Doanh nghiệp Hàn Quốc chốt hợp đồng khủng ở Trung Đông, từ xe điện đến công nghệ
Tờ Nikkei Asia đưa tin, Hàn Quốc đang tăng cường quan hệ kinh doanh và kinh tế ở Trung Đông. Họ ký kết các thỏa thuận về sản xuất xe điện, phát triển kỹ thuật số, năng lượng, cơ sở hạ tầng và đóng tàu.
Nỗ lực này được dẫn đầu bởi Tổng thống Yoon Suk Yeol. Đầu năm nay, Tổng thống Hàn Quốc đã đến thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và trong tuần này, ông tiếp tục ghé thăm Saudi Arabia và Qatar.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc và Saudi Arabia đã ký kết 46 thỏa thuận tại một diễn đàn đầu tư ở Riyadh. Đây là sự kiện tổ chức bên lề chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk Yeol. Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc cho biết có 135 nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia diễn đàn.
Các thỏa thuận được ký kết bao gồm hợp đồng 500 triệu USD giữa Hyundai Motor và Quỹ đầu tư công (PIF). Hai bên quyết định thành lập liên doanh để xây dựng một nhà máy ô tô, công suất 50.000 xe mỗi năm, bao gồm cả động cơ đốt trong và xe điện, bắt đầu từ năm 2026 tại Saudi Arabia.
Kế hoạch này đánh dấu lần đầu Hyundai có dây chuyền lắp ráp ô tô tại Trung Đông.
"Hyundai Motor quyết định xây dựng một nhà máy xe điện, biểu tượng cho một kỷ nguyên mới mà Hàn Quốc và Saudi Arabia cùng nhau phát triển công nghệ và sản xuất sản phẩm", ông Yoon nói với sinh viên tại Đại học King Saud.
"Tôi hy vọng rằng thanh niên Hàn Quốc và Saudi Arabia có thể đóng vai trò chủ chốt cho sự thay đổi. Nếu thanh niên Saudi Arabia muốn học tập tại Hàn Quốc, chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn”, vị Tổng thống nói thêm.
Trong khi đó, Naver - công ty thương mại điện tử và internet hàng đầu Hàn Quốc, đã ký thỏa thuận trị giá 100 triệu USD với Chính phủ Saudi để tham gia vào đề án chuyển đổi số của 5 địa phương tại nước này, bao gồm cả thủ đô Riyadh. Tương tự Hyundai, đây là dự án lớn đầu tiên của Naver tại Trung Đông.
Trong những năm gần đây, Hàn Quốc đã trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn. Mặc dù không có thoả thuận nào liên quan đến quân sự được công bố trong chuyến thăm, Văn phòng Tổng thống Yoon cho biết hai nước đang hoàn tất hợp tác công nghiệp quy mô lớn về vũ khí phòng thủ tên lửa và pháo binh.
Tại Qatar, Hãng đóng tàu Hàn Quốc KSOE (HD Korea Shipbuilding & Offshore Engineering) đã giành được đơn đặt hàng trị giá 3,9 tỷ USD từ QatarEnergy - vốn thuộc sở hữu nhà nước, cho 17 tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Đây là hợp đồng lớn nhất từ trước đến nay trong ngành đóng tàu của Hàn Quốc. Tàu sẽ được sản xuất tại cảng Ulsan bởi HD Hyundai Heavy Industries - một đơn vị đóng tàu trực thuộc tập đoàn KSOE. Dự kiến tàu sẽ được bàn giao vào năm 2029.
Chuyến thăm của ông Yoon diễn ra trong bối cảnh căng thẳng khu vực Trung Đông gia tăng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Saudi Arabia và hầu hết các quốc gia khác trong khu vực đang chú trọng phát triển kinh tế hơn tập trung vào chính trị, điều này sẽ tạo cơ hội cho các công ty Hàn Quốc.
Bà Jang Ji-hyang, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, cho biết: “Hiện tại, khu vực này có vẻ rối ren vì xung đột, nhưng Saudi Arabia, UAE và các quốc gia khác đang tập trung vào chủ nghĩa kinh tế thực dụng. Trung Đông hoan nghênh đầu tư của Hàn Quốc vì điều đó mang lại lợi ích cho chính họ”.
