Doanh nghiệp và người lao động Đồng Nai muốn tạm dừng '3 tại chỗ'
Tối 5/8, UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo xử lý trường hợp doanh nghiệp đề nghị chấm dứt việc thực hiện các phương án “3 tại chỗ“ hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm" đã được phê duyệt hoặc người Iao động tại doanh nghiệp chủ động đề nghị chấm dứt việc lưu trú tại doanh nghiệp để về nơi cư trú.
Theo đó, đối với trường hợp doanh nghiệp để nghị chấm dứt việc thực hiện phương án “3 tại chỗ“ hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm" đã được phê duyệt, UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp báo nơi phê duyệt phương án ban đầu và UBND các huyện, thành phố nơi doanh nghiệp hoạt động để nắm thông tin, xử lý theo quy định.
Sau khi có ý kiến chấp thuận, doanh nghiệp phải có trách nhiệm xét nghiệm COVlD-19 cho toàn bộ người lao động tại doanh nghiệp. Người lao động chỉ được rời doanh nghiệp khi giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày và được sự đồng ý tiếp nhận của UBND cấp huyện, thành phố.
Việc chấm dứt thực hiện phương án “3 tại chỗ" hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm" như trên chỉ thực hiện đối với những doanh nghiệp xét nghiệm không có trường hợp dương tính với SAR-CoV-2.
Đối với trường hợp doanh nghiệp qua xét nghiệm có dương tính với SAR-CoV-2 yêu cầu doanh nghiệp tuyệt đối không để người lao động tự ý rời doanh nghiệp và thực hiện nghiêm Công văn số 9052/UBND-KGVX ngày 1/8 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong khi đó, các trường hợp doanh nghiệp vẫn tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điếm" nhưng có người lao động đề nghị không tiếp tục lưu trú tại doanh nghiệp, có nhu cầu đưa về nơi cư trú, tỉnh Đồng Nai yêu cầu doanh nghiệp báo cáo danh sách và kết quả xét nghiệm gửi UBND các huyện, thành phố nơi người lao động có nhu cầu về nơi cư trú.
Đồng thời, doanh nghiệp cần phải tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho người lao động tại doanh nghiệp. Người lao động được trở về nơi cư trú khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và thực hiện nghiêm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Ngoài ra, các doanh nghiệp được yêu cầu cung cấp giấy giới thiệu, kết quả xét nghiệm Covid-19, văn bản tiếp nhận của UBND cấp huyện cho từng người lao động và hướng dẫn họ chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để di chuyển trên đường và qua các chốt kiểm soát trước khi rời doanh nghiệp.
Người đứng đầu doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật (để dịch lây lan sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự) nếu cho người lao động về mà không tuân thủ đầy đủ các quy định hoặc để người lao động tự ý rời khỏi doanh nghiệp nơi tạm trú về địa phương làm lây lan dịch bệnh.
Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, trong đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 có 1.156 doanh nghiệp trong các KCN đã đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất kinh doanh, chiếm hơn 70% số doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN. Số lao động lưu trú trong công ty để làm việc là hơn 136.700 người.
Tính đến hết ngày 5/8, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận tổng cộng 7.145 ca dương tính COVID-19 trong đợt dịch thứ 4. Trong đó, TP Biên Hòa nhiều nhất với 3.413 ca, huyện Nhơn Trạch 1.199 ca, huyện Vĩnh Cửu 1.171 ca, huyện Trảng Bom 384 ca, huyện Thống Nhất 221 ca... Số ca tử vong cộng dồn là 46 người.