Doanh nghiệp gỗ tìm lối đi trong cửa hẹp
Do đó, linh hoạt đổi thay thông qua đa dạng hóa thị trường, tái cơ cấu sản xuất, nâng cao năng suất lao động… đã và đang là cách được nhiều DN lớn trong ngành gỗ tính toán nhằm tìm ra lối đi trong "cửa hẹp".
Chia sẻ về câu chuyện khó khăn của DN giữa đại dịch Covid-19, ông Vũ Hải Bằng, Tổng giám đốc Công ty CP Woodsland (Tuyên Quang) cho biết: Hoạt động cốt lõi của DN là sản xuất đồ gỗ XK, mảng thứ hai là sản xuất ván ép. Từ tháng 3/2020, dịch Covid-19 đã khiến các đơn hàng của DN về con số 0.
Cơ hội duy trì sản xuất
Đáng chú ý, kể cả những đơn hàng đã ra đến cảng cũng buộc phải dừng, phía khách hàng từ chối nhận do cửa hàng của họ đóng hoàn toàn, các dịch vụ kho bãi cũng đóng cửa.
Do tình trạng bất khả kháng nên DN cũng không thể truy cứu trách nhiệm của người mua hàng.
Điều may mắn là trong khi khó khăn bủa vây, Woodsland vẫn lấy được một số đơn hàng từ Malaysia, khi nước này cũng buộc phải dừng sản xuất để đối phó với dịch Covid-19.
Xung quanh câu chuyện ứng phó trong dịch bệnh, ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Việt Long cho hay, nhờ chủ động đa dạng hóa thị trường Bắc Mỹ, Trung Đông, Nhật Bản nên mặc dù tác động của dịch là rất lớn nhưng DN vẫn cầm cự được.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), đồng thời cũng là Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng kiến trúc AA đặt ra vấn đề, thị trường có thể phục hồi vào quý IV/2020, nhưng lúc đó liệu chuỗi cung ứng có thể thay đổi sau dịch không?
Chính vì vậy, việc đa dạng các phân khúc thị trường rất quan trọng. “Chúng tôi đã làm việc với đối tác Hàn Quốc để tìm cơ hội ở thị trường này”, ông Phương thổ lộ.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT): Từ đầu năm đến nay, những tác động của dịch Covid-19 đối với DN ngành gỗ là khó có thể đong đếm.
Ước tính khoảng 80% các đơn hàng đã ký bị thông báo hủy hoặc chậm giao; có hàng nghìn container hàng bị tồn tại các cảng biển ở châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc.
Đáng chú ý, chỉ có 7% DN trong số 200 DN khảo sát hoạt động bình thường; 86% DN bị ngừng sản xuất một phần và khoảng 7% đã ngừng hoạt động toàn bộ do thiếu đơn hàng hoặc thiếu nguyên vật liệu và vốn đầu tư sản xuất.
Dự kiến trong quý III/2020, tổng giá trị XK đạt khoảng 3,12 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019. Quý IV sẽ là thời điểm tăng trưởng cao nhất, dự kiến giá trị XK gỗ và lâm sản sẽ đạt mức 3,82 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.
Góp thêm tiếng nói của DN vào câu chuyện XK trong ngành gỗ, ông Trịnh Xuân Dương, Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho rằng, DN phải nỗ lực hơn, đa dạng về mặt thị trường hạn chế tập trung vào 1 sản phẩm, 1 thị trường.
“Trên thực tế, hiện nay, Công ty Kẻ Gỗ đang XK sản phẩm sang thị trường Đức nhưng thị trường đang tạm ngừng do chống dịch. Chúng tôi đã chuyển hướng sang thị trường Nhật và thị trường trong nước", ông Dương nói.
Riêng đối với Mỹ, ông Vũ Hải Bằng bày tỏ nhiều tâm tư, lo ngại khi ngành gỗ Việt quá tập trung vào thị trường này.
