Doanh nghiệp đa quốc gia và xu hướng sử dụng 100% năng lượng tái tạo
Xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo đang được các tập đoàn đa quốc gia ngày một quan tâm và áp dụng. Mới đây, Heineken Việt Nam cho biết cả 6 nhà máy bia của hãng đã chuyển sang sử dụng năng lượng sinh khối. Điều này có nghĩa là hiện nay toàn bộ bia của Heineken Việt Nam đang được nấu bằng năng lượng tái tạo.
Heineken Việt Nam cho biết đã mua các Chứng chỉ thuộc tính năng lượng (EACs) cho 100% lượng điện năng tiêu thụ tại tất cả 6 nhà máy.
Tại Báo cáo Phát triển Bền vững năm 2022, nhà máy bia Heineken Quảng Nam đã trở thành nhà máy cuối cùng sử dụng nhiệt năng tái tạo từ sinh khối. Điều này đã giúp giảm đến 44% lượng phát thải CO2 tại nhà máy bia Heineken Quảng Nam so với việc sử dụng dầu diesel để tạo nhiệt. Bước tiến này còn góp phần tích cực trong việc thúc đẩy giá trị của phụ phẩm nông nghiệp như vỏ gạo, bụi gỗ, cọng gỗ, bã hạt ngô,...
Qua mô hình này, Heineken Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài với các nhà cung cấp hơi nước, tạo điều kiện cho việc xây dựng nhà máy sản xuất nhiệt năng tái tạo từ sinh khối sát cạnh nhà máy bia, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Trong nhiều năm qua, Heineken Việt Nam luôn thể hiện mong muốn tham gia mua điện năng tái tạo. Tuy nhiên, tại Việt Nam, do vẫn còn hạn chế về hạ tầng và các quy định liên quan còn giới hạn, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận lượng lớn điện năng tái tạo.
Năm 2022, Heineken Việt Nam đã quyết định nâng tầm hành động qua việc chuyển đổi tạm thời như một phần của hành trình chuyển đổi sang sử dụng điện năng tái tạo dài hạn.
"Trong khi chờ các giải pháp về năng lượng tái tạo, chúng tôi đã quyết định mua các Chứng chỉ EAC để đảm bảo 100% tổng lượng điện năng mà chúng tôi sử dụng được sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo với sự hỗ trợ của Công ty TNHH Quản lý Tài sản Carbon South Pole", ông ông Alexander Koch, Tổng Giám đốc Điều hành Heineken Việt Nam.
Nguồn điện năng tái tạo từ các chứng chỉ EAC này đến từ hai dự án năng lượng mặt trời tại Phú Yên và Băng Dương. Hành động này khẳng định nhu cầu sử dụng năng lượng mặt trời từ các doanh nghiệp, qua đó kích thích việc đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực này.
Heineken Việt Nam cũng đã xây dựng lộ trình hành động cụ thể để đạt mức phát thải ròng bằng “0” trong toàn bộ chuỗi giá trị vào năm 2040, chung tay thực hiện chương trình nghị sự của quốc gia về cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
"Chúng tôi nấu bia bằng 96% năng lượng tái tạo và đang đặt mục tiêu dần loại bỏ và thay thế các chứng chỉ EAC bằng những giải pháp triệt để hơn như thỏa thuận mua điện trực tiếp (DPPA) và lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà trong những năm tiếp theo", báo cáo từ Heineken nêu.
Bên cạnh đó, Heineken Việt Nam cũng đẩy mạnh áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn khi cam kết không có chất thải chôn lấp, 98% chai bia được tái sử dụng đến 30 lần và 98% két nhựa được tái sử dụng trong 5 – 10 năm và được tái chế khi hết hạn sử dụng.
Trong Quy hoạch điện VIII mới được ban hành, Việt Nam đặt mục tiêu nguồn năng lượng tái tạo chiếm khoảng 31-39% trong hệ thống, tương đương 5.000-10.000MW vào năm 2030. Đồng thời, tại COP 26, Việt Nam cũng đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.