Doanh nghiệp cá tra niêm yết xoay chuyển thế cờ trước khó khăn thị trường EU, Mỹ
Doanh nghiệp cá tra gặp khó vì thị trường Mỹ, EU
Năm 2017, doanh nghiệp cá tra Việt Nam liên tục gặp khó ở hai thị trường chính là Mỹ và EU trong đó Mỹ là thị trường chủ lực. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2017, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 1,78 tỷ USD (1,43 tỷ EUR), tăng 4,3% so với năm 2016. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu sang hai thị trường quan trọng là Mỹ và EU giảm lần lượt là 11% và 22,3%.
Để có mặt ở thị trường Mỹ, sản phẩm cá tra phải đạt các yêu cầu về chất lượng và kiểm dịch theo Chương trình Thanh tra cá da trơn mà phía Mỹ đưa ra và áp dụng từ tháng 8/2017.
Không những thế, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ cũng phải chịu mức thuế chống bán phá giá khá cao, với mức thuế trong quyết định sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) là 2,39 USD/kg, cao gấp 3 lần so với POR12. Do đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ năm 2017 giảm gần 11%, xuống còn 387 triệu USD.
Tháng 1/2018, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết đã khiếu nại biện pháp chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng đối với cá tra, basa nhập khẩu từ Việt Nam lên WTO. Bên cạnh đó, cũng khiếu nại Mỹ vi phạm quy định của Hiệp định ADA do không thực hiện việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá cho một số doanh nghiệp Việt Nam.
Với thị trường EU, doanh nghiệp Việt gặp khó vì các hình ảnh sai lệch về cá tra Việt Nam trên truyền thông Tây Ban Nha khiến giá trị xuất khẩu 2017 giảm gần 23% còn 261 triệu USD. Thậm chí thị trường EU từng là thị trường hàng đầu xuất khẩu của Việt Nam đã bị Trung Quốc vượt mặt, tụt xuống vị trí thứ 3.
Người nuôi cá tra năm 2017 đã phải trải qua một năm với biến động mạnh về giá. Theo số liệu từ VASEP, từ mức giá trung bình 20.500 - 24.500 đồng/kg trong năm 2016 đến tháng 4, 5/2017 giá cá tra lên đến 28.000 - 28.500 đồng/kg. Sang quý II và III/2017, giá cá giảm nhiệt xuống mức từ 24.000 - 26.500 đồng/kg nhưng ngay quý cuối năm, giá cá tra tăng tiếp lên mức 29.000 - 31.500 đồng/kg. Giá cá tăng mạnh khiến có thời điểm cung không đủ cầu.
Doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận đếm trên đầu ngón tay
Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp |
Khó khăn về thị trường xuất khẩu đã khiến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cá tra giảm tốc năm 2017. "Vua cá tra" một thời là Công ty Cổ phần Hùng Vương (Mã: HVG) chịu lỗ đến 705 tỷ đồng do kinh doanh dưới giá vốn. Hay Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Mã: AGF) lỗ 187 tỷ đồng sau kiểm toán do điều chỉnh tăng chi phí dự phòng khoản phải thu khó đòi từ khách hàng.
Thống kê của người viết ghi nhận trong năm 2017, chỉ hai doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (Mã: IDI).
IDI bất ngờ đạt lợi nhuận gấp 3,5 lần so với 2016 lên 354 tỷ đồng. Lý giải nguyên nhân, Công ty cho biết quý IV/2017 là thời điểm giá cá tra nguyên liệu tăng kỷ lục so với mọi năm đạt từ 28.000 - 29.000 đồng/kg, trong khi đó IDI có nguồn cung nguyên liệu mạnh từ hình thức nuôi liên kết và chốt giá trước với hộ nông dân ở mức 20.000 - 21.000 đồng/kg. Nhờ vậy, với mỗi kg cá tra IDI đã lời 8.000 đồng so với giá mua trên thị trường, khiến lợi nhuận gộp quý IV tăng vọt 162% và lãi sau thuế riêng quý IV đã chiếm đến 37% cả năm.
Chuyển dịch thị trường, tìm sản phẩm mới để đối phó với khó khăn
Trong ngành cá tra, hiện Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp đứng đầu ngành về lợi nhuận cũng như thị phần xuất khẩu. Tính đến hết năm 2017, Vĩnh Hoàn nắm đến 15% thị phần xuất khẩu cá tra của Việt Nam và đứng thứ hai là Hùng Vương với 7%.
Tuy nhiên không ngoại lệ, mảng cá tra của Việt Nam gặp khó ở hai thị trường chính là Mỹ và EU trong năm qua cũng khiến Vĩnh Hoàn phải chuyển dịch xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ Latinh và sẽ là thị trường xuất khẩu chiến lược trong năm 2018 của Công ty.
Việc chuyển dịch mạnh sang thị trường Trung Quốc đưa giá trị xuất khẩu năm 2017 tăng 35% so với năm 2016, đạt 305 triệu USD và trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất hiện nay của Việt Nam.
Nguồn: VHC |
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch của Vĩnh Hoàn trong lần trao đổi với báo giới cho biết, dù xuất khẩu sang thị trường EU gặp khó khăn, nhưng các doanh nghiệp vẫn kiên trì khôi phục lại xuất khẩu ở thị trường này. Một số doanh nghiệp đã cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu bằng cách phát triển các sản phẩm mới, tăng sản phẩm cao cấp, có hàm lượng giá trị gia tăng cao nhằm lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.
Với Vĩnh Hoàn, Công ty đã có định hướng phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng với các sản phẩm như cá nướng tẩm sốt kabayaki, các sản phẩm tẩm bột, tẩm gia vị... Bên cạnh đó Công ty cũng thử sức với sản phẩm mới là gelatin và collagen từ cá năm 2015. Năm 2018, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu doanh thu sản phẩm giá trị gia tăng đạt 20 triệu USD, sản phẩm collagen và gelatin là 10 triệu USD.
Trung Quốc được dự báo là thị trường số 1 về xuất khẩu cá tra 2018
Năm 2018, VASEP dự báo Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam và giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam có thể đạt khoảng 1,85 tỷ USD.
Bà Trương Lệ Khanh - Chủ tịch Vĩnh Hoàn cho biết Trung Quốc sẽ là thị trường tiềm năng trong nhiều năm tới, nhất là ở phân khúc các nhà hàng, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh... Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là thị trường rất quan tâm về mặt chất lượng.
Bên cạnh là thị trường tiềm năng thì việc đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc cũng chịu rủi ro, đặc biệt là rủi ro trong thanh toán.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đề nghị chỉ đặt cọc khoảng 30% tổng tiền lô hàng cá tra, cộng với giá vận chuyển trung bình một lô hàng cá tra tới cửa khẩu khoảng 45 - 47 triệu đồng, nếu container tới cửa khẩu và nếu phía doanh nghiệp Trung Quốc không nhận hàng thì coi như mất trắng.