|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp dệt may quí III: 'Thắng - thua' rõ nét

08:10 | 29/10/2020
Chia sẻ
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 9 tháng năm 2020 ước đạt hơn 25,5 tỉ USD, giảm khoảng 12%. Đây là bức tranh chung của ngành hàng vì phải gánh chịu tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp tìm được lối đi riêng cho mình để mang về những kết quả kinh doanh riêng biệt bất chấp dịch bệnh.

Như thông lệ, quí III hàng năm là vụ sản xuất chính của các doanh nghiệp làm hàng dệt may xuất khẩu, tuy nhiên năm 2020 thì có nhiều điểm khác. Đơn hàng sụt giảm, nhu cầu tiêu dùng hàng may mặc tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… chưa hồi phục do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. 

Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), 9 tháng đầu năm 2020, toàn ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được 25,584 tỉ USD, giảm 12% so với cùng kì.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho hay, mục tiêu xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 là 40 tỉ USD, nhưng do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều thị trường nhập khẩu truyền thống của ngành giảm sâu, có mặt hàng giảm đến 80-90%, vì vậy kim ngạch xuất khẩu dự kiến sẽ bỏ xa kết quả thực hiện 39 tỉ USD của năm 2019.

Tuy nhiên, nhìn vào kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, có thể thấy rằng nhiều doanh nghiệp vẫn có lối đi riêng, có cách ứng phó tốt với bối cảnh chung như linh hoạt chuyển sang may các mặt hàng bình dân, mặt hàng thời vụ như khẩu trang, đồ bảo hộ hoặc tiết giảm các khoản chi phí để giữ vững đà tăng trưởng lợi nhuận.

Nhiều doanh nghiệp vẫn báo lãi quí III khả quan

Với nhóm doanh nghiệp "sáng sủa" này,  có thể kể đến như Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (Mã: TCM).  Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí III/2020 doanh nghiệp công bố, doanh thu thuần trong quí đạt gần 970 tỉ đồng, giảm gần 4% so với quí III/2019 nhưng lợi nhuận sau thuế gần 82 tỉ đồng, tăng đến 46,7% so với quí III/2019

Theo giải trình từ phía công ty, quí III vừa qua công ty xuất khẩu nhiều đơn hàng khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế nên doanh thu và lợi nhuận tương đối tốt. 

Bên cạnh đó, công ty tiến hành việc kiểm soát và tiết kiệm chi phí, nên tỉ lệ chi phí giá vốn hàng bán trên doanh thu giảm so với cùng . Những nguyên nhân này làm cho lợi nhuận thu về tăng cao hơn cùng .

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu TCM ghi nhận 2.689,5 tỉ đồng, giảm 2,6% so với cùng kì năm ngoái và đã thực hiện được khoảng 72% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 196,6 tỉ đồng, tăng gần 12% so với 9 tháng đầu năm 2019.

Trong cơ cấu doanh thu của công ty, phần lớn là từ xuất khẩu. Doanh thu xuất khẩu trong kì đạt 2.303 tỉ đồng, đóng góp gần 85% tổng doanh thu. Phần còn lại là doanh thu trong nước. Mảng xuất khẩu cũng mang về hơn 400 tỉ đồng lợi nhuận gộp, chiếm 84% lợi nhuận gộp đạt được.

Doanh nghiệp dệt may báo lãi quí III khả quan dù dịch COVID-19 vẫn chưa hết làm khó - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh quí III/2020 của nhiều doanh nghiệp đều ghi nhận đà tăng trưởng so với cùng kì năm ngoái. (Ảnh: TTM).

Kết quả kinh doanh quí III/2020 của Công ty CP Dệt may Nam Định (Mã: NDT) cũng cho thấy, doanh thu trong kì chỉ đạt 255,8 tỉ đồng, giảm hơn 15% so với quí III/2019.

Tuy nhiên, nhờ giá vốn bán hàng giảm gần 14%, xuống còn hơn 239 tỉ đồng; chi phí tài chính giảm nhẹ; chi phí quản lí doanh nghiệp giảm gần 25% đã kéo lợi nhuận sau thuế của NDT tăng gần 12% so với cùng kì, đạt 7,5 tỉ đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu của NDT đạt 835,4 tỉ đồng, giảm nhẹ 0,5% so với 9 tháng đầu năm 2019 nhưng lợi nhuận sau thuế 11,9 tỉ đồng, tăng 187,5% so với cùng kì năm ngoái.

Tương tự, kết quả kinh doanh quí III của Công ty CP May mặc Bình Dương (Mã: BDG) ghi nhận doanh thu thuần giảm 20%, xuống còn 327 tỉ đồng. Dù vậy, công ty vẫn có lãi sau thuế tăng 10,3% so với cùng kì, đạt 25,6 tỉ đồng nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh.

Ngoài ra, theo giải trình của BDG, nguyên nhân là do tình hình dịch COVID-19 nên chính sách thưởng của công ty có giảm trích tiền lương tháng 13 trong quí III năm nay nên chi phí giảm làm tăng lợi nhuận.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, BDG ghi nhận doanh thu thuần giảm 17% xuống còn 899 tỉ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 2,6% đạt 87 tỉ đồng.

Trong năm 2020, BDG đặt mục tiêu 712 tỉ đồng doanh thu và 4 tỉ đồng lãi sau thuế, lần lượt giảm 53% và 96% so với thực hiện năm 2019. Như vậy, khép lại 9 tháng đầu năm, BDG đã vượt 26% kế hoạch doanh thu và lãi sau thuế gấp gần 20 lần kế hoạch năm 2020.

Bức tranh ngành dệt may quí III: 'Thắng - thua' rõ nét - Ảnh 2.

