|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Định giá công ty mẹ TikTok giảm 100 tỷ USD sau một năm trước sức ép lớn từ đối thủ

07:34 | 05/10/2023
Chia sẻ
Sự nổi lên của Facebook, YouTube trong lĩnh vực mạng xã hội video ngắn và lệnh cấm tại thị trường Indonesia đã đẩy TikTok vào khó khăn.

Theo tờ Wall Street Journal, công ty mẹ của ứng dụng TikTok - ByteDance đạt lợi nhuận gần 6 tỷ USD trong quý đầu tiên năm nay. Kết quả này có được nhờ thực hiện hàng loạt biện pháp cắt giảm chi phí.  

Đây là thông tin được tờ báo Mỹ dẫn nguồn từ tài liệu nội bộ gửi tới nhân viên của ByteDance. Theo đó, ByteDance đã giữ kín tình hình tài chính của công ty và tài liệu này cung cấp một góc nhìn chi tiết về tình hình hoạt động của công ty mẹ TikTok trong năm 2021, 2022 và quý I/2023.

 Trụ sở của ByteDance. (Ảnh: Getty Images).

Tờ WSJ gọi đây là cú đảo ngược khi ByteDance từng lỗ tới 7 tỷ USD trong năm 2021. Năm 2022, doanh thu của ByteDance tăng hơn 38% lên 85,2 tỷ USD vào năm 2022 và tạo ra 20 tỷ USD lợi nhuận. Báo cáo cho thấy công ty tăng doanh thu nhanh chóng đi kèm với động thái cắt giảm đáng kể chi phí tiếp thị, hành chính và nghiên cứu.  

Trong tài liệu gửi tới đội ngũ của mình, ByteDance cũng đề nghị mua lại cổ phiếu từ nhân viên hiện tại với giá 160 USD/cp. Công ty lưu ý rằng họ có 1,4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tương ứng với mức định giá là 223,5 tỷ USD. Con số này giảm gần 26% so với mức 300 tỷ USD một năm trước.

Hồi tháng 8, TikTok ra mắt TikTok Shop tại thị trường Mỹ và đây được xem là một nỗ lực giúp công ty tăng thêm doanh thu.

Tuy nhiên tại đây, TikTok cũng ngày càng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ đối thủ. Ông chủ Meta Mark Zuckerberg cho biết vào tháng 7, dịch vụ Reels của công ty đang đạt doanh thu hàng năm hơn 10 tỷ USD, tăng từ mức 3 tỷ USD vào năm 2022.Doanh thu 85,2 tỷ USD của ByteDance trong năm ngoái thấp hơn một chút so với con số 116,6 tỷ USD của Meta.

Alphabet, công ty sở hữu Google cho biết YouTube Shorts của họ hiện đã đạt hơn 2 tỷ người dùng mỗi tháng, tăng từ 1,5 tỷ của năm trước.

Tại khu vực Đông Nam Á, cụ thể là Indonesia, TikTok đã buộc phải ngừng hoạt động dịch vụ mua sắm trực tuyến do quy định mới của chính phủ nước này. Trước đó, TikTok từng rất kỳ vọng với khu vực Đông Nam Á khi cam kết đầu tư hàng tỷ đô la nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử.

Thùy Trang