|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp rau quả cần đón đầu làn sóng tiêu thụ sau khi Trung Quốc mở cửa

08:06 | 12/12/2022
Chia sẻ
Ông Đinh Gia Nghĩa, Phó TGĐ CTCP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho rằng khi Trung Quốc kiểm soát được dịch COVID-19 và mở cửa với thế giới, nhu cầu tiêu thụ rau, củ, quả sẽ tăng rất cao. Nếu doanh nghiệp sớm đón đầu làn sóng tiêu thụ này sẽ rất tốt.

Xuất khẩu rau quả trước làn sóng tiêu thụ của Trung Quốc 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan trong tháng 11, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 306 triệu USD, đi ngang so với tháng 10.

Lũy kế 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt gần 3,1 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của rau quả Việt Nam, chiếm tới 43%, tương đương giá trị 1,3 tỷ USD, giảm 23,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Cục Xuất nhập khẩu thông tin mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu hơn 15 tỷ USD mặt hàng rau quả. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng với việc mở cửa cho hàng loạt trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu rau quả vào năm 2023.

"Sắp tới khi Trung Quốc bắt đầu kiểm soát được dịch và mở cửa với thế giới, nhu cầu trong ngành rau, củ, quả sẽ tăng rất cao. Nếu doanh nghiệp sớm đón đầu làn sóng tiêu thụ này sẽ rất tốt”, đây là chia sẻ của ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng giám đốc CTCP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tại diễn đàn “Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc”.

Thực tế, Trung Quốc là thị trường quan trọng, có sức mua lớn, song ông Nghĩa cho rằng công tác xúc tiến thương mại chưa được đầu tư xứng với quy mô.

“Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, đây là thị trường không thua kém thị trường Mỹ và châu Âu trong tiêu chuẩn về quy cách, mẫu mã sản phẩm, chất lượng. Những rào cản thương mại, các quy định về chất lượng sản phẩm này rất nghiêm túc và rõ ràng. Để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ngoài giá cả thì chất lượng sản phẩm cũng cần được nâng cao”, ông Nghĩa cho biết.

 Sau khi Trung Quốc mở cửa với mặt hàng sầu riêng, chanh leo, chuối... xuất khẩu rau quả của Việt Nam khởi sắc. (Ảnh: TTXVN)

Đại diện công ty Đồng Giao cho rằng sớm hay muộn, thị trường Trung Quốc sẽ áp dụng kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, do vậy cần khuyến cáo nông dân về tiêu chuẩn phía nước bạn để thuận lợi cho công tác xuất khẩu về sau.

Riêng đối với sầu riêng, ông Nghĩa cho rằng cần xúc tiến cả mặt hàng cấp đông sang Trung Quốc vì giá trị sản phẩm xuất khẩu rất cao. Lúc cao điểm, giá sầu riêng cấp đông sang thị trường Trung Quốc có thể đạt 13.000 - 15.000 USD/tấn sản phẩm.

Tương lai trái cây ‘cháy hàng’ khi vừa hái xong

Cũng tại diễn đàn, ông Bob Wang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) - đại diện cho phía nhà nhập khẩu thông tin hiệp hội sẽ khởi động dự án ‘Chợ trái cây quốc tế’ tại Trung Quốc trong năm nay và điểm dừng chân đầu tiên sẽ là địa điểm thường trực của Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN: Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây.

Ngoài ra, vào ngày 24/12 tới, hiệp hội này dự kiến tổ chức cuộc triển lãm và thương mại sầu riêng Việt Nam tại tỉnh Nam Ninh, chủ yếu theo hình thức bán trước trực tuyến. Ông Bob Wang kỳ vọng theo cách này trong tương lai, trái cây Việt Nam có thể bán xong hàng sang Trung Quốc ngay sau khi thu hoạch.

Để thực hiện được ý tưởng này, ông Bob Wang đưa ra một số giải pháp cho việc xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc.

Trước hết, ông Bob Wang đề nghị các cơ quan chức năng và nông dân trồng trái cây của Việt Nam kiểm soát chặt chẽ chất lượng trái cây và xây dựng các quy tắc thống nhất để đảm bảo rằng việc hái và khử trùng trái cây Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và không sử dụng hóa chất hoặc thuốc trừ sâu vi phạm quy định.

Việt Nam cũng cần xây dựng mô hình nông nghiệp mới kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và người bán hàng để nắm bắt thông tin thị trường Trung Quốc mới nhất.

Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh đề nghị Chính phủ Việt Nam thành lập cơ quan xúc tiến thương mại nông sản với Trung Quốc để giúp xây dựng thương hiệu và tiếp thị nông sản Việt Nam tại Trung Quốc.

“Cho dù là thiết lập văn phòng thường trú tại Trung Quốc hay thông qua mua sắm trực tuyến cũng cung cấp cho người mua Trung Quốc các kênh mua sắm thuận tiện hơn với ít người trung gian hơn”, ông Bob Wang kiến nghị.

Hoàng Anh