|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hàng giả trên TikTok Shop được bán bởi người nổi tiếng

08:10 | 30/12/2022
Chia sẻ
Nhiều người dùng TikTok đã lên tiếng phàn nàn về sản phẩm họ mua trên nền tảng TikTok Shop khác xa so với loại chính hãng mà họ từng sở hữu.

Mới đây, Estée Lauder Vietnam và MAC Vietnam đã lên tiếng về việc những người sáng tạo nội dung bán hàng không rõ nguồn gốc trên TikTok Shop, gây ảnh hưởng tới hai thương hiệu này.

"Estée Lauder Vietnam nhận thấy càng nhiều thủ đoạn tinh vi để lừa đảo khách hàng và bán hàng giả, thậm chí bán hàng qua những KOL (Key Opinion Leader - người có tầm ảnh hưởng) hàng triệu follow (theo dõi) trên nền tảng TikTok", phía Estée Lauder Vietnam đưa ra cảnh báo sau khi đơn vị này mua sản phẩm từ TikToker bị tố bán hàng giả, để đối chứng.

Sau khi kiểm chứng, Estée Lauder Vietnam cho biết sản phẩm giả được gửi từ một kho hàng tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Sản phẩm này có màu nhạt lợn cợn, trong suốt, mùi chanh nhân tạo. Đặc biệt logo thương hiệu Estée Lauder bị thiếu dấu gạch ngang trên thân.

Thương hiệu này cũng khẳng định sản phẩm của họ chỉ được bán trên kênh website, fanpage Facebook và sàn thương mại điện tử Lazada. Estée Lauder Vietnam cho biết thương hiệu chưa có gian hàng chính thức trên TikTok Shop và cũng không bán hàng thông qua các TikToker.

Hai thương hiệu mỹ phẩm tố TikToker bán hàng giả, không rõ nguồn gốc. (Ảnh: Estée Lauder và MAC Vietnam).

Cùng với Estée Lauder Vietnam, thương hiệu mỹ phẩm MAC cũng lên tiếng cảnh báo tình trạng hàng giả, nhái thương hiệu này xuất hiện trên TikTok Shop.

"Nhu cầu mua sắm mỹ phẩm làm đẹp dịp lễ Tết cũng ngày càng tăng cao kèm theo nhiều rủi ro tiềm ẩn khi sử dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Chính vì vậy, chung tay cùng MAC nói không với các thủ đoạn lừa đảo lòng tin khách hàng - bán hàng giả/không rõ nguồn gốc, thậm chí bán hàng qua những KOL nổi tiếng hàng triệu follow trên nền tảng TikTok", thương hiệu này tuyên bố.

Theo chúng tôi tìm hiểu, TikTok Shop sẽ tiến hành khóa tài khoản nếu phát hiện nhà bán hàng có hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái. Hiện người viết đã liên hệ với phía TikTok Shop để bình luận về vụ việc, công ty cho biết đang xác minh và chưa đưa ra câu trả lời cụ thể.

Vấn nạn mỹ phẩm giá rẻ trên TikTok Shop không chỉ diễn ra tại Việt Nam. Hồi tháng 7, tờ Buzzfeed News đưa tin về vụ việc của Iman Hamid, một luật sư đang sống tại London (Anh).Hamid đã mua một thỏi son  bóng của NYX với giá 3,99 bảng Anh, rẻ gần bằng một nửa giá gốc của sản phẩm chính hãng, trên TikTok.

Tuy nhiêu, sau khi đối chiếu với sản phẩm mua tại cửa hàng, nữ luật sư này nhận thấy màu son của hai sản phẩm hoàn toàn khác biệt và ngoại hình không khớp.

"Tôi đã sử dụng sản phẩm này một lần và tôi có thể nói ngay từ lần đầu tiên sử dụng rằng đó là hàng giả, vì nó bị phai màu quá nhanh và mất màu,” Hamid nói. Nhiều người dùng TikTok khác cũng đã lên tiếng phàn nàn về sản phẩm họ mua trên nền tảng TikTok khác xa so với loại chính hãng mà họ từng sở hữu.

Hiện tại, trên nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop của TikTok, theo quan sát của chúng tôi, vẫn chưa có sự xuất hiện nhiều các gian hàng chính hãng của các thương hiệu lớn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Thanh Định, CSO (Giám đốc chiến lược) của thương hiệu mỹ phẩm dành cho nam giới - Nerman, một đơn vị có doanh số lọt top ngành hàng H&B (Healthy & Beauty - sức khoẻ và làm đẹp) trên TikTok Shop cho rằng nền tảng này có tiềm năng nhưng còn khá mới, do đó việc các thương hiệu lớn chưa xuất hiện trên này là điều có thể lý giải được.

"TikTok Shop là một nền tảng khá tiềm năng và còn khá mới, tương tự như Shopee trong những ngày đầu ở Việt Nam. Thời điểm đó, những thương hiệu lớn chưa có mặt, nhưng đến hiện tại các thương hiệu lớn hoặc hạng sang như Apple cũng đã có cửa hàng chính thức trên Shopee.

Nhìn qua Trung Quốc, các thương hiệu lớn không hề bỏ qua Douyin (nền tảng TikTok ở Trung Quốc). Ví dụ, thương hiệu Nude Skincare tổ chức livestream 24/24 trên Douyin. Vì thế, sớm hay muộn các thương hiệu lớn sẽ xuất hiện, lý do họ chưa có mặt là họ chờ TikTok Shop ổn định về vận hành, do nền tảng này gặp khá nhiều vấn đề về vận hành", ông Thanh Định nói.

Nhà sáng lập Nerman cho rằng trái ngược với một thương hiệu local brand (thương hiệu địa phương) như Nerman, các thương hiệu lớn không dễ dàng linh hoạt vận hành theo các sàn thương mại điện tử.

Về vấn đề quản lý hàng thật/giả, ông Thanh Định nhận xét cơ chế của TikTok Shop còn chưa chặt chẽ. Tuy nhiên, đây là vấn đề xuất hiện ở khắp mọi kênh bán hàng. Từ vị trí một thương hiệu chăm sóc sức khỏe, CSO Nerman cho biết hàng nhái không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu mà còn là vấn đề uy tín của thương hiệu.

"Nếu khách hàng tin đó là hàng thật thì cả phần thương hiệu của nhãn hàng cũng bị ảnh hưởng và khi khách hàng có trải nghiệm không tốt thì mặc định thương hiệu này không tốt. Vì vậy, việc quản trị hàng giả hàng nhái không thể chỉ đến từ các sàn, các kênh bán hàng mà chính nhãn hàng cũng cần chủ động quản lý và kiểm soát hàng mình bán ra để đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng", đại diện Nerman chia sẻ.

Thùy Trang