|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tổng Thư ký VSA: 'Chúng tôi đã hơi lạc quan khi cho rằng ngành thép sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023'

07:00 | 20/07/2023
Chia sẻ
Giá thép xây dựng trải qua 14 lần giảm, ngay cả khi đang trong mùa cao điểm xây dựng. Ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng nhận định ngành thép phục hồi vào nửa cuối năm 2023 đưa ra trước đó có vẻ "hơi lạc quan" khi quý III bước vào mùa mưa và trùng với tháng cô hồn.

Thị trường chưa tạo đáy

“Những gì khó khăn nhất của ngành thép cũng đã qua”, đó là phát biểu của ông Trần Đình Long, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Hoà Phát và nhiều lãnh đạo các công ty thép lớn khác như Hoa Sen, Nam Kim hồi quý I khi nhận định về thị trường thép. 

 

Thời điểm đó, hầu hết doanh nghiệp trong ngành đều cho rằng thị trường đã tạo đáy và sẽ dần phục hồi từ quý II hoặc muộn nhất là đầu quý III.

Thực tế, trong những tháng đầu năm đã có dấu hiệu cho sự phục hồi khi giá thép liên tục tăng từ mức khoảng 14,6 triệu đồng/tấn từ tháng 12/2022 lên gần 15,9 triệu đồng/tấn vào đầu tháng 4. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng xuất hiện thêm những chính sách hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn; các công trình đầu tư công cũng được thúc đẩy tiến độ. 

Tuy nhiên, những gì xảy ra sau đó lại không được như kỳ vọng. Giá thép xây dựng trải qua 14 lần giảm, ngay cả khi đang trong mùa cao điểm xây dựng. Tính đến ngày 19/7, giá thép xây dựng ở mức 13,9 triệu đồng/tấn, thậm chí thấp hơn cả so với mức giá mà các doanh nghiệp coi là “đáy” là 14,6 triệu đồng/lượng hồi cuối năm ngoái. 

 

 Số liệu: Steel Online (H.Mĩ tổng hợp)

 

 

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết nhu cầu thép yếu tại hầu hết khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Xu hướng giảm giá thép trên phẩm vi toàn cầu càng được củng cố thêm khi các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ giá giảm nhanh để cạnh tranh. 

 

 Số liệu: Investing (H.Mĩ tổng hợp)

Riêng tháng 5, các nhà máy trong nước phải điều chỉnh giá bán thép xây dựng 5 lần, mức giảm 100.000 - 200.000 đồng/tấn/lần, tuỳ chủng loại nhưng sức tiêu thụ của thị trường vẫn yếu. 

 

Trong đợt giảm giá ngày 29/5, nhiều doanh nghiệp đồng thời bảo lãnh giá và tiếp tục bảo lãnh hàng bán vào thị trường dân dụng.  Trong khi đó, thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan trở lại, một vài dự án nhà ở xã hội mới chưa được triển khai nhiều. 

“Nhu cầu thép năm nay giảm tới 25%. Chưa có năm nào nhu cầu giảm mạnh như năm nay chủ yếu do bất động sản đi xuống”, Ông Phạm Công Thảo - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP trao đổi với chúng tôi bên lề một hội thảo về quy định mới của EU liên quan đến phát thải khí carbon trong ngành thép. 

Theo ông, để nhận định ngành thép đã chạm đáy hay chưa ở thời điểm này cũng rất khó vì nhu cầu trong nước hiện vẫn rất yếu. 

Hiện trên 80% lượng thép của công ty được tiêu thụ ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, ông Thảo cho biết cạnh tranh ở trong nước ngày càng gay gắt nên công ty đang lên kế hoạch mở rộng thêm thị trường xuất khẩu. 

Theo số liệu của VSA, sản lượng thép xây dựng trong tháng 6 đạt hơn 738.000 tấn, giảm 9,1% so với tháng 5 và thấp hơn 20% so với cùng kỳ. 

Bán hàng đạt 874.000 tấn, giảm 5,7% so với tháng 5 và thấp hơn 14,2% so tháng 6/2022. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng giảm 21,5% so với cùng kỳ xuống 149.623 tấn. Tinh theo quý thì lượng tiêu thụ thép xây dựng của quý II năm nay thấp hơn 12% so với cùng kỳ, ở mức 2,5 triệu tấn.

