|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng, chứng khoán không tìm thấy 'chỗ' trong nhóm cấp giấy đi đường

18:00 | 07/09/2021
Chia sẻ
Quy định mới về giấy đi đường khiến người dân bất ngờ và gặp nhiều lúng túng trong quá trình thực hiện. Ngân hàng cổ phần và các công ty chứng khoán không tìm thấy phân nhóm của mình trong danh sách 6 nhóm được ban hành.

Ngày 5/9, Công an TP Hà Nội chính thức ban hành công văn số 6480 về việc cấp giấy đi đường mới riêng cho vùng 1, vùng nội đô hay vùng đỏ theo nhiều cách gọi khác nhau. 

Nội dung công văn chỉ ra 6 nhóm đối tượng được tham gia giao thông và các cấp xét duyệt tương ứng nhưng nhiều điểm khiến người dân khá lúng túng khi tiếp cận. Ngân hàng, chứng khoán, những ngành dịch vụ thiết yếu lại không biết xếp vào đâu trong danh sách.

Cụ thể, có hai nhóm mà có thể hình dung có các dạng trên là nhóm 2 và nhóm 6, tuy nhiên vì chữ "công ích thiết yếu" mà cả hai nhóm này loại trừ gần hết "dịch vụ, hàng hoá thiết yếu", vì đa số dù "thiết yếu" nhưng thiếu "công ích".

Ngân hàng, chứng khoán không tìm thấy 'chỗ' trong nhóm cấp giấy đi đường - Ảnh 1.

Ngân hàng là hoạt động dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động. (Ảnh minh hoạ: Sacombank).

Theo Kinh tế & Dự báo, đêm 5/9 Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn đã ký công văn gửi Công an Thành phố Hà Nội về việc các công ty trong ngành chứng khoán vẫn chưa được cấp giấy đi đường theo hướng dẫn mới.

Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đề nghị "Công an Thành phố Hà Nội chấp thuận cho các công ty trong ngành được sử dụng giấy đi đường đã cấp trước đây cho đến khi hoàn thành việc cấp giấy đi đường theo quy định mới" để đảm bảo cho các công ty thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo thị trường chứng khoán được hoạt động liên tục.

Một ngày sau đó, Công an TP Hà Nội đã ban hành gấp công văn 6482 hướng dẫn chi tiết hơn sau khi nhận được nhiều phản ánh của người dân và lúng túng trong việc nhận diện các nhóm đối tượng của các cấp xét duyệt.

Theo công văn mới này, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ngân hàng nhà nước và các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV thuộc "Nhóm 1". Đồng thời, công văn chỉ ra chi tiết 5 trường hợp thuộc nhóm 6. 

Tuy nhiên, vẫn chưa thấy nhóm phù hợp cho nhóm chứng khoán, các ngân hàng thương mại cổ phần, các ngân hàng thuộc sở hữu 100% vốn của Ngân hàng Nhà nước như OceanBank, CBBank, GP Bank.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết ngoài ngân hàng, chứng khoán còn phải kể đến nhóm điện lực. 

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, DNNN là ông có trên 50% vốn nhà nước, nhưng không gồm các con thuộc DNNN như các tổng công ty phát điện & truyền tải điện hay EVN Hà Nội. Do đó, nhóm công ty này không thuộc nhóm nào cả. Trong khi đó, các ngân hàng cổ phần kiêm DNNN như nhóm Big4 nói trên lại được xếp vào nhóm 1 "công vụ". 

Ngân hàng, chứng khoán không tìm thấy 'chỗ' trong nhóm cấp giấy đi đường - Ảnh 2.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI. (Ảnh: NVCC).

Theo luật sư, việc Hà Nội thông báo áp dụng biện pháp kiểm soát người dân ra đường bằng việc cấp giấy đi đường có gắn QR code còn nhiều bất cập. Việc cấp giấy đi đường cần phải hợp lý về mặt thời gian bởi muốn làm giấy tờ người dân cần thời gian hành chính để cơ quan, đơn vị ký tên, đóng dấu và xin phép.

"Nếu Hà Nội đã định thay đổi giấy thì phải ban hành thông báo sớm, có thể cách đây 1 tuần thì nhiều người sẽ chủ động thực hiện, mà không có những phản ứng gay gắt hay những lúng túng như hiện nay", ông chia sẻ.

Luật sư Đức cũng cho rằng việc phân 6 nhóm đối tượng cấp giấy là phi logic. Theo ông chỉ cần phân chia thành 4 nhóm cấp phép: nhóm do công an thành phố cấp (hiện là nhóm 2); nhóm do công an phường cấp (nhóm 6); nhóm tự cấp (nhóm 1, 3 & 4) và nhóm kiểu khác cấp (như đi tiêm phòng, đi đến bệnh viện, đi đến toà án, đi đến sân bay, đi chợ - nhóm 5). 

Ngoài ra, ông cho rằng các thủ tục cấp giấy đi đường tại cơ quan chức năng phải áp dụng tối đa công nghệ để hạn chế tập trung, tiếp xúc. Đối tượng sử dụng thiết bị công nghệ ở Hà Nội đã phổ cập, sử dụng mã QR code đã quá thông dụng nên chính quyền có thể cấp mã tự động từ xa. 

Chia sẻ với chúng tôi vào chiều 7/9, hạn chót để áp dụng quy định mẫu giấy đi đường mới, một ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn cho biết sau những lúng túng ban đầu họ cũng đã hoàn thành được thủ tục và cấp giấy đi đường với các nhân viên từ Phòng Cảnh sát Giao thông TP. Tại một ngân hàng khác, giấy đi đường lại được cấp bởi công an phường.

Chi tiết 6 nhóm đối tượng được phép tham gia giao thông tại vùng đỏ theo công văn 6480 của Công an TP Hà Nội:

Nhóm 1: Cơ quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, công vụ, bao gồm cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị xã hội đóng trên địa bàn thành phố (gồm cơ quan trực thuộc và tương đương); cơ quan tổ chức, ngoại giao.

Nhóm 2: Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực dịch vụ công ích thiết yếu.

Nhóm 3: Các cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện, tham gia công tác phòng chống dịch.

Nhóm 4: Cơ quan, báo chí truyền thông.

Nhóm 5: Người đi sân bay theo vé; cá nhân đi đến các cơ quan ngoại giao theo giấy hẹn của cơ quan ngoại giao; cá nhân đến Tòa án theo giấy triệu tập của Tòa án. Những người này không áp dụng Giấy đi đường, chỉ cần mang theo giấy tờ chứng minh, giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ và CMND (căn cước công dân).

Cá nhân đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng thiết yếu: Thẻ mua hàng sẽ được Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn duyệt, cấp.

Cá nhân đi thực hiện dịch vụ y tế bắt buộc chỉ cần mang theo giấy tờ chứng minh kèm theo CMND (căn cước công dân).

Nhóm 6: Tổ chức, cá nhân và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu.

Diệp Bình