|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp gỗ than chậm được hoàn VAT, Bộ Tài chính khẳng định đây không phải ngành rủi ro

22:22 | 13/04/2023
Chia sẻ
Liên quan kiến nghị về việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) của doanh nghiệp ngành gỗ, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Cao Anh Tuấn khẳng định không coi chế biến gỗ là ngành có rủi ro, 95% hồ sơ ngành gỗ thuộc diện "hoàn trước - kiểm sau".

Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ chậm được hoàn VAT

Tại buổi làm việc của Chính phủ với các hiệp hội lâm thủy sản sáng 13/4, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết hơn 10 năm qua, lâm sản luôn nằm trong top 5 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tăng trưởng xuất khẩu đạt hai con số mỗi năm. Năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17,1 tỷ USD, trong đó giá trị xuất siêu lên tới 14 tỷ USD.

Tuy nhiên bước sang quý I/2023, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 3,1 tỷ USD. Nguyên nhân là lạm phát toàn cầu gia tăng, đặc biệt ở các thị trường chính như Mỹ và châu Âu.

Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị Nga – Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, khiến chi phí logistic, giá nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào tăng cao... ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chính sách bảo hộ của các quốc gia cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu lâm sản của Việt Nam, hiện ngành gỗ đối mặt với các vụ kiện về ván dán và các vụ điều tra về mặt hàng tủ bếp và bàn trang điểm đối với thị trường Mỹ.

Ông Đỗ Xuân Lập,  Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam. (Ảnh: VGP)

Về những nguyên nhân chủ quan, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng các doanh nghiệp gỗ đang gặp vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách hoàn thuế, tiếp cận vốn...

"Chúng tôi mong muốn Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế có buổi làm việc với Bộ NN&PTNT, ngành gỗ để khai thông vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) của doanh nghiệp sử dụng nguồn gỗ rừng trồng trong nước", ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị.

Một nội dung khác về thuế, đó là đề xuất giảm thuế suất với sản phẩm viên nén đen (mã HS 4401.31) từ 5% xuống 0%. Đại diện Viforest cho rằng đây là sản phẩm được sản xuất từ nguồn gỗ có chứng chỉ, giá trị gia tăng cao, suất đầu tư lớn. Việc xem xét hạ thuế vừa thúc đẩy tiêu thụ gỗ rừng trồng trong nước, vừa nâng cao xuất khẩu.

Ngoài ra, ông Lập cũng đề nghị có chính sách cho doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản giãn nợ đến hạn từ 6 tháng đến 12 tháng, đồng thời có gói tín dụng đặc thù từ Ngân hàng chính sách xã hội để doanh nghiệp trả lương cho công nhân trong năm 2023.

Không coi lâm sản là ngành có rủi ro hoàn thuế VAT

Liên quan kiến nghị về việc hoàn VAT của ngành gỗ, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Cao Anh Tuấn khẳng định "không coi ngành chế biến gỗ là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế VAT".

Theo Luật Quản lý thuế có phân việc hoàn thuế thành hai loại "hoàn trước - kiểm sau" và "kiểm trước - hoàn sau". Hiện nay trong 150.000 – 170.000 tỷ đồng mỗi năm thì có tới 80% thuộc diện "hoàn trước - kiểm sau". Riêng đối với ngành gỗ từ năm 2022 đến nay, mức hoàn thuế này là 17.400 tỷ đồng, chiếm 95% và chỉ còn 5% cơ quan thuế đang kiểm tra hồ sơ thuế.

Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công an đấu tranh với một số doanh nghiệp gian lận khai khống đầu vào để giảm thuế xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Tài Chính Cao Anh Tuấn giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp gỗ. (Ảnh: VGP

Về các hồ sơ chưa hoàn thuế, Thứ trưởng cho biết, chính sách thuế đối với doanh nghiệp gỗ xuất khẩu hiện nay đang là 0% còn thu mua gỗ rừng trồng đang không phải chịu thuế. Các doanh nghiệp trực tiếp thu mua đều không vướng mắc về đầu vào gỗ, chỉ có một số doanh nghiệp thu mua qua nhiều "cầu" thì khi cơ quan chức năng kiểm tra không làm rõ được con số.

Bộ NNPTNT cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có văn bản trả lời về việc này. Trong tuần tới, Bộ Tài Chính sẽ tiếp tục họp với các doanh nghiệp đang có vướng mắc.

Còn về việc giảm thuế suất đối với xuất khẩu sản phẩm viên nén đen (mã HS 4401.31), Thứ trưởng Bộ Tài Chính cho biết Bộ đã có tờ trình về biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu và dự kiến trình lại lên Chính phủ trong tuần này, nếu đề xuất được thông qua sẽ tháo gỡ được cho ngành gỗ.

Về việc giãn nợ thuế 6-12 tháng, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng trình Chính phủ Nghị định về giãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế đất. Nếu Nghị định được ban hành có thể giải quyết được vấn đề cho các doanh nghiệp.

Hoàng Anh