|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các ông lớn sản xuất ô tô Trung Quốc tìm kiếm chỗ đứng tại Việt Nam

11:13 | 24/10/2023
Chia sẻ
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam. Không chỉ đơn thuần là bán xe, những doanh nghiệp này còn sẵn sàng hợp tác đầu tư sản xuất.

Tuần qua, thông tin được quan tâm trên thị trường ô tô là CTCP tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) ký kết thỏa thuận khung hợp tác chiến lược với tập đoàn Công nghiệp nặng Sơn Đông (SHIG).

Theo thoả thuận hợp tác, SHIG sẽ chia sẻ thế mạnh về hệ truyền động, tham gia sâu hơn vào lĩnh vực xe thương mại cùng với tập đoàn Thaco Group, mở rộng nhiều dòng xe buýt, xe tải và tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với thị trường Việt Nam hơn nữa.

SHIG cũng sẽ hỗ trợ tập đoàn của tỷ phú Trần Bá Dương đạt được chuyển đổi và nâng cấp chiến lược, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chất lượng cao.

 Cái bắt tay giữa SHIG và Thaco. (Ảnh: Weichai).

Trước đó, thông qua công ty thành viên Weichai, SHIG là đối tác quen mặt của Thaco Auto trong 10 năm qua. SHIG đợc thành lập năm 2009 trên cơ sở sáp nhập giữa Weichai Holding Group - tập đoàn Máy xây dựng Sơn Đông và tập đoàn Công nghiệp Ô tô Sơn Đông. 

Tập đoàn này hoạt động chính trên 6 lĩnh vực, gồm: hệ thống truyền động, xe thương mại, thiết bị nông nghiệp, máy móc xây dựng, hậu cần thông minh và thiết bị vận tải biển.

SHIG hiện diện tại Việt Nam từ năm 1986 thông qua Weichai. Trong đó, Weichai phân phối động cơ sử dụng cho tàu thuyền, máy phát điện, xe thương mại.

Theo đại diện SHIG, Việt Nam là thị trường chiến lược rất quan trọng của tập đoàn tại Đông Nam Á trong 5 - 10 năm tới.

Đây không phải là cái bắt tay đầu tiên giữa doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước với đối tác Trung Quốc. Đầu năm nay, TMT Motors là cái tên được chú ý nhiều nhất khi hợp tác với một liên doanh Trung Quốc để đưa mẫu xe điện mini về Việt Nam.

Trong đó, TMT Motors cùng với liên doanh GM - (SAIC - WULING), sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền thương hiệu ô tô điện Wuling tại Việt Nam. 

Sản phầm đầu tiên được triển khai và ra mắt tại thị trường Việt Nam là Wuling HongGuang MiniEV. Xe được lắp ráp tại nhà máy ô tô của TMT tại Văn Lâm, Hưng Yên, với công suất 30.000 xe/năm và có thể được gia tăng trong tương lai.

Được thành lập vào năm 2002, liên doanh GM - (SAIC - WULING) là sự hợp tác của ba hãng gồm: General Motors, SAIC Motor và Wuling Motors. Trong đó, các công ty Trung Quốc nắm đa số cổ phần chiếm 56%, phần còn lại do GM sở hữu.

 Mẫu xe điện giá rẻ bán chạy nhất Trung Quốc xuất xưởng tại nhà máy TMT Hưng Yên. (Ảnh: TMT).

Không dừng lại ở việc tham gia sản xuất ô tô, doanh nghiệp Trung Quốc cũng tăng hiện diện trong chuỗi cung ứng ngành này. Đơn cử, cuối năm ngoái VinES đã cùng đối tác Gotion xây dựng nhà máy sản xuất cell pin sạc LFP tại khu kinh tế Vũng Áng. Dự án có tổng mức đầu tư gần 6.330 tỷ đồng với công suất thiết kế 5 GWh/năm, tương đương khoảng 30 triệu cell pin/năm.

Cùng năm, VinFast ký tiếp ghi nhớ hợp tác chiến lược với CATL để hợp tác trong lĩnh vực phát triển xe điện, bao gồm công nghệ khung gầm thông minh tích hợp pin CTC (Cell to Chassis).

Theo thoả thuận này, CATL và VinFast dự kiến sẽ hợp tác để cùng phát triển công nghệ mới, trong đó pin và nhiều bộ phận quan trọng được tích hợp vào khung gầm xe, giúp giảm trọng lượng, tăng quãng đường di chuyển của xe và giảm chi phí.

Trong lĩnh vực phân phối, thời gian gần đây, các hãng xe Trung Quốc đang nhìn nhận thị trường Việt Nam nghiêm túc hơn. Báo cáo từ oto.com.vn cũng nhận định giai đoạn 2023-2024 sẽ chứng kiến sự tham gia của nhiều hãng xe đến từ Trung Quốc. 

Nửa cuối năm 2023 dự kiến sẽ có 4 thương hiệu từ Trung Quốc gia nhập thị trường Việt Nam gồm: Wuling, Haval, Haima và Jaecoo & Omoda (Chery). Các mẫu xe doanh nghiệp Trung Quốc đem tới Việt Nam đều có doanh số cao tại thị trường nội địa.

Chẳng hạn Wuling mang mẫu xe điện giá rẻ bán chạy nhất Trung Quốc đến Việt Nam. Trong khi Haval giới thiệu H6 vốn là mẫu xe đã tạo tiếng vang tại Thái Lan khi doanh số vượt mặt đối thủ lâu đời tại thị trường này là Honda CR-V.

Hay như MG, một hãng ô tô có vốn xuất phát từ Vương quốc Anh, hiện thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc, chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2021 đến nay. Mẫu xe đáng chú ý nhất của hãng này là MG5, có giá từ 523 đến 588 triệu đồng, nằm ở phân khúc xe hạng C cạnh tranh với các đối thủ như Hyundai Elantra và Kia K3.

Đầu năm ngoái, hãng xe Trung Quốc Hongqi cũng đã có màn giới thiệu ra mắt thương hiệu. Hongqi là thương hiệu ô tô trực thuộc FAW Group Trung Quốc. Hãng xe này giới thiệu tới thị trường Việt Nam hai mẫu xe hoàn toàn mới là Hongqi H9 (giá 1,5 – 2,7 tỷ đồng) và xe điện Hongqi E-HS9 (giá 2,7 - 3,7 tỷ đồng). 

Mẫu sedan hạng sang cỡ lớn Hongqi H9 cạnh tranh với Mercedes-Benz S-Class hay BMW 7-Series tại Việt Nam.

Năm ngoái, lần đầu tiên doanh số ô tô toàn thị trường Việt Nam cán mốc 500.000 chiếc. Trong đó, các thành viên thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam đạt doanh số 404.635 chiếc. Tập đoàn TC Group bán ra tổng cộng 81.582 chiếc, VinFast đạt 22.924 chiếc (chưa bao gồm doanh số tháng 9, tháng 10).

Với kết quả này, dung lượng thị trường ô tô Việt Nam đã gần hơn với các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Theo Bộ Công Thương, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa cao cũng như sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, dự kiến nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ trong giai đoạn đến năm 2025. 

Dự báo nhu cầu ô tô của Việt Nam năm 2025 trung bình khoảng 800.000 - 900.000 xe và năm 2030 khoảng 1,5 - 1,8 triệu xe.

Đây là một trong những yếu tố khiến các doanh nghiệp sản xuất ô tô Trung Quốc chú ý hơn tới Việt Nam trong thời gian qua.

Đức Huy