|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Doanh nghiệp Nhật Bản trì hoãn đầu tư trong bối cảnh chiến tranh thương mại gia tăng

17:29 | 22/01/2019
Chia sẻ
Hơn một phần ba doanh nghiệp Nhật Bản đặt mục tiêu tăng đầu tư trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2019, trong khi đa phần lo ngại về tác động của chiến tranh thương mại lên kế hoạch đầu tư tại Trung Quốc và Mỹ, Reuters khảo sát được.
doanh nghiep nhat ban tri hoan dau tu trong boi canh chien tranh thuong mai gia tang
(Nguồn: Reuters)

Điểm sáng của kinh tế Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại

Thuế quan khổng lồ giữa Mỹ và Trung Quốc cùng sự bất ổn trên toàn thế giới đã gây ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu cùng các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là những doanh nghiệp hợp tác với Trung Quốc. Điều này khiến nhiều người lo lắng về đầu tư doanh nghiệp, vốn là một điểm sáng của nền kinh tế Nhật Bản trước chiến tranh thương mại.

“Chúng tôi đang bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, vì vậy chúng tôi đang kiềm chế đầu tư vốn cho đến khi triển vọng trở nên rõ ràng”, quản lí của một nhà máy sản xuất máy móc viết trong khảo sát được tiến hành từ ngày 7 đến 16/1.

Kể từ đầu năm 2019, nhà sản xuất động cơ Nidec và nhà sản xuất thiết bị tự động hóa Yaskawa Electric đều đã cắt giảm dự báo lợi nhuận hoạt động hàng năm do nhu cầu từ Trung Quốc suy yếu.

“Bất ổn về nền kinh tế toàn cầu đã khiến một vài doanh nghiệp Nhật Bản ngần ngại đầu tư”, quản lí tại một nhà máy khác viết trong khảo sát.

Khoảng 52% số người được hỏi nói rằng họ sẽ không thay đổi số tiền đầu tư vốn trong năm tài chính tiếp theo so với năm 2019, trong khi 12% cho hay họ sẽ cắt giảm. 22% dự định tăng đầu tư và 14% cho biết họ sẽ đầu tư nhưng ở mức vừa phải.

40% doanh nghiệp Nhật Bản nhận thấy khả năng khó khăn trong thương mại

Reuters Corporate Survey tiến hành hàng tháng bởi Nikkei Research, đã thăm dò 480 công ty lớn và vừa với điều kiện các nhà quản lí sẽ giấu tên. Khoảng 250 người đã trả lời các câu hỏi về vấn đề đầu tư vốn (CAPEX) và thương mại.

Các tập đoàn lớn cho biết họ có kế hoạch tăng đầu tư trung bình 14,3% cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2019, cao nhất kể từ năm 1990 khi bong bóng Nhật Bản vỡ tung, theo khảo sát tháng 12/2018 của Bank of Japan.

Tuy nhiên, chiến tranh thương mại đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây lo ngại về tác động đáng kể trong năm 2019 đối với thương mại, đầu tư và thị trường tài chính.

Khảo sát cho thấy khoảng 40% doanh nghiệp Nhật Bản đã nhận thấy khả năng khó khăn trong thương mại và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có thể gây ảnh hưởng đến doanh số và kế hoạch lợi nhuận trong năm tài chính tiếp theo. Tỉ lệ này đạt khoảng 50% trong số các nhà sản xuất.

Khi chiến tranh thương mại gia tăng, các doanh nghiệp toàn cầu chuyển sản xuất và chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, tranh giành cơ sở mới ở các nước châu Á láng giềng và xây dựng lại chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc.

1/4 doanh nghiệp được khảo sát, và 1/3 các nhà sản xuất, cho rằng họ dự định xem xét chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong năm tài chính sắp tới.

Theo một dấu hiệu không chắc chắn về triển vọng lợi nhuận, khảo sát cho thấy 58% doanh nghiệp Nhật Bản không có kế hoạch tăng lương cơ bản trong các cuộc đàm phán lao động mùa xuân năm 2019.

Trong số những doanh nghiệp có kế hoạch tăng lương, chỉ 1 trong 10 doanh nghiệp dự định tăng lương cơ bản cao, do đó gây khó khăn cho tiêu dùng tư nhân chiếm khoảng 60% nền kinh tế.

“Tại thời điểm này, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoại trừ chấp nhận nền kinh tế đang xấu đi”, một quản lí của công ty sản xuất phương tiện vận tải, viết.

Xem thêm

Trần Nam Thi