 

 Số liệu: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

  Số liệu: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

Như vậy, nửa đầu năm nay, lượng bán hàng thép xây dựng giảm 23% so với cùng kỳ xuống khoảng 5 triệu tấn. Trong khi sản xuất cũng giảm gần 26% xuống 5 triệu tấn.

“Xu hướng dò đáy của giá thép xây dựng vẫn có khả năng tiếp tục trong thời gian tới”, VSA nhận định. 

Ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký VSA trao đổi với người viết: “Ban đầu hiệp hội dự báo là nửa cuối năm nay ngành thép sẽ phục hồi nhưng đến thời điểm này, có vẻ chúng tôi hơi lạc quan bởi vì quý này còn vướng vào mùa mưa bão và có tháng cô hồn. Vào tháng 7 âm lịch hàng năm tại Việt Nam, ít công trình dân dụng khởi công. Đấy là lý do tại sao phải cuối quý này, đầu quý IV may ra mới phục hồi”.

Tính đến ngày 19/7, mới có duy nhất 1 doanh đã công bố báo cáo tài chính quý II làGang thép Thái Nguyên (Tisco) với mức lỗ gần 100 tỷ đồng quý II/2023 cũng là quý lỗ đậm nhất trong một thập kỉ  của công ty.Biên lãi gộp thu hẹp từ 3,1% quý cùng kỳ về 0,7% quý này.

Trông chờ vào những dự án đầu tư công

Trong bối cảnh ảm đạm của thị trường bất động sản và xây dựng dân dụng hiện tại, một số doanh nghiệp trông chờ vào các dự án đầu tư công. 

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, đến hết ngày 30/6, cả nước đã giải ngân được hơn 215 nghìn tỷ đồng, đạt 30,49% kế hoạch đề ra, cao hơn con số 27,75% của năm ngoái. Đặc biệt, năm nay giá trị giải ngân theo kế hoạch còn cao hơn năm trước.

Mới đây nhất, hồi cuối tháng 6, “siêu dự án” đường vành đai 4 Vùng thủ đô được khởi công với thời gian triển khai trong 4 năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng.

BàTrần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, CTCP Chứng khoán VNDirect cho biết ngành thép vẫn còn kỳ vọng từ việc đẩy mạnh đầu tư công từ Chính phủ (chiếm 18% nguồn cung thép), trong đó dự án sân bay Long Thành góp phần giảm bợt sự sụt giảm trong nhu cầu của ngành thép.

“Chúng tôi dự kiến hoạt động giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 sẽ tăng 20 - 25% bao gồm cả việc sân bay Long Thành xây dựng đúng tiến độ”, bà Hiền nói.

 Số liệu: VNDirect, VSA

“Tôi kỳ vọng những dự án đầu tư công sẽ giúp cải thiện nhu cầu thép trong nước, bản thân chính phủ cũng đang thúc đẩy tín dụng nhiều, liên tục giảm lãi suất. Do đó, tôi kỳ vọng nhu cầu sẽ cải thiện từ quý IV”, ông Thảo nói. 

Còn theo ông Thái, đối với lĩnh vực đầu tư công, ngành thép kỳ vọng nhiều hơn vào các dự án xây dựng cầu, cống bởi đây là những công trình tiêu thụ nhiều thép. Còn với những dự án xây đường thì mức hưởng lợi chỉ là “gián tiếp” ở các hạng mục như lan can. Các cấu phần khác lớn hơn như mặt đường thì chủ yếu là nhựa, đất nền, cát còn thép không nhiều vì hiện tại Việt Nam vẫn dùng công nghệ truyền thống. 

“Chúng tôi kỳ vọng nhiều hơn vào sự cải tiến của các công trình đường cao tốc với sử dụng đường bê tông cốt thép và cầu cạn cho ĐBSCL",ông Thái nói. 

Theo ông vừa qua VSA cùng với các hiệp hội vật liệu xây dựng khác cũng đã trình lên Thủ tướng về đề xuất không nên xây dựng đường cao tốc thông thường mà nên xây dựng cầu cạn ở khu vực này để đảm bảo an toàn và bền vững. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo nghiên cứu đề xuất này.

 

 

H.Mĩ