|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Độ giàu có của gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn, 'vua hàng hiệu' tài trợ hơn 36 tỉ đồng chống COVID-19 và hạn mặn

12:44 | 21/03/2020
Chia sẻ
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Chủ tịch Tập đoàn IPP, công ty kinh doanh hàng hiệu, hàng miễn thuế, rượu, thuốc lá ngoại số một Việt Nam; ngoài bán lẻ, IPPG còn tham gia đầu tư hạ tầng sân bay quốc tế Cam Ranh, và là cổ đông chiến lược lại Sasco - công ty dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất.

Mới đây, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn IPP thông báo sẽ ủng hộ 30 tỉ đồng nhằm đẩy lùi COVID-19 và hạn mặn. Ông cho biết sẽ dành 5 tỉ đồng giúp đỡ người dân miền Tây, 25 tỉ đồng còn lại được chuyển thành trang thiết bị cùng Chính phủ chống dịch.

Trước đó, IPPG cũng đã chi 6 tỉ đồng để hỗ trợ lắp đặt máy áp lực âm áp dụng trong điều trị COVID-19.

Ông Hạnh cho biết, bản thân tự thấy mình có trách nhiệm trong việc cùng  TP thực hiện những công việc đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Theo Chủ tịch IPPG, các doanh nghiệp hiện đang khó khăn, nhưng phải lùi một bước để tiến 10 bước, đảm bảo tăng trưởng GDP như Chính phủ mong đợi.

Bản thân ông Johnathan Hạnh Nguyễn có con gái Tiên Nguyễn mắc COVID-19 từ London (Anh), tuy nhiên ông cho biết vì tin tưởng y tế Việt Nam nên đã thuê chuyên cơ riêng đón con về nước. Hiện tại tình hình sức khỏe của Tiên Nguyễn đang tiến triển tốt, đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần một.

Johnathan Hạnh Nguyễn, Việt Kiều trở về nước đầu tư và con đường trở thành "Vua hàng hiệu"

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là một Việt kiều, chuyển sang sống tại Philippines từ năm 23 tuổi, sau đó du học tại Mỹ, trở về công tác trong lĩnh vực hàng không.

Độ giàu có của gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn, 'vua hàng hiệu' tài trợ hơn 36 tỉ đồng chống COVID-19 và hạn mặn - Ảnh 1.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch IPPG

Quãng thời gian làm việc tại Philippines Airlines và ông là người đã có nhiều nỗ lực trong việc đàm phán để mở tuyến bay chính thức giữa Việt Nam với Philippines vào năm 1985.

Năm 1986, ông sáng lập Công ty Liên Thái Bình Dương (tiền thân của IPPG), đầu tư hơn 500 triệu USD vào 30 dự án tại Việt Nam như nhà máy sơn, sản xuất dây khóa kéo, xuất khẩu đồ gia dụng, mây tre lá… 

Đến năm 1993, IPPG khai trương hai cửa hàng miễn thuế đầu tiên tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, ngoài ra còn làm nhiệm vụ tư vấn các sân bay nâng cấp chất lượng dịch vụ hàng không theo chuẩn quốc tế. 

Từ năm 2000, IPPG phát triển việc đưa các sản phẩm cao cấp quốc tế vào Việt Nam để đón đầu xu thế tiêu dùng. Công ty trở thành đối tác phân phối các thương hiệu rượu, thuốc lá uy tín, hiện đã phát triển hơn 300 điểm bán trên toàn quốc. 

