|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp chế biến nông sản Bắc Giang khát... nguyên liệu

07:40 | 03/12/2016
Chia sẻ
Với điều kiện đất nông nghiệp, lao động nông nghiệp có truyền thống thâm canh rau màu, Bắc Giang có nhiều ưu thế để chế biến nông sản xuất khẩu. Nhưng thực tế là các doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang luôn phấp phỏng mỗi khi vào vụ chế biến, vì khát nguyên liệu.

Doanh nghiệp cần, dân không vội

Chuẩn bị vào vụ chế biến dưa chuột bao tử xuất khẩu cuối năm nay, ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu Vifoco (Bắc Giang) liên tục gọi điện kết nối các đầu mối cân dưa bao tử ở các huyện Tân Yên, Lục Nam, Lạng Giang... và các đầu mối ở các tỉnh khác như Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình để chào mời cung cấp dưa chuột bao tử cho Vifoco.

doanh nghiep che bien nong san bac giang khat nguyen lieu
Điểm cân dưa chuột bao tử làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu, tại xã Cao Xá, huyện Tân Yên, Bắc Giang.

Theo ông Việt, khoảng 3 năm lại đây, cứ mỗi khi chuẩn bị vào vụ chế biến hàng xuất khẩu, doanh nghiệp lại lo ngay ngáy làm sao có đủ nguyên liệu để sản xuất. Không chỉ Vifoco “khát” nguyên liệu, mà các doanh nghiệp cùng ngành trên địa bàn tỉnh Bắc Giang như Công ty cổ phần Chế biến nông sản xuất khẩu GOC, Công ty cổ phần Thuốc lá Bắc Giang, Công ty Phương Đông... cũng trong tình trạng như vậy. Có những năm thời tiết không thuận, các doanh nghiệp phải cạnh tranh nhau về giá, hoặc phải thu mua nguyên liệu từ tỉnh ngoài khiến chi phí nguyên liệu đội lên “ăn” hết lợi nhuận. Thậm chí dù không có lãi doanh nghiệp vẫn phải làm bởi đơn hàng đã ký với đối tác và quan trọng hơn là phải làm để giữ uy tín với đối tác.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Chế biến nông sản xuất khẩu GOC cho biết, kể từ khi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến tại Bắc Giang (gần 10 năm) thì đã xây dựng vùng nguyên liệu. Nhiều giải pháp, mô hình liên kết với nông dân đã được đưa ra, mới đây áp dụng cả giải pháp thuê lại đất của nông dân, thuê hợp tác xã sở tại quản lý, phát triển vùng nguyên liệu, nhưng cũng không thành công. “Chúng tôi đang áp dụng giải pháp mới, đó là giúp các hộ nông dân có điều kiện tích tụ ruông đất rộng từ 5 - 10 ha, để lập dự án đề nghị tỉnh áp dụng cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”, ông Tuấn cho biết.

Lý do Bắc Giang dù có lợi thế nhưng chưa xây dựng được vùng nguyên liệu nào chuyên nghiệp là do bà con nông dân vẫn chưa thoát khỏi tư duy sản xuất manh mún, chưa quen với các mô hình trồng nông sản xuất khẩu. “Chúng tôi rất sốt ruột, thị trường xuất khẩu nông sản như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Đức, Ả rập... Có nhu cầu lớn, doanh nghiệp đã đưa được sản phẩm vào các thị trường này, nhưng vùng nguyên liệu không đáp ứng được”, ông Tuấn nói.

Ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu

Theo ông Nguyễn Xuân Việt, các doanh nghiệp trên địa bàn đang cần tỉnh vào cuộc tích cực, thực chất để phát triển vùng nguyên liệu. Bởi 5 năm trở lại đây, trong bối cảnh thị trường Nga (chủ lực tiêu thụ sản phẩm dưa chuột bao tử chế biến) suy giảm, các doanh nghiệp đã phải rất nỗ lực xúc tiến mở rộng thị trường mới, tái cơ cấu quản trị sản xuất nên nguồn lực đã tới hạn. Nếu tiếp tục phải san sẻ nguồn lực vốn đang nhỏ bé để lo vùng nguyên liệu nữa thì gặp lúc thị trường không thuận doanh nghiệp có thể không gượng nổi.

Ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khó khăn của các doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã nắm được. Chính vì vậy tỉnh đang yêu cầu các doanh nghiệp lập dự án phát triển vùng nguyên liệu, thông qua Sở KH&ĐT và Sở NN&PTNT để có chính sách hỗ trợ. Về cơ chế chung, Nhà nước đã có chính sách, trước hết là Nghị định 210/2013/NĐ - CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ví dụ, doanh nghiệp khi xây dựng vùng nguyên liệu mà có hợp đồng liên kết sản xuất nguyên liệu ổn định với người dân được ưu tiên trước xem xét ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. “Đối với tỉnh, tuy ngân sách hạn hẹp, nhưng cũng đã quyết định hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn 50% giá trị, khi doanh nghiệp trên địa bàn đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến hiện đại. Và Vifoco là một trong những doanh nghiệp sẽ được nhận hỗ trợ này. Cạnh đó, Vifoco cũng đang xây dựng dự án vùng nguyên liệu, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ trong việc thu hồi đất để triển khai vùng nguyên liệu”, ông Phượng cho biết.

Vẫn theo ông Phượng, hiện chính sách hỗ trợ của tỉnh đang triển khai: Một là Nhà nước làm toàn bộ quy hoạch bộ vùng nguyên liệu; hai là hỗ trợ kỹ thuật, toàn bộ những vùng sản xuất rau tiêu dùng, rau xuất khẩu (hỗ trợ kỹ thuật trồng, chứng nhận tiêu chuẩn) đảm bảo sản phẩm cho DN mua đạt chất lượng chế biến; ba là có đề án hỗ trợ trực tiếp nông dân. Ví dụ đối với vùng sản xuất dưa bao tử, cà chua bi, nông dân sản xuất 1 ha thì được hỗ trợ 3 triệu đồng. Bên cạnh đó cấp giống, hỗ trợ xây dựng hạ tầng... Gần đây là chính sách hỗ trợ dồn điền, đổi thửa, tỉnh đang vận động, khuyến khích nông dân góp đất cho DN thuê. Mỗi năm sản xuất bao nhiêu, DN trả bằng như vậy, rồi DN lại thuê bà con sản xuất.

Với cách làm này tỉnh hướng đến việc xây dựng cánh đồng mẫu, quy mô sản xuất lớn, liên kết với doanh nghiệp... “Tôi cho rằng, những cơ chế hỗ trợ như trên, tới đây sẽ kích thích được nông nghiệp của tỉnh phát triển. Thực tế thời gian qua cho thấy, các chính sách tỉnh đã và đang triển khai được người dân, DN đồng tình”, ông Phượng nói.

Xuân Hương