|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp oằn mình sản xuất với '3 tại chỗ', hàng làm ra cũng khó tiêu thụ

14:36 | 05/09/2021
Chia sẻ
Theo Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, chưa bao giờ các doanh nghiệp trải qua nhiều khó khăn như hiện nay. Hoạt động sản xuất "3 tại chỗ" cũng chỉ có 30%-40% doanh nghiệp, họ đang cố gắng chạy hết công sức, nổ lực giữ giá nhưng lượng tiêu thụ đầu ra cũng bị ảnh hưởng.
Doanh nghiệp hoạt động '3 tại chỗ' hết công suất, nổ lực giữ giá nhưng tiêu thụ khó - Ảnh 1.

Doanh nghiệp hoạt động sản xuất. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản trên cả nước. Người nông dân sản xuất nông sản nhưng không kịp thời được thu mua, trong khi đó doanh nghiệp sản xuất "3 tại chỗ" bị oằn mình chi phí tổ chức hoạt động tăng cao trong khi phải nổ lực giữ giá. Ngoài ra, việc đưa nông sản đến người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi nhiều rào cản khác, khó tiêu thụ trong khi nhu cầu cao.

Tại tọa đàm "Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản: Trước mắt và lâu dài" được Báo Người Lao Động tổ chức mới đây, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn kiểm soát được nhưng còn nhiều khó khăn. 

Trong khi các hợp tác xã, tổ hợp tác có điều kiện tiêu thụ sản phẩm thì nông dân không bán được hàng, chi phí sản xuất tăng gấp 3-4 lần. Trái thanh long chủ lực của tỉnh cũng đang gặp khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng đánh giá tình hình sản xuất, phân phối, lưu thông nông sản của Cần Thơ cũng gặp rất nhiều khó khăn, 95% doanh nghiệp tại thành phố đã đóng cửa. 

Trong khi đó, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM đánh giá, chưa bao giờ các doanh nghiệp trải qua nhiều khó khăn như hiện nay. 

Theo bà Chi, khó khăn lớn nhất không chỉ là đứt gãy chuỗi cung ứng. Việc sản xuất "3 tại chỗ" cũng chỉ có 30%-40% doanh nghiệp sản xuất, dẫn đến lượng tiêu thụ đầu ra (chủ yếu cung ứng cho TP HCM) của các tỉnh cũng bị ảnh hưởng. Tất cả doanh nghiệp đang đồng lòng, cố gắng hoạt động hết công suất và nỗ lực giữ giá.

"Chúng tôi được sự giúp đỡ của Tổ công tác 970 trong việc kết nối doanh nghiệp với từng hợp tác xã ở địa phương. Dù việc kết nối mua hàng trực tiếp từ vùng nguyên liệu cũng gây nên một số trở ngại so với việc mua hàng từ hệ thống thương lái trước đây nhưng đây là giải pháp thay thế trong tình huống dịch", bà Chi nói.

Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, hiện nay còn hạn chế, bất cập trong tiêu thụ nông sản do tư duy cắt khúc trong quản lý. Bộ Trưởng nhấn mạnh phải khắc phục tư duy này thì ngành nông nghiệp mới có thể giảm thiểu được các rủi ro, bất trắc. 

"Nông nghiệp Việt Nam sẽ khó phát triển nếu nông dân vẫn mang tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ và chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Cả doanh nghiệp, nông dân lẫn ngành NN&PTNT phải thay đổi. Khi nào tam giác phát triển là nhà nước - thị trường - xã hội có ba đỉnh hội tụ vào nhau, khoảng giao thoa càng lớn thì ngành nông nghiệp mới bớt rủi ro", Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.

Bộ trưởng cũng cho biết, đã trình Chính phủ đề án sắp xếp lại hệ sinh thái từng ngành hàng. Mục tiêu là làm cho hệ sinh thái vùng ĐBSCL không còn bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Hệ sinh thái bao gồm nông dân, doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý ngành, cơ quan quản lý sản xuất, cơ quan quản lý lưu thông... cùng phối hợp để tạo ra sự bền vững cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. 

Bộ cũng đã giao Tổ công tác 970 làm nhiệm vụ giúp đưa nông sản về TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Bên cạnh đó, hướng dẫn nông dân chuẩn bị mùa vụ, xây dựng chiến lược dài hạn cho ĐBSCL theo tư duy thị trường và không gian phát triển chung.

"Tôi đề nghị doanh nghiệp dành thời gian đánh giá lại doanh nghiệp, cơ cấu lại thị trường, nền tảng doanh nghiệp và các yếu tố khác để khi dịch bệnh được kiểm soát thì doanh nghiệp tiếp cận thị trường tốt nhất. 

Nếu nhìn thấu đáo hệ thống phân phối, luân chuyển hàng hóa trong chuỗi cung ứng đứt gãy từ khâu thương lái, tại sao doanh nghiệp không nghĩ đến việc hợp tác với thương lái, cho họ mua cổ phần, định vị rõ ràng sứ mạng của họ. Ngành ngân hàng cũng cần có sự thấu cảm, chia sẻ với bà con nông dân", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Chu Lai