Xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc mang về hơn 6 triệu USD
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong tháng 9 nước này nhập khẩu 15.424 tấn sầu riêng. Trong đó, Thái Lan vẫn là nguồn cung lớn nhất với khối lượng đạt 14.075 tấn.
Tuy nhiên, Thái Lan hiện không còn là thị trường duy nhất được cấp phép xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc. Trong tháng 9 Việt Nam đã lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch 1.350 tấn sầu riêng vào thị trường Trung Quốc với giá trị thu về hơn 6 triệu USD, chiếm 9% thị phần trong tổng nhập khẩu sầu riêng của nước này.
Giá sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt bình quân 4.466 USD/tấn, khá cạnh tranh so với mức giá bình quân 5.033 USD/tấn của Thái Lan.
Các chuyên gia cho rằng sầu riêng của Việt Nam đang có nhiều lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc do thuận lợi về mặt vị trí địa lý, mùa vụ trải đều quanh năm và đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của người dân nước này.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) khẳng định ở mảng sầu riêng, Thái Lan hiện đã không còn độc quyền ở thị trường Trung Quốc.
Đồng thời vị này cũng cho biết thêm: “Người Thái đang rất lo lắng miếng bánh 3,5 tỷ USD sẽ bị chia nhỏ, lọt vào tay Việt Nam. Hiện nay, thị phần sầu riêng của Việt Nam ở Trung Quốc còn khá khiêm tốn song với sản lượng, chất lượng thì chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh với Thái Lan.
Điều quan trọng là doanh nghiệp và người trồng phải uy tín và đảm bảo quy định của Trung Quốc về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật…”.
Sau khi Việt Nam chính thức gia nhập đường đua xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan đã có động thái tăng cường kiểm tra chất lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng thời nâng tỷ lệ chín của sầu riêng để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng với thị hiếu người tiêu dùng nước này.
“Việc Thái Lan nâng tỷ lệ chín của sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc là tự tạo ra thách thức cho Việt Nam ở khía cạnh logistics. Tuy nhiên, nước này lại có công nghệ bảo quản hiện đại, cấp đông cả quả hoặc múi sầu riêng bằng nitơ lỏng, kỹ thuật này giúp cấp đông nhanh, giữ được hương vị”, ông Nguyên cho biết.
Cũng theo đại diện Vinafruit, trước đây sầu riêng Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ chín 75-80% vì phải vận chuyển xa nên múi sầu hơi sượng. Trong khi đó, sầu riêng Việt Nam thu hoạch khi chín 85-90% cộng với quãng đường gần, vận chuyển nhanh nên múi mềm và thơm, được lòng người tiêu dùng Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đang là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới với nhu cầu tiêu dùng tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm ngoái, nước này đã nhập khẩu 821.606 tấn sầu riêng, trị giá 4,2 tỷ USD, tăng 3,7 lần về lượng và 7,6 lần về trị giá so với cách đây 5 năm (năm 2017).
Tuy nhiên, năm nay do tác động của dịch COVID-19, nhiều thành phố lớn của Trung Quốc phải đóng cửa để chống dịch nên nhu cầu tiêu thụ có phần giảm sút. Số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, tính đến hết tháng 9 nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc đã giảm 10,4% về lượng và 14% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tổng cộng 710.961 tấn với trị giá 3,4 tỷ USD.