Doanh nghiệp ngày ấy - bây giờ: Bút bi 'quốc dân' Thiên Long của Chủ tịch Cô Gia Thọ
Ngày nay, trên thị trường xuất hiện hàng loạt thiết bị văn phòng phẩm đa dạng. Dù vậy, trong tiềm thức của không ít người, hình ảnh chiếc bút bi xanh – trắng với dòng chữ Thiên Long vẫn để lại dấu ấn nhất định trong lòng mỗi thế hệ học trò.
Khởi nghiệp từ hai chỉ vàng, làm nên tên tuổi với bút bi
Năm 1981, cơ sở bút bi Thiên Long đầu tiên được thành lập tại TP HCM. Ông Cô Gia Thọ - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thiên Long (mã: TLG) nhớ lại, thời điểm đó, hàng của Thái Lan đang xâm chiếm thị trường trong nước.
Bút bi hiếm đến mức nhiều người phải bơm mực vào để tái sử dụng. Đây cũng là lý do khiến ông ấp ủ giấc mơ cho ra đời một thương hiệu bút bi “made in Vietnam” dù lúc ấy, số vốn ông có chỉ vỏn vẹn hai chỉ vàng.
Những năm đầu lập nghiệp, nhận thấy nhu cầu dùng hàng nhập ngoại của người dân còn cao, trong khi khái niệm “nhà phân phối” vẫn tương đối mơ hồ, ông Cô Gia Thọ và các cộng sự phải đem từng cây bút đến khắp khu chợ Nam - Bắc để thuyết phục tiểu thương nhập hàng. Sau bao nỗ lực, đến năm 1997, những chiếc bút gắn nhãn Thiên Long với giá thành bình dân dần chiếm lĩnh hầu hết thị trường.
Thiên Long chọn cho mình nhiều chiến lược kinh doanh khác nhau. Bên cạnh bút bi, các sản phẩm văn phòng phẩm khác với đủ chủng loại, mẫu mã, giá thành… cũng liên tiếp ra đời, hướng đến mục tiêu chung là phủ rộng thị trường, len lỏi vào từng kệ sách, bàn học của người dân. Ghi nhận trong giai đoạn 2012 - 2016, nhóm sản phẩm bút viết của Thiên Long dẫn đầu thị trường nội địa với thị phần lên đến 60%.
Chuyển hướng "Go Global" với FlexOffice
Ngày nay, các sản phẩm của Thiên Long đã có mặt trên kệ hàng của hơn 60 quốc gia. Năm 2015, Thiên Long thay đổi chiến lược ra mắt nhãn hàng FlexOffice và Colokit, tập trung vào văn phòng phẩm cho dân công sở và xuất khẩu.
Riêng hai thương hiệu này đã đóng góp 11,2 triệu USD cho tổng doanh thu xuất khẩu của tập đoàn trong cùng năm, trở thành cột mốc quan trọng trong hành trình khẳng định tên tuổi của Thiên Long trên thị trường quốc tế.
Những năm sau đó, doanh thu từ xuất khẩu của Thiên Long liên tục tăng trưởng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong năm 2021, hoạt động xuất khẩu mang về cho Thiên Long 569 tỷ đồng, chiếm 21% tổng doanh thu của Tập đoàn.
Phát huy thế mạnh này, Thiên Long không ngừng đầu tư cho thị trường xuất khẩu, đưa sản phẩm mang nhãn hiệu FlexOffice và Colokit, cùng các mặt hàng private label (nhãn hiệu riêng) tiếp cận khách hàng khó tính ở các thị trường như Đông Nam Á, Trung Đông, Âu, Mỹ...
Hai phép thử thời 4.0 và COVID-19
Thế kỷ 21 đánh dấu sự phủ sóng của công nghệ kỹ thuật số cùng hàng loạt phương tiện trao đổi và ghi nhận thông tin như smartphone, laptop, máy tính bảng… Điều này đặt ra thách thức nhất định với các thương hiệu bút viết truyền thống như Thiên Long.
Trong bối cảnh này, ban lãnh đạo Thiên Long nhận định rằng để giữ vững vị thế, công ty phải hợp tác với các chuyên gia trên thế giới và đem công nghệ tiên tiến về nước. Doanh nghiệp cũng chú trọng nghiên cứu và tự thiết kế, chế tạo nhiều máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; đẩy mạnh hoạt động thiết kế, chế tạo các khuôn mẫu để thay thế khuôn mẫu ngoại nhập.
Cuối năm 2021, Thiên Long đẩy nhanh tốc độ tự động hoá với tỷ lệ tự động hoá lên đến 78,86%. Những nỗ lực này nhằm hướng đến mục tiêu ổn định giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh tại thị trường nội địa và quốc tế.
Ngoài ra, năm nay, Thiên Long còn bắt tay với tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng – đơn vị có 22 năm kinh nghiệm làm việc với 60 trường học tại 24 tỉnh, thành phố trên cả nước để kết nối sức mạnh thương hiệu. Việc hợp tác này được dự đoán có thể thúc đẩy nhiều cơ hội kinh doanh và gia tăng lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục.
Trong khi đó, cú bắt tay của Thiên Long với Nova Service và các đơn vị thuộc Nova Group có thể giúp đôi bên sử dụng hệ sinh thái của nhau, hướng đến mục tiêu mở rộng cơ hội kinh doanh, phát triển.
Đứng trước làn sóng chuyển đổi số, Chủ tịch Cô Gia Thọ nhận định rằng với một doanh nghiệp sản xuất như Thiên Long, công nghệ không phải là tất cả. "Công nghệ chỉ là công cụ phục vụ cho mình. Vì vậy, mình phải sử dụng chuyển đổi số làm sao để đạt được mục tiêu mong muốn", Chủ tịch Thiên Long nêu quan điểm.
COVID-19 được coi là phép thử lớn nhất của Thiên Long. Chủ tịch Cô Gia Thọ cho rằng những rủi ro như đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn sản xuất, sức tiêu dùng giảm… trong đại dịch chính là cơ hội để tập đoàn thể hiện giá trị cạnh tranh và năng lực ứng phó với mọi tình huống.
Đầu năm nay, Thiên Long khởi công mở rộng nhà máy thêm 10.000m² để gia tăng năng lực sản xuất. Đồng thời, tổ chức lại kho bãi với mô hình kho trung tâm 14.000m² và đầu tư hệ thống quản trị kho hàng VMS nhằm tối ưu hóa nguồn lực, giảm chi phí.
Minh chứng về sự chống chọi của Thiên Long trước các phép thử này là kết quả kinh doanh. Theo báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán, năm 2021, Thiên Long đạt doanh thu 2.668 tỷ đồng, tương đương doanh thu năm 2020.
Lợi nhuận sau thuế đạt 277 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 15,4% so với năm 2020 và hoàn thành 99% so với kế hoạch. Biên lợi nhuận của Thiên Long cũng được cải thiện, đạt mức 10,4% so với con số 9% của năm 2020. Tại ngày 31/12/2021, Thiên Long có tổng tài sản 2.446 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,7% so với thời điểm đầu năm.