng bánh' đầu tư công có đủ để 'cứu' ngành vật liệu xây dựng? - Ảnh 3.

Kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty khai thác đá không ảnh hưởng nhiều từ các dự án đầu tư công. Nguồn: PHFM.


Hòa My