Lợi nhuận doanh nghiệp thép trước sức ép giảm giá và tiêu thụ
Dù chưa nhiều doanh nghiệp thép công bố kết quả kinh doanh quý II, song trước bối cảnh giá thép liên tục giảm trong nhiều tháng qua, cùng với đó mức tiêu thụ của ngành thép vẫn ở mức thấp, giới phân tích nhận điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và biên lợi nhuận của doanh nghiệp ngành này trong 6 tháng đầu năm.
Tính đến thời điểm này, Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) là doanh nghiệp thép đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ quý II ước đạt 133 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VNSteel ước đạt đạt 194 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ và bằng 373% kế hoạch năm. Số liệu này chưa bao gồm trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn đối với các khoản đầu tư của công ty có giá trị suy giảm trong nửa đầu năm.
Theo Phó Tổng giám đốc Vnsteel Phạm Công Thảo: "Có thể nói, đây là thời kỳ nhu cầu sụt giảm mạnh nhất trong giai đoạn phát triển sau này của ngành thép, cộng với việc giá bán suy giảm và mức độ cạnh tranh cao do nhiều dự án lớn đi vào hoạt động đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng cũng như miếng bánh thị phần của Tổng công ty trên thị trường bị thu hẹp".
Số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong 6 tháng đầu năm đã chi ra rằng, sản lượng thép xây dựng sản xuất đạt gần 5 triệu tấn, giảm 25,5% so với cùng kỳ 2022. Lượng tiêu thụ đạt gần 5,1 triệu tấn, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu đạt 831.000 tấn, giảm 38%, tập trung vào khu vực ASEAN, khu vực EU, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Brazil.
Đại diện VSA cho hay, riêng trong tháng 5/2023, các đơn vị đã điều chỉnh giá bán thép xây dựng 5 lần với tần xuất giảm 1 lần/tuần, với các mức giảm từ 100 - 200 đồng/kg/lần tùy chủng loại sản phẩm, nhưng sức tiêu thụ của thị trường vẫn rất yếu.
Tương tự Vnsteel, giới phân tích cũng dự báo kết quả không mấy lạc quan của các doanh nghiệp cùng ngành. Chuyên viên Đồng Việt Dũng, Công ty Chứng khoán Dầu khí nhận định, doanh thu thuần quý II của Tập đoàn Hoà Phát đạt 29.894 tỷ đồng, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế sẽ đạt 1.004 tỷ đồng.
Với mức này, lợi nhuận vẫn có thể tăng so với quý trước, tuy nhiên so với cùng kỳ năm ngoái giảm khoảng 75%, do quý II/2022 là cao điểm ghi nhận lợi nhuận của ngành thép.
Về phía Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, do độ trễ hàng tồn kho nên Tập đoàn Hoà Phát vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực, nhưng nhờ chính sách giảm thời gian tồn kho xuống khoảng 1,5-2 tháng. Điều này đồng nghĩa với giảm tác động tiêu cực của hàng tồn kho giá cao như giai đoạn trước đó.
Song song đó, các đơn đặt hàng xuất khẩu thép cuộn cán nóng (HRC) từ EU cho tới tháng 9/2023, BVSC ước tính biên lợi nhuận của HPG sẽ xấp xỉ quý I/2023, tương đương khoảng 400 tỷ đồng.
Với lực đẩy từ xuất khẩu HRC, cùng thông tin tập đoàn này sẽ mở lại lò cao cuối cùng trong tháng 7/2023. Như vậy, việc mở lại toàn bộ 7 lò cao sẽ giúp công suất thép của HPG tiếp tục được cải thiện, hỗ trợ sản xuất cho thị trường xuất khẩu.
Song, nhìn chung, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán KIS dự báo, nửa cuối năm nay, sản lượng tiêu thụ tăng không đáng kể, điều này có thể tiếp tục cản trở doanh thu bán hàng của thị trường. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế thế giới ảm đạm có thể ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu trong những tháng tới.
Ở góc tích cực hơn, giới phân tích cho rằng, hỗ trợ về chính sách và thúc đẩy đầu tư công sẽ cải thiện sức mua cho thị trường thép trong nước thời gian tới, với việc triển khai các dự án trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, dự án vành đai 4 Hà Nội hay vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh…
Tính riêng trong tháng 6/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng trên 8%, cao hơn gần gấp đôi tốc độ giải ngân bình quân những tháng trước của năm 2023.
Bên cạnh đó, Giám đốc Trung tâm Tin tức MXV Phạm Quang Anh cho biết, thị trường bất động sản dần phục hồi vào giai đoạn cuối năm 2023 cũng được coi là nền tảng thuận lợi cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng. Nhờ sự góp sức của Chính phủ, ngành sản xuất thép được kỳ vọng sẽ vượt khó trong giai đoạn cuối năm và khẳng định vị thế là ngành công nghiệp mũi nhọn để phát triển kinh tế đất nước.
Trên thị trường niêm yết, đóng cửa phiên giao dịch hôm nay (24/7), HPG và NKG giảm hơn 0,5% xuống giao dịch lần lượt ở mức 28.250 đồng và 19.600 đồng/cổ phiếu, trong khi HSG giữ được màu xanh, tăng 0,55% lên 18.300 đồng/cổ phiếu.
Thời gian gần đây, cổ phiếu nhóm sắt thép đã tăng tương đối tốt. Chỉ trong 1 tháng qua, HPG của đã tăng từ 22.000 lên khoảng 28.000 đồng/cổ phiếu, NKG cũng tăng từ giá 15.000 lên khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu, HSG "khiêm tốn" khi chỉ tăng từ 16.000 lên vùng 18.000 đồng/cổ phiếu.