“XK vào Mỹ hiện chiếm tỷ trọng rất lớn 50% trong tổng XK của ngành gỗ Việt. Đây là thị trường lớn nhưng về lâu dài cần có sự phân tán rủi ro, tránh những cú sốc lớn đối với ngành, đặc biệt trong bối cảnh đang dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
DN thừa sự quyết tâm và sáng tạo để triển khai. Chúng tôi đã chuẩn bị các bước để xoay sang thị trường khác sau khi dịch giảm bớt, ví dụ sự dịch chuyển XK sang thị trường Nhật Bản”, ông Bằng cho hay.
Chính sách hỗ trợ cần sát thực tế hơn
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), Tổng giám đốc Công ty Minh Phát 2 (MIFACO) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, DN chỉ có 2 sự lựa chọn.
Một là cố gắng tìm các giải pháp để tồn tại và chuẩn bị kỹ càng các bước cho sự phục hồi; hai là đóng cửa và phá sản.
“Tất nhiên chẳng DN nào muốn lựa chọn phương án thứ hai, thành thử DN nào cũng phải cố gắng tìm mọi cách để tồn tại”, ông Hiệp nói.
Hiện năng suất lao động trong ngành gỗ của Việt Nam còn thấp hơn khoảng 20% so với năng suất lao động của ngành gỗ Trung Quốc.
Theo ông Hiệp, giai đoạn dịch bệnh tạo cho chúng ta nhìn nhận lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, tìm ra những gì chưa hiệu quả, từ đó đưa ra phương án cải thiện để nâng cao hiệu qủa sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
Bên cạnh sự nỗ lực tự thân của DN, trên thực tế thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai nhằm giúp DN giảm bớt phần nào khăn do dịch Covid-19.
Ông Vũ Hải Bằng thừa nhận: Khi khó khăn chất chồng, rất may là các ngân hàng ủng hộ việc gia hạn khoản vay, giãn nợ nên DN vẫn duy trì được thanh khoản, trả lương, công nợ cho công nhân.
Tuy nhiên, có những chính sách chưa thực sự hợp lý, điển hình như chính sách về hỗ trợ cho người lao động.
Theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ: Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng.
“Các bộ, ban, ngành đều có khuyến khích DN cố gắng duy trì việc làm cho người lao động nhưng chính sách là nếu không cho nghỉ 50% là không được hỗ trợ.
Ngoài ra, số lao động đi làm luân phiên 15, 16 ngày/tháng, DN vẫn phải đóng bảo hiểm cho toàn bộ lao động đó trong cả tháng”, ông Bằng nói.
DN sẽ khó có thể tồn tại nếu như dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài. Để hạn chế DN phá sản, vai trò hỗ trợ của Chính phủ là hết sức quan trọng. Ông Huỳnh Quang Thanh cho rằng, cần sự chung tay của ngân hàng chia sẻ khó khăn đối với DN.
Theo ông Thanh, Chính phủ yêu cầu ngân hàng hỗ trợ DN thông qua việc giảm lãi suất nhưng thực tế thì lãi suất không giảm, thậm chí còn tăng.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhấn mạnh: Chính phủ và các bộ, ngành cần quan tâm dầu tiên đến chính sách hỗ trợ cho an sinh xã hội (người lao động trong DN).
Nên cắt bỏ các điều kiện: DN phải ngừng việc 50% lao động, dừng sản xuất 50%; số lượng và thời gian đóng bảo hiểm… Ở đây chỉ cần người lao động trong DN đã có khai thuế mà phải ngừng việc là tức khắc được hỗ trợ, vì giải trình những điều kiện đi kèm là rất khó khăn.
Liên quan đến Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, các DN trong ngành đều nhận được thông báo của Chi cục thuế địa phương, hướng dẫn gia hạn và thời gian nộp thuế. Một số DN trong ngành đã được gia hạn về thuế đất.
Về Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, một số DN đã tiếp cận được gói hỗ trợ này.