Doanh nghiệp ngành sữa chuyển biến tích cực sau giai đoạn giảm tốc
Biên lợi nhuận mảng sữa phục hồi
Theo số liệu của Kantar Worldpanel, trong quí II/2019, sữa và các sản phẩm từ sữa tiếp tục là ngành hàng dẫn đầu thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) với mức tăng trưởng ấn tượng, lần lượt là 14,7% và 6,8% về giá trị tại khu vực nông thôn và thành thị (4 thành phố lớn).
Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu ngành đã hồi phục trở lại đồng thời kết quả kinh doanh cũng chuyển biến tích cực hơn.
Kết thúc quí II, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã: VNM) ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.600 tỉ đồng, tăng 6,5% so với cùng kì năm trước, đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Lãi sau thuế đạt 2.904 tỉ đồng, tăng 8,4% so với cùng kì.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ban lãnh đạo Vinamilk cho biết, sức tiêu thụ sữa trong nước đã phục hồi nhờ đó, công ty đã tiếp tục mở rộng thị phần trong 6 tháng đầu năm 2019. Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp mảng sữa trong nước cải thiện trong quí II nhờ điều chỉnh giá bán vào.
Trong thời gian tới, Vinamilk dự kiến sẽ xây dựng trang trại bò sữa tại Quảng Ngãi. Đồng thời, công ty sẽ tiến hành sử dụng diện tích 240ha tại Nông trường sông Hậu (Cần Thơ), bước đầu tăng số lượng đàn bò lên 4.000 – 8.000 con.
Công ty cho biết tăng số lượng đàn bò không phải là yếu tố tiên quyết để tăng sản lượng sữa cung ứng, mà công ty sẽ cố gắng tối ưu hóa năng suất sữa bò, hiện tại Vinamilk đã tăng được 2,4 lít sữa/con so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ doanh nghiệp đầu ngành sữa có những tín hiệu tích cực, Đường Quãng Ngãi (Mã: QNS) cũng ghi nhận kết quả khá khả quan đối với mảng sữa đậu nành khi doanh thu từ mảng chủ lực này tăng trưởng 13% đạt 1.984 tỉ đồng, qua đó giúp biên lợi nhuận cải thiện từ 27% lên 31%.
Ngoài ra, Hanoimilk - Thương hiệu vắng bóng một thời cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế quí II đạt gần 700 triệu đồng trong khi cùng kì âm 964 triệu đồng.
Được biết trong giai đoạn 2016-2020, nhằm khôi phục thương hiệu, Hanoimilk đặt trong tâm phát triển hai dự án nhằm mở rộng quy mô sản xuất sữa. Trong đó, dự án Đổi mới công nghệ, tăng công suất Nhà máy sản xuất Sữa UHT lên 300 tấn/ngày để phục vụ bán hàng trong nước, gia công và xuất khẩu, đến nay vẫn dự án này vẫn "dậm chân tại chỗ".
Đối với dự án trồng cỏ nuôi bò tự nhiên tại Mê Linh hơn 72 tỉ đồng, hiện Hanoimilk vẫn đang thực hiện công tác hỗ trợ đền bù và giải phóng mặt bằng trong năm 2019.
Không có kết quả tích cực như các doanh nghiệp nói trên, lợi nhuận sau thuế của GTNFoods trong quí II giảm gần 60% xuống đạt 23 tỉ đồng. Đáng chú ý lãi sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ GTNfoods chỉ còn 3,8 tỉ đồng, giảm đến 73%.
Theo giải trình của ban lãnh đạo GTN Foods, nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm trong quí II so với cùng kì là do trong kì, công ty đầu tư chi phí lớn cho hoạt động sản xuất, phân phối sản phẩm sữa nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, tăng chất lượng.
Triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các yếu tố thuận lợi về nhân khẩu học như dân số đông với tốc độ gia tăng dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ và thu nhập tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng sẽ là bệ đỡ thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành trong dài hạn.
Hiện người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe bản thân, chuyển dịch sang sử dụng các loại sản phẩm chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, với yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm.
Do đó, nhu cầu cho các loại sản phẩm chất lượng cao như sữa organic, sữa A2, sữa chua hay sữa thực vật (đậu nành, sữa hạt...) ngày càng tăng.
VDSC cho rằng, lợi thế dành cho các doanh nghiệp nắm bắt sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng. Vinamilk, TH True Milk sẽ có lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh khi đã sở hữu được hệ thống nhà máy sữa đạt chuẩn quốc tế, cho ra mắt các dòng sản phẩm cao cấp phù hợp nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, sản phẩm sữa thực vật được dự báo sẽ dẫn đầu mức tăng trưởng trong giai đoạn 2018-2022 (theo Euromonitor).