|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thép gặp khó trong nhập khẩu sắt, thép vụn

20:25 | 29/12/2018
Chia sẻ
Các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí phải dừng sản xuất vì nguồn nguyên liệu nhập khẩu đang “tắc nghẽn” tại cảng.
doanh nghie p the p ga p kho trong nha p kha u sat the p vu n

Doanh nghiệp thép gặp khó trong nhập khẩu sắt, thép vụn. Ảnh minh họa: TTXVN.

Sắt, thép vụn là nguyên liệu chính cho sản xuất của nhiều doanh nghiệp ngành thép. Tuy nhiên, thời gian qua, các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí phải dừng sản xuất vì nguồn nguyên liệu nhập khẩu đang “tắc nghẽn” tại cảng. Nguyên nhân được đưa ra là do vướng mắc, chồng chéo về thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước.

* Thiệt hại không nhỏ

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam, một số doanh nghiệp đã làm đơn kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền và Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA). Sau khi nhận được công văn, VSA đã nghiên cứu và gửi công văn số 63/2018/HHTVN ngày 30/11/2018 tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Hải quan kiến nghị về việc cần tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục nhập khẩu sắt, thép vụn làm nguyên liệu sản xuất thép.

doanh nghie p the p ga p kho trong nha p kha u sat the p vu n

Sản xuất phôi thép tại Công ty Cổ phần thép Toàn Thắng (Khu Công nghiệp Sông Công I). Ảnh: Danh Lam/TTXVN.

VSA cho rằng, vướng mắc trên xuất phát từ việc triển khai các văn bản quản lý nhà nước như: Thông tư 08/2018/TT-BTNMT ngày 14/9/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và công văn số 6644/TCHQ-GSQL ngày 13/11/2018 của Tổng cục Hải quan về hướng dẫn quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Theo Điểm C, Mục 3.1.1 Thông tư 08, quy trình kiểm tra, giám định tại hiện trường Thông tư có quy định: Trường hợp lô hàng phế liệu sắt, thép nhập khẩu được kiểm tra, đánh giá phù hợp với Mục 2 của quy chuẩn trên thì tổ chức giám định, cung cấp văn bản kết quả giám định (chứng thư giám định) lô hàng phế liệu sắt, thép cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và cơ quan kiểm tra để làm căn cứ và ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng của lô hàng phế liệu sắt, thép nhập khẩu để làm thủ tục thông quan theo quy định.

Nhưng trên thực tế, khi triển khai quy định này đã gây khó khăn cho đơn vị khi làm thủ tục nhập khẩu phế liệu. Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường phải có chứng thư giám định trước khi ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng lô hàng phế liệu sắt, thép nhập khẩu. Song muốn có được “Chứng thư giám định” thì hàng hóa đó phải được dỡ ra khỏi tàu hay container để tổ chức thực hiện việc giám định.

Khi Sở Tài nguyên và Môi trường muốn dỡ hàng ra để lấy mẫu giám định, phía Hải quan yêu cầu phải có Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng của lô hàng phế liệu sắt, thép nhập khẩu của Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp. Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường khi chưa có chứng thư giám định sẽ không thể ban hành Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng lô hàng…

Vướng mắc giữa 2 cơ quan quản lý nhà nước là Sở Tài nguyên và Môi trường và Hải quan do chưa thống nhất được vấn đề trên nên dẫn tới sản phẩm sắt, thép phế doanh nghiệp nhập khẩu đã cập cảng từ lâu, nhưng thủ tục kiểm tra và thông quan chưa được thực hiện.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, thép phế liệu là mặt hàng chỉ được phép chứa tại các kho, bãi, khu vực có điều kiện đầy đủ về bảo vệ môi trường (Quy định tại điều 56, Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015).

Trong khi bãi cảng hoặc cầu cảng lại không đáp ứng được yêu cầu này cũng như không đủ sức chứa hàng chục nghìn tấn thép phế liệu nhập khẩu, phát sinh vấn đề hao hụt, tăng chi phí do nâng hạ hàng hóa nhiều lần.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho hay, thời gian chờ thông báo và lịch kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường từ khi doanh nghiệp nộp hồ sơ đến khi có lịch kiểm tra bình quân từ 7 - 12 ngày làm việc, trong khi thời gian tính thưởng/phạt của tàu vận chuyển theo thông lệ quốc tế được bắt đầu ngay từ khi tàu đến biên giới cửa khẩu nhập, chi phí phạt bình quân là 10.000 USD/ngày. Đồng thời phải chịu các chi phí phát sinh từ việc chậm thủ tục như phí không làm hàng, phí dời tàu..

