|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp được cấp giấy đi đường vào phút chót sau ba ngày vật vã

08:49 | 08/09/2021
Chia sẻ
Các thủ tục hành chính dài dòng, hướng dẫn chung chung khiến doanh nghiệp lúng túng, mệt mỏi khi phải đi lại nhiều nơi, qua nhiều ngày mới được cấp giấy đi đường.
Doanh nghiệp được cấp giấy đi đường vào phút chót sau ba ngày vật vã - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Thanh niên.

"Đây là mẫu giấy đi đường thứ 5 mà tôi có từ thời điểm thực hiện giãn cách xã hội tới nay", anh Sơn, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho hay.

Trong những ngày này, giấy đi đường trở thành vẫn là đề tài xung quanh câu chuyện thường ngày được chia sẻ của người dân Hà Nội. Kể từ ngày 6/9 đến 21/9, Hà Nội áp dụng chống dịch theo 3 phân vùng, đặc biệt siết chặt giãn cách xã hội tại vùng đỏ" (vùng 1), việc cấp giấy đi đường trong vùng này lại tiếp tục có sự thay đổi.

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoạt động trong vùng đỏ khá lúng túng, mệt mỏi khi chuẩn bị thủ tục, giấy tờ để được Công an TP Hà Nội cấp giấy đi đường mới, thay thế mẫu giấy cũ hết hiệu lực ngày 5/9.

Sự lúng túng và bất cập thể hiện ngay ở việc chính sách được ban hành và điều chỉnh liên tục trong thời gian ngắn khiến người dân xoay như chong chóng.

Cơ quan chức năng cho biết sẽ gia hạn 2 ngày để thực hiện việc cấp giấy đi đường có mã QR code và ngày 6/9 và 7/9 sẽ chỉ kiểm tra nhắc nhở, chỉ xử phạt những trường hợp ra đường không có mục đích chính đáng. Việc áp dụng chính thức được thông báo sẽ bắt đầu từ ngày 8/9.

Tuy nhiên, đến tối 7/9, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, TP Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục sử dụng song song giấy đi đường đã cấp (mẫu cũ) và mẫu mới. Giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một.

Trao đổi với người viết, đại diện một doanh nghiệp chuyển phát nhanh trên địa bàn cho biết đã phải xoay xở túi bụi trong ba ngày, đẩy qua đẩy lại giữa các cơ quan để đưa giấy tờ, thủ tục vì lý do "chưa đúng nơi, đúng chỗ".

Ngày 5/9, đại diện doanh nghiệp này đến Sở Giao thông vận tải xin giới thiệu sang công an TP. Sang công an TP thì được giới thiệu về công an phường. Cuối cùng về phường cũng không được việc vì lực lượng chức năng cũng lúng túng, không biết hướng dẫn như thế nào.

Đến sáng 6/9, công an phường giới thiệu sang Sở Thông tin và Truyền thông làm hồ sơ và nộp.

Tưởng mọi chuyện êm xuôi nhưng đến ngày 7/9, doanh nghiệp được yêu cầu nộp giấy phép chuyển phát, giấy phép kinh doanh bản cứng, phương án kinh doanh trong thời gian COVID-19, phương án phòng dịch, kế hoạch ứng phó khi có F0…

"Doanh nghiệp đã khổ vì COVID-19, nay còn khổ hơn vì thủ tục hành chính. Dù muốn giảm tải cho cơ quan chức năng nhưng chính doanh nghiệp cũng khó xác định mình thuộc nhóm đối tượng nào vì những hướng dẫn còn quá chung chung", đại diện doanh nghiệp chuyển phát nhanh chia sẻ.

Chị Yến, chủ một cơ sở sản xuất thực phẩm tại Hà Nội cũng cho biết thủ tục làm giấy đi đường mới này khó khăn hơn các lần trước, yêu cầu quá nhiều giấy tờ như: Giấy đăng ký kinh doanh, phương án phòng chống dịch có xác nhận của UBND phường, lịch phân công làm việc, danh sách nhân viên, hợp đồng lao động,...

Chị đã phải bổ sung hồ sơ vài tại công an phường và may mắn đã được nhận hồ sơ vào hạn chót và dự kiến sẽ được duyệt vào ngày 8/9.

Doanh nghiệp được cấp giấy đi đường vào phút chót sau 3 ngày vật vã - Ảnh 1.

Nhân viên siêu thị Co.opmart Hà Nội được cấp giấy đi đường mới (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp thuộc cơ quan chủ quản là Sở Công Thương Hà Nội, việc cấp giấy đi đường dường như thuận lợi hơn. 

Trao đổi với người viết, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết để được cấp giấy theo mẫu mới, doanh nghiệp đã gửi danh sách, hồ sơ đăng ký cấp giấy đi đường tới cơ quan chủ quản là Sở Công Thương Hà Nội.

Sau khi duyệt, Sở sẽ gửi danh sách của doanh nghiệp qua công an TP để kiểm tra và cấp giấy đi đường có mã nhận diện. "Nhờ thực hiện theo đúng quy trình, nhân viên siêu thị, shipper của Co.opmart được cấp đầy đủ và đúng hạn, di chuyển theo các vùng quy định", bà Dung nói.

Theo bà Dung, hiện nay có nhiều doanh nghiệp chưa được cấp giấy đi đường hoặc vướng mắc thủ tục do chưa xác định đúng đối tượng và thiếu một số giấy tờ theo quy định.

Tính đến nay, Hà Nội đã 4 lần ban hành quy định về mẫu giấy đi đường, các lần trước đó đã bộc lộ những bất cập nhất định. Do đó, nhiều doanh nghiệp lo ngại những quy định mới về mẫu giấy đi đường sẽ làm xáo trộn sinh hoạt của người lao động và hoạt động của doanh nghiệp.

Công an TP Hà Nội vừa có thông báo về quá trình xét duyệt, cấp giấy đi đường, thẻ đi mua hàng thiết yếu tại vùng đỏ, chia theo 6 nhóm đối tượng. Thông báo bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/9.

Nhóm 1: Cơ quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, công vụ, bao gồm cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị xã hội đóng trên địa bàn thành phố (gồm cơ quan trực thuộc và tương đương); cơ quan tổ chức, ngoại giao.

Nhóm 2: Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực dịch vụ công ích thiết yếu.

Nhóm 3: Các cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện, tham gia công tác phòng chống dịch.

Nhóm 4: Cơ quan, báo chí truyền thông.

Nhóm 5: Người đi sân bay theo vé; cá nhân đi đến các cơ quan ngoại giao theo giấy hẹn của cơ quan ngoại giao; cá nhân đến Tòa án theo giấy triệu tập của Tòa án. Những người này không áp dụng Giấy đi đường, chỉ cần mang theo giấy tờ chứng minh, giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ và CMND (căn cước công dân).

- Cá nhân đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng thiết yếu: Thẻ mua hàng sẽ được Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn duyệt, cấp.

- Cá nhân đi thực hiện dịch vụ y tế bắt buộc chỉ cần mang theo giấy tờ chứng minh kèm theo CMND (căn cước công dân).

Nhóm 6: Các tổ chức, cá nhân và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu bao gồm các cá nhân, người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khác sẽ do công an xã, phường, thị trấn cấp.

Quy trình cấp giấy đi đường

- Đối với nhóm 1, 3, 4 do thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp theo đúng đối tượng quy định tại chỉ thị số 16 của Thủ tướng.

- Đối với nhóm 5 chỉ cần có giấy tờ chứng minh kèm theo căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân và giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ (đối với cá nhân đi sân bay, đến tòa án, cơ quan ngoại giao).

Hoàng Anh