TikTok âm thầm khởi chạy TikTok Shop tại Mỹ
TikTok, ứng dụng xem video ngắn nổi tiếng thuộc sở hữu của gã khổng lồ internet Trung Quốc ByteDance, kỳ lân giá trị nhất thế giới, đã lặng lẽ tung ra một tính năng thương mại điện tử ở Mỹ khi đơn vị này tìm cách tăng doanh thu ở thị trường nước ngoài quan trọng nhất của mình bất chấp sự giám sát liên tục về mối quan hệ bị cáo buộc với chính quyền Bắc Kinh, theo South China Morning Post.
TikTok Shop, một tính năng thương mại điện tử được tích hợp trong ứng dụng TikTok, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch diễn ra trong khi người dùng đang xem các video ngắn và livestream, đang mời những người có ảnh hưởng và người bán ở Mỹ đăng ký tính năng mới, theo một thông báo trên trang web chính thức của TikTok.
Theo thông báo, bất kỳ công ty nào có tài liệu đăng ký công ty tại Mỹ, hoặc cá nhân có hộ chiếu cũng như giấy phép lái xe do phía cơ quan chức năng Mỹ cấp đều có thể đăng ký tính năng mới. Phí hoa hồng cho mỗi đơn hàng là 5%, sẽ được ưu đãi giảm xuống 1,8% trong 90 ngày đầu tiên. Theo trang web, các tài khoản TikTok tham gia tính năng này không có yêu cầu tối thiểu về số lượng người theo dõi.
Việc TikTok mở rộng từ một ứng dụng xem và tạo video ngắn sang nền tảng thương mại điện tử ở Mỹ diễn ra khi doanh nghiệp do công ty Trung Quốc sở hữu phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ một số chính trị gia phía Mỹ.
Thượng nghị sĩ Marco Rubiovà Đại diện Mike Gallagher, đã viết một bài bình luận trên tờ The Washington Post vào tuần trước kêu gọi lệnh cấm ứng dụng TikTok trên toàn lãnh thổ nước Mỹ với lý do lo ngại về các liên kết bị với chính quyền Bắc Kinh, cho phép cơ quan chức năng Trung Quốc xem dữ liệu người dùng TikTok ở Mỹ.
TikTok đa dạng hóa thị trường để tối đa hóa nguồn thu từ quảng cáo
Việc ra mắt TikTok Shop ở Mỹ, nơi ứng dụng xem video ngắn này có hơn 100 triệu người dùng đang hoạt động, cho thấy ByteDance đang tỏ ra dũng cảm bất chấp những sóng gió liên quan tới vấn đề chính trị. Tính năng thương mại điện tử đã được ra mắt vào năm ngoái tại Vương quốc Anh và Indonesia, sau đó được mở rộng ra tại 5 quốc gia Đông Nam Á khác trong năm nay, bao gồm Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Tháng trước, TikTok đã tin đăng tuyển dụng nhân sự cho một bộ phận thương mại điện tử ở Mỹ. Các phương tiện thông tin truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin rằng TikTok đã thuê lãnh đạo mới ở Brazil, một trong những thị trường nước ngoài lớn nhất của ứng dụng này.
Ellie Bamford, người đứng đầu bộ phận truyền thông và kết nối toàn cầu của công ty tư vấn và thiết kế R/GA, cho biết: “Do doanh thu từ quảng cáo xã hội tiêu chuẩn trên mọi nền tảng đang giảm, TikTok phải đa dạng hóa thị trường để cố gắng tận dụng tối đa nhu cầu còn lại ở các khu vực khác trên thế giới”.
Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew nói với một số nhân viên gần đây rằng TikTok đã cắt giảm mục tiêu doanh thu quảng cáo trong năm nay từ 12 tỷ USD xuống còn 10 tỷ USD.
Bản sửa đổi mục tiêu doanh thu không bao gồm các phân khúc kinh doanh nhỏ hơn như thương mại điện tử, người này nói thêm, đồng thời cho biết thêm rằng chưa rõ những mục tiêu doanh thu và lợi nhuận khác của TikTok có bị thay đổi hay không.
Việc cắt giảm mục tiêu doanh thu của công ty mạng xã hội này phản ánh sự sụt giảm trong chi tiêu về quảng cáo trên toàn thế giới khi các công ty và người tiêu dùng thắt chặt ngân sách để chuẩn bị đối phó với một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu tiềm ẩn.
Toàn bộ ngành quảng cáo kỹ thuật số của Mỹ cũng đang phải đối mặt với những vân đề khác nhau, điều này đã gây áp lực lên các nền tảng hàng đầu như Facebook và Snapchat, những đơn vị có doanh thu lớn từ quảng cáo.
Theo công ty nghiên cứu eMarketer, các nhà quảng cáo Mỹ được dự đoán sẽ chi 65,3 tỷ USD cho mạng xã hội trong năm nay, chỉ tăng 3,6%, tức tốc độ tăng trưởng chậm hơn khoảng 10 lần so với năm 2021.
Các hoạt động của TikTok tại Mỹ gần đây đã được cơ cấu lại để ít phụ thuộc vào quảng cáo hơn. Tổng giám đốc TikTok, Sandie Hawkins, người giám sát các hoạt động kinh doanh, bán hàng và tiếp thị, tuần trước đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu mới của TikTok Shop tại Mỹ, Financial Times đưa tin.
Những gã khổng lồ internet của Mỹ cũng đang tìm kiếm sự tăng trưởng ngoài lĩnh vực quảng cáo. Đầu tháng này, Snapchat và Amazon đã hợp tác để cung cấp trải nghiệm mua sắm thực tế tăng cường (AR) trong ứng dụng xã hội, trong khi YouTube cũng hợp tác với Shopify vào tháng 7 để triển khai tính năng mua sắm phát trực tuyến tích hợp.
Ông Bamford cho biết: “Trải nghiệm mua sắm trực tiếp đã trở nên hấp dẫn trên YouTube trong năm qua. TikTok có thể cung cấp hoạt động mua sắm với quy mô lớn hơn và có thể có nội dung tạo hơn nếu họ trung thực với thương hiệu của mình và không đánh mất yếu tố “giải trí”.