Doanh nghiệp FDI đề xuất giải pháp duy trì sản xuất
Nhiều khó khăn, thách thức
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP HCM thông tin: Thành phố là một đô thị đặc biệt, có quy mô kinh tế lớn, dân số đông nên dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội.
Theo ước tính vào đầu tháng 8 của Tổng Cục thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 của thành phố ước giảm 2,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,39%) và có khả năng không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 đã đề ra (kế hoạch là 6%).
Tất cả các ngành kinh tế, từ công nghiệp, xây dựng đến thương mại dịch vụ và sản xuất nông nghiệp đều chịu ảnh hưởng mạnh và giảm sâu 5% so với cùng kỳ. Nếu không có những giải pháp ứng phó một cách toàn diện, mạnh mẽ và kịp thời, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông và xuất khẩu hàng hóa là rất lớn.
Bà Hồ Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại Công ty Intel Products Vietnam cho biết: Nhà máy tại Khu công nghệ cao TP HCM đang tổ chức sản xuất theo phương án "1 cung đường, 2 điểm đến" cho gần 1.800 lao động lưu trú tại các khách sạn và một số lao động ở tại chỗ.
Chi phí phát sinh để duy trì hoạt động từ ngày 15/7 - 15/8 là gần 150 tỷ đồng, nếu kéo dài đến 15/9 thì chí phí này sẽ tăng gấp đôi, ảnh hưởng rất lớn đến ngân sách của công ty trong dài hạn.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu của Intel Vietnam chiếm đến 64% giá trị xuất khẩu của Khu công nghệ cao và đóng góp 30% kim ngạch xuất khẩu của toàn TP HCM.
Thêm vào đó, nhà máy Intel Vietnam đang đảm nhận sản xuất các sản phẩm vi mạch, bán dẫn cho toàn thế giới, có vai trò rất quan trọng trong chuỗi cứng ứng toàn cầu nên không thể ngừng sản xuất.
Ông Lê Hữu Bình, Giám đốc Tài chính Công ty Jabil Việt Nam cho biết, công ty hiện có 8.600 lao động làm việc, với doanh thu xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD/năm.
Kể từ khi TP HCM thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp đã áp dụng phương án "1 cung đường, 2 điểm đến" cho 2.500 người (khoảng 30% số lao động) nhằm duy trì hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, sau 1 tháng doanh nghiệp đã phải chi tới 120 tỷ đồng cho khách sạn, xét nghiệm định kỳ, thuê xe, trợ cấp người lao động... Chi phí này vượt quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp nếu tiếp tục kéo dài.
"Vì hoạt động sản xuất chỉ có thể duy trì ở mức tối thiểu, chúng tôi không thể giao hàng đúng hạn cho khách hàng theo hợp đồng, làm đứt chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số khách hàng của chúng tôi đã và đang tiến hành chuyển hợp đồng sang các nước khác như Ấn Độ, Mexico, Trung Quốc... Giá trị hợp đồng chúng tôi đã mất khoảng 200 triệu USD, dẫn đến rủi ro thu hẹp quy mô hoạt động tại Việt Nam", ông Lê Hữu Bình cho biết.
Trong khi đó, ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại châu Âu (Eurocham) cho rằng, các vấn đề hiện tại như mô hình hoạt động "3 tại chỗ" gây ra rất nhiều bất cập cho doanh nghiệp và không phù hợp để áp dụng như một giải pháp lâu dài.
Việc không thể luân chuyển nhân lực để tiếp tục sản xuất do chính sách hạn chế đi lại nghiêm ngặt dẫn đến chất lượng sản xuất và kiệt sức về tinh thần.
Đối với các công nhân muốn trở về địa phương lại gặp khó khăn đối với việc xin giấy chấp thuận của địa phương tiếp nhận. Chậm cách ly các ca F0, các F1 không được sàng lọc kịp thời dẫn đến lây nhiễm chéo trong doanh nghiệp.
Giải pháp duy trì chuỗi sản xuất
Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết: Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ cam kết phối hợp với Chính phủ Việt Nam và TP HCM trong công tác phòng, chống dịch với "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa phát triển phục hồi kinh tế nhằm bảo vệ đời sống người dân và an toàn xã hội.
Mặc dù các phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" đã mang lại hiệu quả tạm thời, nhưng không bền vững từ quan điểm sức khỏe, an toàn, chi phí.
Vì vậy, Amcham đề xuất TP HCM xem xét thí điểm cho phép những công nhân đã được tiêm vaccine áp dụng "1 cung đường, 2 điểm đến" bao gồm cả việc công nhân đi làm từ nhà riêng, kiểm soát bằng cách test nhanh thường xuyên như đề xuất trước đó của các doanh nghiệp tại khu công nghệ cao, nếu hiệu quả sẽ mở rộng cho các doanh nghiệp và khu công nghiệp khác.