Sau đó, ông Johnathan cùng vợ là bà Lê Hồng Thủy Tiên (Tổng giám đốc IPPG) quyết định mở rộng bán lẻ thời trang cao cấp, thành lập công ty DAFC phân phối hàng chục thương hiệu thời trang danh tiếng. Từ đó, IPPG phát triển phân khúc thời trang trung cấp thông qua công ty ACFC phân phối độc quyền hơn chục thương hiệu như Nike, CK, Levis…

Từ năm 2010, IPPG tiếp tục lấn sân sang kinh doanh đồ ăn nhanh với các thương hiệu như Domino's Pizza, Burger King, Dunkin’ Donuts, Popeyes đẩy mạnh phát triển chuỗi khắp các tỉnh, thành. Để đáp ứng chuỗi sản xuất, vận chuyển & cung ứng khép kín bảo đồng bộ chất lượng cho chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, ông Johnathan thành lập Công ty Dịch vụ Phân phối Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương.

Tiếp đó, IPPG mua lại khu mua sắm Rex Arcarde tại trung tâm TP HCM với số tiền khoảng 25 triệu USD. IPPG cũng thuê lại trung tâm thương mại Tràng Tiền (Tràng Tiền Plaza), đầu tư 45 triệu USD nâng cấp thành một trong những khu mua sắm hàng hiệu xa xỉ nhất Hà Nội. 

Đến tháng 9/2018, IPPG tiếp tục thêm mảng bán lẻ công nghệ khi khai trương cửa hàng eDiGi chuẩn Apple đầu tiên của Việt Nam. 

Theo cập nhật của người viết đến tháng 8/2017, vốn điều lệ của IPPG đạt mức 3.000 tỉ đồng. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chỉ còn sở hữu 1% công ty này dù khi thành lập đóng góp tới 90% vốn. 

Số cổ phần còn lại trong công ty được chuyển giao cho các thành viên trong gia đình, nhiều nhất là vợ ông - bà Lê Hồng Thủy Tiên 59%, hai con trai là Nguyễn Phi Long (Phillip Nguyễn) và Nguyễn Quốc Khánh (Louis Nguyễn, chồng diễn viên Tăng Thanh Hà) mỗi người 20%.

Không chỉ tên tuổi trong kinh doanh hàng hiệu, ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn gắn bó với ngành hàng không

Độ giàu có của gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn, 'vua hàng hiệu' tài trợ hơn 36 tỉ đồng chống COVID-19 và hạn mặn - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh của Sasco tăng trưởng tích cực kể từ sự xuất hiện của cổ đông chiến lược IPPG (Ảnh: Sasco)

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn có muối lương duyên sâu đậm với ngành hàng không từ những ngày làm việc tại Philippines. 

Tại Việt Nam, từ năm 2016, IPPG cùng 5 đối tác (trong đó có ACV, Vietjet Nasco, Yên Khánh và Việt Xuân Mới) cùng triển khai đầu tư Nhà ga Quốc tế - sân bay Cam Ranh (CRTC) với tổng mức 3.735 tỉ đồng, công suất có thể đạt 6 - 8 triệu hành khách/năm. Nhà ga này đã được khai trương từ tháng 6/2018, trong đó IPPG sở hữu chi phối 55%.

Một năm sau đó, IPPG trở thành cổ đông chiến lược của CTCP Dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất (Mã: SAS), cùng các đơn vị sở hữu hơn 45% vốn điều lệ. Từ tháng 5/2017, ông Hạnh chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT công ty này.Quay trở lại CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco - Mã: SAS) cho ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch. 

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm gần đây, đặc biệt sau sự xuất hiện của cổ đông chiến lược IPPG.

Năm 2019, Sasco đạt doanh thu thuần 2.895 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 373 tỉ đồng, tăng trưởng 9% so với năm trước đó. Biên lợi nhuận gộp của công ty này thuộc nhóm cao trong ngành hàng không, đạt 48%. 

Về cơ cấu, 46% doanh thu của công ty này từ các cửa hàng miễn thuế, số còn lại từ trung tâm thương mại 364 tỉ đồng, hoạt động phòng chờ 508 tỉ đồng và doanh thu khác 682 tỉ đồng. 

Trong đó hoạt động phòng chờ và hoạt động khác có mức biên lợi nhuận gộp lần lượt tới 80% và 68%. 

Đông A