Doanh nghiệp dầu khí làm giàu bằng nhiên liệu hóa thạch nhưng vẫn đi đầu quá trình chuyển đổi năng lượng sạch?
Thế khó của các ông lớn dầu khí
Từ lâu, các công ty dầu khí lớn trên thế giới đã phải hứng chịu khá nhiều "búa rìu dư luận" khi mà hiện tượng Trái đất nóng lên ngày càng trở nên nghiêm trọng, buộc các nước phải nhanh chóng chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh.
Trong vài năm trở lại đây, làn sóng phản đối ngành công nghiệp dầu khí không ngừng dâng cao. Tạp chí Time đưa tin, người biểu tình từng tập trung trước các trụ sở của Shell; 17.000 người dân Hà Lan nộp đơn khởi kiện Shell; và các nhà đầu tư quyền lực đe dọa các tập đoàn phải giảm phát thải khí CO2 hoặc chịu cảnh bị rút vốn;...
Sau khi hội nghị khí hậu COP26 kết thúc vào cuối tuần trước, gần 200 quốc gia đã ký cam kết cùng nhau cắt giảm lượng khí thải metan, chấm dứt nạn phá rừng, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hỗ trợ tài chính để các nước nghèo bớt tiêu thụ than đá.
Tuy vậy, trên mạng xã hội Twitter, nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg vẫn lớn tiếng chỉ trích: "Các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch và những ngân hàng cấp vốn cho họ chính là những tác nhân hủy hoại môi trường số một.
Giờ đây, Shell, BP và Standard Chartered lại xuất hiện ở Glasgow, vừa cố bù đắp thiệt hại vừa giúp bật đèn xanh cho những kẻ gây ô nhiễm môi trường. Âm mưu của bọn họ có thể đá bay kế hoạch chống biến đổi khí hậu".
Đáp lại những chỉ trích, CEO của BP, Lukoil, Occidental và Eni hồi đầu tuần này cho biết tuy vẫn duy trì nguồn cung dầu mỏ cho các nước có nhu cầu, họ cũng đã bắt đầu đa dạng hóa nguồn cấp năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Tại sao các ông lớn dầu khí đi đầu về chuyển đổi năng lượng?
Trên thực tế, các công ty dầu khí hàng đầu thế giới đang là những doanh nghiệp đi đầu trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Theo một báo cáo của BloombergNEF, trong 5 năm qua, tổng đầu tư vào công nghệ, lưu trữ, vận chuyển năng lượng tái tạo,… trên toàn cầu là gần 60 tỷ USD, trong đó năng lượng gió, năng lượng mặt trời và lưu trữ pin chiếm phần lớn mức đầu tư.
Năm ngoái, tổng chi phí vốn (capex) của ngành công nghiệp dầu khí ước tính đạt hơn 200 tỷ USD. BloombergNEF cho rằng mức vốn đầu tư vào năng lượng sạch tương đương khoảng 6% tổng capex của ngành dầu khí năm 2020, cao hơn đáng kể so với các năm trước.
Liên quan đến nguyên nhân các doanh nghiệp dầu khí lớn theo đuổi năng lượng tái tạo, CEO Benard Looney của BP cho hay, trước hết phát triển năng lượng xanh là "điều đúng đắn nên làm cho xã hội và thế giới". Nhiều công ty sản xuất nhiên liệu hóa thạch đã đề ra các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 thông qua nhiều chiến lược khác nhau.
Kể từ năm 2016, Total đã đầu tư khoảng 8 tỷ USD vào năng lượng tái tạo, nâng tổng công suất lên 7 GW. Trong tương lai, gã khổng lồ dầu khí nước Pháp đặt mục tiêu đưa công suất năng lượng sạch lên 35 GW vào năm 2025.
Trong khi đó, Shell tập trung hợp tác với khách hàng để đẩy nhanh quá trình đạt mức phát thải ròng bằng 0. Còn BP muốn phát triển 20 GW công suất điện tái tạo vào năm 2025, 50 GW vào năm 2030.
Dù vậy, ông Chris Archer, người phụ trách khu vực châu Mỹ của Green Investment Group (một công ty thuộc ngân hàng đầu tư Macquarie Capital), phản bác: "Phát triển năng lượng tái tạo không phải là giải pháp của các tập đoàn dầu khí. Chúng chỉ là một loại tài sản tiềm năng, tạo ra lợi ích kinh tế cho những tài sản hiện có của họ".
Một trong các nguyên nhân khác khiến ngành công nghiệp dầu khí tích cực theo đuổi năng lượng tái tạo là để duy trì vị thế dẫn đầu trên thị trường năng lượng.
Chủ tịch kiêm CEO Vagit Alekperov của Lukoil từng bày tỏ: "Chúng tôi là những doanh nghiệp chấp nhận chi nhiều vốn vào các dự án ít lợi nhuận để nghiên cứu năng lượng thay thế... Do đó, chúng tôi hy vọng vai trò dẫn dắt này không chỉ được giữ vững mà còn được củng cố trong ngắn hạn và trung hạn".
Kinh doanh dĩ nhiên luôn cần phải tạo ra lợi nhuận. Về ý này, CEO của BP cho biết, ngành dầu khí đang đứng trước một cơ hội giá trị vì thế giới sẽ rót hàng nghìn tỷ USD điều chỉnh hệ thống năng lượng trên toàn cầu.
Ông Kyle Reid, đối tác tại hãng tư vấn dịch vụ kế toán Grant Thornton, nói các tập đoàn dầu khí đều nhận thức được rằng chúng ta đang hướng đến một thế giới không phát thải ròng vào năm 2050.
Khi đó, dầu khí có thể trở thành những mặt hàng bị "ruồng bỏ". Nếu phớt lờ mục tiêu khí hậu trên toàn cầu, người chịu thiệt đương nhiên là các tập đoàn khai thác nhiên liệu hóa thạch.
Chưa kể, năng lượng xanh hiện là nguồn điện rẻ nhất thế giới, cho nên cũng dễ hiểu khi ngày càng nhiều công ty dầu khí nhảy vào lĩnh vực năng lượng tái tạo để tranh giành thị phần từ tay đối thủ, đặc biệt là trong bối cảnh các nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện như dầu thô và than đá hiện quá đắt đỏ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/