Theo ông Đinh Quốc Thái, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, tính riêng khu vực cảng Phú Mỹ có hơn 7 nhà sản xuất thép lớn nhập khẩu thép phế liệu làm nguyên vật liệu sản xuất bình quân trên 200.000 tấn/tháng, thủ tục xử lý chậm đã gây ra nhiều bất cập cho doanh nghiệp và các bên liên quan để xử lý, đặc biệt là vấn đề chi phí phạt phải trả cho hãng tàu nước ngoài.

“Việc chậm làm thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng, chậm thông quan hàng sắt thép vụn nhập khẩu cho doanh nghiệp đã phát sinh chi phí lưu kho bãi, chi phí phạt lưu tàu rất lớn (bình quân 10.000 USD/ngày), có đơn vị tổng mức tiền phạt đến nay đã hơn 270.000 USD cho 5 tàu hàng dỡ chậm...”, ông Thái nói. Nghiêm trọng hơn, việc hàng chậm được thông quan khiến cho đơn vị không thể đưa hàng về phục vụ sản xuất. Hiện tại có đơn vị đã phải dừng sản xuất do không có nguyên liệu.

Đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng, ngoài thiệt hại kể trên, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác như: các hãng tàu vận chuyển có thể từ chối vận chuyển hàng tới khu vực cảng dỡ hàng - nơi doanh nghiệp hay nhận hàng trước đây; tăng chi phí chuyên chở; phí phạt chậm dỡ hàng…

* Giải tỏa hàng tồn tại cảng

Để giải quyết các vấn đề bất cập trong thông quan hàng hóa, VSA kiến nghị, trước mắt cần có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước để giải tỏa các lô hàng tồn đọng tại cảng. Đặc biệt, ngành Hải quan sớm cho phép doanh nghiệp đưa thép phế nhập khẩu về kho để bảo quản trong khi làm thủ tục thông quan và các thủ tục hành chính khác; tạo điều kiện tổ chức giám định hàng hóa thực tế để có được chứng thư giám định cũng như không chồng chéo, ách tắc trong thủ tục nhập khẩu.

Để tránh chồng chéo, Thông tư 08/2018/TT-BTNMT và các văn bản hướng dẫn cũng cần chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế, việc phân vai giữa các đơn vị kiểm tra thủ tục nhập khẩu cần rõ ràng hơn nhằm hạn chế quá nhiều cơ quan, bộ phận cùng tham gia, chậm phối hợp và sớm ra biên bản cho doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp nhập khẩu thép phế liệu, ông Đinh Quốc Thái cho hay, doanh nghiệp có thể đảm bảo môi trường đối với lô hàng mình nhập khẩu bằng hình thức bảo lãnh ngân hàng với thời gian còn hiệu lực trước khi thông quan, thay thế hình thức ký quỹ tiền mặt trước khi thông quan 15 ngày làm việc đang quy định.

Cũng theo VSA, đối với các doanh nghiệp sản xuất thép chân chính, có hoạt động nhập khẩu nguyên liệu thường xuyên, ổn định phục vụ sản xuất cần được tạo điều kiện làm thủ tục hải quan nhanh chóng, kịp thời để có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và cơ quan nhà nước có thể thực hiện theo phương pháp kiểm tra, giám sát thông quan hậu kiểm.

Theo nhận định và đánh giá của VSA, ưu điểm mặt hàng sắt, thép vụn là nguyên liệu thu hồi phục vụ ngành công nghiệp sản xuất thép, đặc biệt cho công nghệ lò điện - công nghệ thân thiện với môi trường do tái sử dụng được các loại phế làm nguyên liệu sản xuất, được các nước phát triển trên thế giới như: Mỹ, châu Âu… sử dụng, đảm bảo yếu tố môi trường và phát triển bền vững.

VSA kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan xem xét sắt, thép vụn như là một nguyên liệu của ngành sản xuất thép, không phải phế liệu, từ đó đưa ra các quy định cho phù hợp./

Đức Dũng

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.