Ông Gabor Fluit cho rằng, TP HCM cần sửa đổi mô hình "3 tại chỗ" linh động hơn như cho phép công nhân được luân chuyển và kiểm soát dịch bằng cách xét nghiệm PCR trước khi vào/ra nhà máy hay trước khi luân chuyển công nhân. Cách ly kịp thời F0 hoặc hướng dẫn F0 cách ly.
Tổ chức các Tổ công tác cấp cứu hay tư vấn cho doanh nghiệp và người lao động. Ưu tiên tiêm vaccine cho lao động ngành logistics để giúp các cảng có đủ công nhân bốc xếp, giải phóng hàng hóa nhanh hơn.
Trong khi đó, bà Hồ Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại Công ty Intel Products Vietnam kiến nghị, thành phố tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động khu công nghệ cao để có "lao động xanh", cho phép người lao động quay lại làm việc nhiều hơn để kéo lại sản xuất, xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Khi có nguồn "lao động xanh" sinh sống trong các "vùng xanh", doanh nghiệp đề xuất thành phố cho phép tổ chức sản xuất "2 tại chỗ" kèm với điều kiện doanh nghiệp đảm bảo công tác đưa đón người lao động.
Tuy nhiên, Thành phố cũng cần hướng dẫn chi tiết các tiêu chí "nơi ở xanh" để doanh nghiệp hiểu đúng, đủ và phối hợp với địa phương áp dụng.
Cũng theo bà Hồ Thu Uyên, cơ quan quản lý cho phép chuyên gia người nước ngoài đã tiêm đủ 2 mũi vaccine được nhập cảnh, rút ngắn thời gian cách ly để tham gia vào công tác sản xuất.
Ông Lê Hữu Bình, Giám đốc Tài chính Công ty Jabil Việt Nam đề xuất: Thành phố có thể huy động nhiều nguồn vaccine khác nhau như: vaccine dịch vụ, chấp nhận cho các doanh nghiệp nhận các nguồn vaccine được hỗ trợ từ công ty mẹ ở nước ngoài nếu có.
Hoặc áp dụng cơ chế nhà nước cung cấp vaccine, doanh nghiệp sẵn sàng trả phí dịch vụ tiêm để đẩy nhanh việc tiêm chủng, hạn chế thấp nhất những thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như sự đứt gãy chuỗi cung ứng.
Nhiều doanh nghiệp mong muốn thành phố xem xét áp dụng hộ chiếu vaccine cho người lao động đã tiêm đủ 2 liều vaccine có thể làm việc và về nhà thay vì phải thực hiện "3 tại chỗ" như hiện nay để giảm áp lực cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Đối với phương án tổ chức sản xuất theo phương châm "4 xanh" của thành phố, cần có quy định cụ thể và mang tính khả thi để doanh nghiệp có thể xác định và triển khai "Nơi ở xanh" và "Cung đường xanh".
"Thành phố có thể xem xét thêm mô hình sản xuất an toàn, chống dịch. Cụ thể, doanh nghiệp đưa đón lao động tận nhà; trong nhà máy, người lao động được trang bị bảo hộ cá nhân, khẩu trang N95 đạt chuẩn, tấm che chống giọt bắn, thực hiện 5K và cam kết của người lao động.
Đây là mô hình mà Công ty Jabil tại Malaysia đã áp dụng và phát huy hiệu quả cao trong việc duy trì sản xuất an toàn ổn định", ông Lê Hữu Bình chia sẻ.
Ghi nhận những ý kiến và đề xuất của các Hiệp hội cũng như đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết: Mỗi kế hoạch, biện pháp phòng, chống dịch được thành phố đưa ra đều phải cân nhắc rất kỹ những tác động kéo theo đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Thời gian qua, phương thức hoạt động "3 tại chỗ" đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất và giữ an toàn cho người lao động.
"Không có phương án nào thuận lợi tuyệt đối, thành phố sẽ ghi nhận những phản ánh, khó khăn từ phía doanh nghiệp để có sự điều chỉnh và hỗ trợ kịp thời.
Song song đó, thành phố cũng ủng hộ các doanh nghiệp đề xuất và ứng dụng linh hoạt các phương án duy trì sản xuất mới, với yêu cầu đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Mục tiêu của TP HCM kiểm soát dịch COVID-19 trước ngày 15/9; hết quý III/2021 tiêm được 70% dân số trên 18 tuổi để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.", ông Nguyễn thành Phong nhấn mạnh.