Doanh nghiệp nhựa đẩy mạnh đầu tư nhằm tránh bị thâu tóm
Ngoài hai ông lớn trong ngành nhựa, các doanh nghiệp khác như Hoa Sen, Tân Á Đại Thành và Europipe cũng đã bắt đầu thâm nhập vào thị trường thông qua việc xây dựng các nhà máy sản xuất ống nhựa như nhà máy ống nhựa Hoa Sen Bình Định của Hoa Sen, nhà máy ống nhựa Stroman Hưng Yên của CTCP Nhựa Stroman Việt Nam (thành viên Tập đoàn Tân Á Đại Thành). Theo VCBS, các doanh nghiệp nhựa nội địa vẫn có ưu thế hơn nhờ quy mô lớn và thương hiệu vững mạnh, tuy nhiên, nếu không có các chính sách hợp lý để thích ứng với thị trường cạnh tranh, thị phần của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.
Quý IV/2016, Công ty CP Nhựa Bình Minh đạt 83 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tới 36% so với quý IV/2015. Lý giải cho sự sụt giảm này, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty Nhựa Bình Minh cho hay chi phí cho hoạt động bán hàng trong kỳ tăng tới 37%, cùng với đó, chi phí nguyên vật liệu trong giá thành tăng gần 8% làm cho giá vốn hàng bán tăng lên. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016 của Nhựa Bình Minh, doanh thu thuần quý IV/2016 đạt 830 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2015. Nhưng giá vốn hàng bán lại tăng tới gần 33% nên lợi nhuận gộp chỉ còn lại 198 tỷ đồng, giảm 19% so với quý IV/2015. Tuy nhiên, nhờ kết quả khả quan từ những tháng đầu năm, nên lũy kế cả năm 2016, lãi ròng của Nhựa Bình Minh vẫn tăng 20%, đạt trên 622 tỷ đồng.
Tại Công ty CP Tập đoàn Nhựa Đông Á, doanh thu năm 2016 cũng tăng 11% so với năm 2015, đạt 1.395 tỷ đồng. Tương ứng với sự tăng trưởng của doanh thu, giá vốn cũng tăng gần 11%, đạt 1.273 tỷ đồng. Cùng với đó, các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý DN cũng tăng lần lượt 5,6% và 15%. Sau khi trừ các chi phí, Nhựa Đông Á lãi ròng gần 54 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2015. Tương tự, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Công ty CP Nhựa Đồng Nai và Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong cũng tăng lần lượt 88% và 8%, đạt tương ứng 100 tỷ đồng và 397 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán VCBS, ngành công nghiệp Nhựa là một ngành còn khá non trẻ so với các ngành công nghiệp lâu đời khác tại Việt Nam như cơ khí, điện tử, hóa chất, dệt may… nhưng đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Giai đoạn 2010-2015, ngành nhựa là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất nước với mức tăng trưởng hàng năm từ 16-18%/năm (chỉ sau ngành viễn thông và dệt may), đặc biệt có những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng đạt gần 100%. Điều này xuất phát từ thị trường tiêu thụ rộng lớn, các sản phẩm nhựa được sử dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực như thực phẩm, xây dựng, viễn thông... Dẫn chứng có thể thấy nếu trong năm 2010, số kg nhựa sử dụng tính trên đầu người chỉ đạt 33 kg/người/năm thì năm 2015, con số này đã tăng lên 41 kg/người/năm. Mức tăng này cho thấy nhu cầu sử dụng nhựa trong nước ngày một gia tăng.
Sự tăng trưởng nhanh chóng trên của ngành nhựa đã thu hút sự quan tâm lớn của các DN nước ngoài, nổi bật là các DN Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản với hàng loạt thương vụ thâu tóm thời gian qua. Theo báo cáo phân tích ngành nhựa của VCBS, Tập đoàn SCG đã chi 44 triệu USD để thâu tóm bao bì Tín Thành (Batico), một trong năm doanh nghiệp lớn nhất ngành bao bì nhựa. Hiện SCG đang đầu tư vào 7 doanh nghiệp nhựa Việt Nam và nắm giữ cổ phần tại một số công ty chuyên sản xuất nhựa gia dụng, bao bì khác như Liên doanh Việt – Thái Plastchem, Công ty nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty Chemtech và Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái. Cùng với đó, Công ty Oji Holding Corporation của Nhật đã mua Công ty Bao Bì United, hay Sagasiki Vietnam mua Công ty Cổ phần In và Bao bì Goldsun. Gần đây, một tổ chức đầu tư của Nhật là RISA Partners cũng ngỏ ý muốn đầu tư vào Công ty Nhựa dân dụng Đông Á. Tập đoàn Hàn Quốc Dongwon Systems cũng đã mua lại cùng lúc hai doanh nghiệp lớn là Bao Bì nhựa Tân Tiến và Bao Bì nhựa Minh Việt - vốn là công ty bao bì thuộc Masan Group.
Trước tình hình đó, để có thể trụ vững, các DN nhựa trong nước đang nỗ lực mở rộng quy mô, phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hai ông lớn là Nhựa Thiếu niên Tiền phong và Nhựa Bình Minh đang tiến hành các kế hoạch nhằm mở rộng sang thị trường của đối thủ cũng như mở rộng sang khu vực miền Trung, nơi mà thị trường ống nhựa chưa có ngôi vương. Điều này thể hiện qua việc Nhựa Thiếu niên Tiền phong đã thông qua việc mua lại Nhựa Năm Sao; Nhựa Bình Minh cũng đang mong muốn sáp nhập Nhựa Đà Nẵng. Cùng với đó, Nhựa Thiếu niên Tiền phong cũng chuyển sang chiến lược mới tập trung vào mảng ống cấp nước dùng cho các công trình với tỷ lệ tăng trưởng cao hơn ống nhựa dân dụng. Đây được đánh giá là một bước đi quan trọng và phù hợp với triển vọng ngành nhựa hiện nay.
Tại Công ty Nhựa Bình Minh, nhà máy Bình Minh Long An giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động từ tháng 10/2015 với tổng công suất 5.000 tấn sản phẩm phụ tùng/năm, giúp giải quyết bài toán thiếu phụ kiện ống Bình Minh trên thị trường. Bên cạnh đó, đánh giá nhu cầu tiêu thụ nhựa vật liệu xây dựng đang trong xu hướng tăng cao, đặc biệt là ống nhựa và phụ tùng, công ty quyết định sẽ tiến hành triển khai giai đoạn 2 của nhà máy Bình Minh Long An với tổng công suất đạt 90.000 tấn/năm. Trong 2 năm 2017-2018, Nhựa Bình Minh sẽ lắp đặt các máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất theo khả năng của Công ty và tăng dần công suất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Năm 2017, Nhựa Đồng Nai cũng sẽ bắt đầu triển khai kinh doanh ống và phụ kiện vào thị trường dự án tòa nhà dân dụng với kỳ vọng sẽ đem lại khả năng tăng cao về doanh thu. Hiện Nhựa Đồng Nai đang hoàn thiện hệ thống nhà máy sản xuất ống nhựa trên cả ba miền và tiếp tục đầu tư hệ thống nhà máy phía Bắc nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển từ miền Trung vào miền Bắc và hoàn thiện mạng lưới cung cấp sản phẩm rộng khắp ba miền.