Bà Jang nói, chẳng hạn Saudi Arabia đang thúc đẩy dự án Neom - xây dựng siêu đô thị thông minh trị giá 500 tỷ USD, hay UAE đã gửi một tàu quỹ đạo lên sao Hoả. Những tham vọng như thế rất phù hợp với Hàn Quốc - vốn có kinh nghiệm vượt trội về xây dựng, công nghệ và có chương trình không gian riêng.
Các công ty Hàn Quốc không còn xa lạ ở Trung Đông. Các doanh nghiệp xây dựng Hàn Quốc đang hoạt động ở đó, cùng sự hiện diện của các ngành dầu khí và năng lượng. Các công ty điện tử và Hyundai, Kia cũng có chi nhánh xuất khẩu ở đó.
Ngược lại, Saudi Arabia và Qatar đang cung cấp dầu và LNG cho Hàn Quốc - một quốc gia nghèo tài nguyên, luôn phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu để thúc đẩy kinh tế công nghệ cao.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Ngoại thương Hàn Quốc, năm ngoái thương mại với Saudi Arabia đạt tổng cộng 46,5 tỷ USD. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang quốc gia này tăng 46,3% so với cùng kỳ lên 4,9 tỷ USD trong khi nhập khẩu tăng 71,6% lên 41,6 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt đáng kể.
Đối với toàn bộ Trung Đông, tổng thương mại với Hàn Quốc tăng 57% trong năm ngoái, đạt 126,9 tỷ USD, đồng thời đánh dấu mức thâm hụt 91,9 tỷ USD.
Cũng trong tuần này, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Hàn Quốc (KNOC) ký hợp đồng 5 năm cho phép Saudi Aramco lưu trữ 5,3 triệu thùng dầu thô ở cảng Ulsan. KNOC có tùy chọn mua dầu trong trường hợp khẩn cấp.
Ông Ryou Kwang-ho, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc, cho biết Saudi Arabia muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư ngoài dầu mỏ. Điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho Hàn Quốc.
“Điều quan trọng là phải có mối quan hệ chặt chẽ giữa các chính phủ. Bởi ở Saudi Arabia, nhà nước thường dẫn đầu sự phát triển kinh tế chứ không phải khu vực tư nhân”, ông nói.
Đầu tháng 10, Hàn Quốc đạt được thỏa thuận thương mại tự do với UAE. Trong đó, UAE sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ô tô Hàn Quốc trong 10 năm. Cùng thời gian, Seoul sẽ xóa bỏ thuế đối với dầu thô từ UAE.
Saudi Arabia tỏ ra hài lòng với hàng loạt thỏa thuận và nhấn mạnh việc hợp tác với Hàn Quốc có thể giúp thúc đẩy tham vọng ô tô của chính họ.
Ông Yazeed Al-Humied, Phó thống đốc kiêm người đứng đầu bộ phận đầu tư Trung Đông và Bắc Phi tại Quỹ đầu tư nhà nước PIF cho biết: “Hợp tác với Hyundai là một cột mốc quan trọng đối với PIF trong việc tạo điều kiện thúc đẩy thành công hệ sinh thái ô tô của Saudi Arabia - một trong 13 lĩnh vực ưu tiên của chúng tôi”.
Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman nói với ông Yoon rằng hy vọng họ có thể đi cùng nhau trên chiếc Hyundai EV được sản xuất tại quốc gia vùng vịnh này vào lần tới.
Tháng 11 năm ngoái, Thái tử đã đến thăm Seoul. Tại đây, các hợp đồng đầu tư vào Saudi Arabia từ Samsung, Hyundai,… đã được ký kết sơ bộ. Vào thời điểm đó, Bộ Đầu tư Saudi Arabia đã ký một biên bản ghi nhớ với Hyundai Rotem để hợp tác xây dựng đường sắt cho Neom, cũng như phát triển tàu chạy bằng hydro.
Trong tuần này, truyền thông Hàn Quốc đã đặt ra câu hỏi về sự ổn định ở Trung Đông, nhưng cũng bày tỏ việc đầu tư vào khu vực này sẽ thúc đẩy nền kinh tế trì trệ của đất nước. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc dự kiến tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay sẽ đạt 1,4%, chậm hơn so với mức 2,6% năm ngoái.
Trong bài viết trên tờ Maeil Business News Korea, các biên tập viên cho biết “Rủi ro địa chính trị ở Trung Đông vẫn còn. Tuy nhiên, hợp tác với Saudi Arabia có thể là bước đột phá cho nền kinh tế Hàn Quốc, khi đất nước đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tăng trưởng thấp do tiềm năng mở rộng yếu”.