Doanh nghiệp BĐS đang quá 'say sưa' với trái phiếu?
Doanh nghiệp BĐS tìm nguồn vốn trong kênh trái phiếu. (Ảnh: Vietnamnet)
Từ năm 2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thông tin về việc thực hiện lộ trình siết tín dụng vào thị trường bất động sản (BĐS). Thời gian vừa qua, áp lực về nguồn vốn khi tín dụng bị thu hẹp đã khiến các doanh nghiệp địa ốc đau nhau tìm kiếm các phương án huy động vốn khác, trong đó có kênh phát hành trái phiếu.
Một phần cũng vì Chính phủ nới rộng hơn các điều kiện về phát hành trái phiếu doanh nghiệp nên kênh huy động vốn này cũng được các doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn. Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chỉ trong nửa đầu năm nay đã có khoảng 60 nghìn tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành.
Theo MBS, khối lượng TPDN mà nhóm ngành BĐS phát hành trong nửa đầu năm đạt 19,7 nghìn tỉ đồng, chiếm 28,3% tổng lượng TPDN phát hành từ đầu năm.
Có không ít doanh nghiệp địa ốc tham gia cuộc đua phát hành trái phiếu với lãi suất cao. Nếu như năm 2018, lãi suất TPDN phổ biến là 8,5 - 10%/năm thì đến nay, đã có những doanh nghiệp phát hành chào lãi suất trái phiếu từ 11 – 14,45%/năm
Cụ thể, gần đây, Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) đã liên tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đầu tư hàng loạt dự án với mức lãi suất cao.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, PDR đã thực hiện ba đợt phát hành trái phiếu, trong đó có đợt phát hành 200 tỉ đồng trái phiếu với kì hạn 1 năm vào tháng 3/2019 có lãi suất lên tới 14,45%/năm và hai đợt phát hành trái phiếu trong tháng 5 đã huy động lần lượt 100 tỉ đồng (kì hạn 1 năm lãi suất 12% và 550 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 5 năm lãi suất 10,5%).
Ngoài ra, thời gian vừa qua còn một số doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu với lãi suất trên 10% như Đất Xanh, Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Hưng Thịnh Land, Novaland,…
NHNN cảnh báo, nhà đầu tư nên sàng lọc trái phiếu
Trong khi "van" tín dụng BĐS bị siết chặt, những chuyển động tích cực từ thị trường TPDN nhằm giúp các doanh nghiệp giảm bớt sự lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng, nhưng rủi ro luôn đi cùng lãi suất hấp dẫn.
Mới đây, NHNN đã có công văn gửi các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư TPDN.
Theo đó, NHNN yêu cầu các nhà băng không được mua TPDN nhằm mục đích để cơ cấu lại nợ của doanh nghiệp phát hành.
Các ngân hàng cũng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh BĐS hoặc tăng qui mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS để hạn chế rủi ro.
NHNN cho biết, qua công tác quản lí về hoạt động ngân hàng trong các tháng đầu năm 2019, hoạt động đầu tư TPDN của các ngân hàng thương mại còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi một số ngân hàng có số dư đầu tư TPDN chiếm tỉ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh.
Ngoài ra, số dư đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực xây dựng, BĐS lớn khi thị trường BĐS chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, một số ngân hàng còn đầu tư trái phiếu với mục đích khác ở mức cao và biến động lớn, khó kiểm soát; tiếp tục đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành trong năm 2019.
Trao đổi với PV về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia kinh tế - ngân hàng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO cho biết, bất kể một lĩnh vực nào, dù tốt và an toàn cũng không được đầu tư quá nhiều.
Luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia kinh tế - ngân hàng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO.
Động thái của NHNN đang nói lên tình trạng ồ ạt đầu tư vào trái phiếu, do đó cần cảnh báo để hạn chế rủi ro. Nhất là khi BĐS và chứng khoán là những lĩnh vực vô cùng rủi ro.
Về việc thời gian qua có một số doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu với lãi suất cao, Luật sư Trương Thanh Đức nhận định: "Mức lãi suất này không phải là cao. Bởi hiện nay, các ngân hàng đều huy động trái phiếu dài hạn với lãi suất trên 10%, trong khi mua đầu tư TPDN rủi ro lớn, tiền gửi ngân hàng là an toàn nhất nên lãi suất của các doanh nghiệp phải lên tới mức đó mới huy động vốn được".
Ông Đức cho biết thêm, trái phiếu của những doanh nghiệp uy tín, có tài sản bảo đảm có thể bán với giá thấp còn trái phiếu của các doanh nghiệp càng nhỏ thì lãi suất càng phải cao.
"Người mua sẽ quyết định lựa chọn rủi ro và đương nhiên, sự nguy hiểm tăng theo lãi suất", ông Đức nói.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp ở mức trên 10% là hoàn toàn bình thường, doanh nghiệp nào tốt và uy tín thì lãi suất tối thiểu cũng phải bằng ngân hàng, không thể thấp hơn ngân hàng.
"Vấn đề là doanh nghiệp phải công khai minh bạch và thông tin trung thực. Nếu thông tin sai trái thì cần lên án và xử lí", ông Đức nhấn mạnh.
Thực tế, cuộc đua phát hành trái phiếu thời gian gần đây cũng có sự tham gia của các ngân hàng (Agribank , TPBank, SHB,…) khiến cho cơ hội hút vốn trung và dài hạn của các doanh nghiệp BĐS trở nên mong manh hơn. Bởi rõ ràng, các ngân hàng vẫn có lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp về sự uy tín và tính minh bạch.
Liên quan đến vấn đề này, theo luật sư Trương Thanh Đức, nếu mức độ an nếu bằng nhau thì lãi suất trái phiếu doanh nghiệp phải cao hơn ngân hàng bởi xét về lí, bao giờ ngân hàng cũng là số một và yên tâm nhất. Do đó, ngân hàng đã phát hành trái phiếu lãi suất 10% thì bên ngoài cũng phải phát hành với lãi suất 10,5% trở lên.