Nguồn: BCTC quí III/2020 các doanh nghiệp. Tổng hợp: P. Dương.

Hoạt động kinh doanh quí III của Công ty CP Dệt may 7 (Mã: DM7) cũng khả quan khi doanh thu đạt 207,8 tỉ đồng, tăng hơn 13% so với quí III năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 10,7 tỉ đồng, tăng hơn 9%.

Gộp chung 3 quí đầu năm nay, tổng doanh thu của DM7 là hơn 637,7 tỉ đồng, tăng gần 8,7%, lợi nhuận sau thuế đạt 34,3 tỉ đồng, tăng 5,7% so với 9 tháng đầu năm 2019.

Với Công ty CP Dệt may Gia Định (Mã: GID), doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu quí III chỉ đạt 23,4 tỉ đồng, giảm đến 61,4% so với cùng kì năm ngoái đạt 60,6 tỉ đồng.

Tuy nhiên, giá vốn bán hàng trong kì giảm gần 42%, xuống còn 35,6 tỉ đồng và chi phí bán hàng giảm đến 87,8% chỉ còn 22,6 tỉ đồng cùng với lợi nhuận từ hoạt động khác tăng hơn 665% lên 38,2 tỉ đồng đã giúp GID ghi nhận 21,5 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 172% so với cùng kì năm ngoái.

Đơn hàng giảm, chi phí hoạt động tăng khiến lợi nhuận nhiều "tên tuổi" đi xuống

Trên thực tế, vẫn có nhiều doanh nghiệp không thể duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận như cùng kì các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến đoăn hàng sụt giảm, doanh thu khó tăng trưởng trong khi các khoản chi phí ở mức cao.

Điển hình như Công ty Đầu tư và thương mại TNG (Mã: TNG), doanh thu quí III đạt hơn 1.690 tỉ đồng, tăng hơn 10,7% so với cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên vì giá vốn bán hàng, chi phí tài chính và chi phí bán hàng đều tăng nên lợi nhuận sau thuế quí III của TNG bị kéo giảm gần 20%, xuống còn 65 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm ngoái là hơn 81 tỉ đồng.

Giải trình về điều này, TNG cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khách hàng đã yêu cầu giảm giá bán một số mặt hàng từ 1-2% so với giá kí đầu kì. Trong khi đó, các khoản chi phí đầu vào, công ty vẫn phải duy trì thanh toán theo đúng qui định và hợp đồng đã kí.

Đối với người lao động, vẫn phải bố trí duy trì có việc và chi trả lương, các khoản chế độ theo đúng hợp đồng và qui định nhà nước nên lợi nhuận sau thuế của TND giảm gần 20%.

Cũng như TNG, doanh thu quí III của Tổng Công ty May 10 - CTCP (Mã: M10) đạt hơn 982 tỉ đồng, tăng gần 9,5% so với cùng kì nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 9,1 tỉ đồng, giảm một nửa so với quí III năm ngoái.

Theo báo cáo tài chính quí III của M10, có thể thấy nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm sâu là do giá vốn bán hàng tăng gần 11,5%, chi phí quản lí doanh nghiệp tăng hơn 16% và chi phí bán hàng cũng tăng so với cùng kì năm 2019 đã "ăn mòn" lợi nhuận.

Với Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (Mã: STK), doanh thu hợp nhất quí III/2020 ghi nhận là 328 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 20,1 tỉ đồng, lần lượt giảm gần 41% và 61% so với cùng kì năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh gần 50%.

Lũy kế 9 tháng đầu 2020, doanh thu thuần và lãi ròng của STK đạt gần 1.197 tỉ đồng và 75 tỉ đồng, tương ứng giảm 28% và 53% so cùng kì năm ngoái.

Theo STK, nguyên nhân chính khiến chỉ tiêu kinh doanh của công ty giảm mạnh là do tác động của dịch COVID-19 khiến nhu cầu đối với sản phẩm dệt may trên thị trường bị sụt giảm.

Trong năm 2020 doanh nghiệp đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.798 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 130,5 tỉ đồng, lần lượt bằng 80,7% và 60,8% thực hiện năm 2019. Như vậy, sau 3 quí, STK mới chỉ thực hiện gần 67% kế hoạch doanh thu và gần 58% mục tiêu lợi nhuận của năm nay.

Tương tự, Công ty Đầu tư và Phát triển TDT (Mã: TDT) cũng vừa công bố BCTC quí III/2020 cho thấy doanh thu giảm 17% so cùng kì xuống còn 123 tỉ đồng trong. Do các chi phí đồng loạt tăng so cùng kì, lãi ròng TDT đã giảm 28% so cùng kì, xuống còn 10 tỉ đồng.

Theo TDT, nguyên nhân kinh doanh sụt giảm mạnh do dịch COVID-19 khiến khách hàng lùi ngày xuất hàng của các đơn hàng sản xuất xong nhưng chưa ghi nhận doanh thu và sẽ được tính vào quí tiếp theo. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào cho người lao động vẫn được duy trì thanh toán nên lãi quí III giảm so cùng .

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, TDT ghi nhận doanh thu thuần giảm 29% xuống còn 217 tỉ đồng, tương ứng lãi ròng giảm 45% xuống mức 12 tỉ đồng.

So với kế hoạch 565 tỉ đồng doanh thu và 58 tỉ đồng lãi trước thuế, 9 tháng TDT mới chỉ thực hiện được 38% chỉ tiêu doanh thu và 25% chỉ tiêu lợi nhuận.

Bức tranh ngành dệt may quí III: 'Thắng - thua' rõ nét - Ảnh 3.

Nguồn: BCTC quí III/2020 các doanh nghiệp. Tổng hợp: P. Dương.

P. Dương