|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao Bộ Y tế đề xuất tạm dừng thông báo số ca COVID-19 hàng ngày?

20:15 | 06/03/2022
Chia sẻ
Đề xuất tạm dừng thông báo số ca mắc COVID-19 hàng ngày của Bộ Y tế nhằm tránh gây hoang mang cho người dân do số ca nhiễm chỉ là một trong 8 chỉ số đánh giá tình hình cấp độ dịch.

Bên cạnh đề xuất cho F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly, ngày 5/3, Bộ Y tế cũng đã có báo cáo Thủ tướng về công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, trong đó xin ý kiến về vấn đề tạm dừng việc thông báo số nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày.

Bộ Y tế nhấn mạnh, đề xuất này nhằm tránh gây hoang mang cho người dân, vì số ca nhiễm chỉ là một trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.

Vì sao Bộ Y tế đề xuất tạm dừng thông báo số ca COVID-19 hàng ngày? - Ảnh 1.

Quang cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 5/3. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Theo quyết định mới nhất về tiêu chí đánh giá cấp độ dịch COVID-19 do Bộ Y tế ban hành, có 8 chỉ số đánh giá cấp độ dịch, gồm:

- Tỷ lệ ca mắc mới trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân.

- Tỷ lệ ca bệnh phải thở oxy trung bình trong 7 ngày qua ghi nhận trên địa bàn xã/100.000 người.

- Tỷ lệ ca tử vong trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân.

- Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm theo khuyến cáo tại thời điểm đánh giá của Bộ Y tế của địa bàn cấp xã tính trên toàn bộ dân số trên điạ bàn.

- Tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi trở lên ở người thuộc nhóm nguy cơ cao (không chống chỉ định tiêm chủng) trong số đối tượng ở nhóm nguy cơ cao của địa bàn cấp xã.

- Tỷ lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc/10.000 dân: khả năng có thể quản lý, chăm sóc tại địa bàn cấp xã.

- Tỷ lệ giường bệnh dành cho người bệnh COVID-19 còn trống tại các cơ sở thu dung, điều trị trên địa bàn cấp huyện/100.000 dân tại thời điểm đánh giá.

- Tỷ lệ giường điều trị tích cực (ICU) có đủ nhân viên y tế phục vụ/100.000 dân.

Hiện nay, Bộ Y tế vẫn công bố số ca nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày vào bản tin lúc 18h. Trước đó, trong giai đoạn đầu khi dịch mới bùng phát, Bộ công bố số nhiễm liên tục theo ba bản tin: 6h, 12h, 18h hàng ngày, sau đó giảm dần số lượng.

Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. 

Số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 125.000 ca), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc xin, nhất là nhóm dưới 12 tuổi (tháng 1 là 18,4% và tháng 2 là 24,3%).

Biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây, phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP Hà Nội và TP HCM thay thế dần biến thể Delta.

Tuy nhiên, do tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ chết/số ca mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu.

Tỷ lệ tử vong/số ca mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%), ngày 1/2 là 0,9% và ngày 03/3 là 0,1%. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 197,9% nhưng số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%.

Theo bản tin mới nhất của Bộ Y tế, đến chiều ngày 5/3, tổng số bệnh nhân COVID-19 của cả nước là 4.232.520 trường hợp, xếp thứ 21/225 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Về tình hình điều trị, cả nước còn 1.616.518 F0 đang điều trị, trong đó, có 4.249 bệnh nhân nặng. Toàn quốc ghi nhận 82 bệnh nhân COVID-19 tử vong trong ngày 5/3. Tới nay, Việt Nam đã có 40.726 người mắc COVID-19 tử vong, chiếm tỷ lệ 1% trên tổng ca nhiễm.

Phương Trang