Ngoài TikTok, hệ sinh thái ứng dụng của ByteDance đã bành trướng nhanh như thế nào?
Năm 2012, ByteDance được thành Zhang Yiming thành lập tại một căn hộ bốn phòng ngủ ở Bắc Kinh và đây là điểm bắt đầu cho một hành trình "bành trướng" của công ty Trung Quốc với cột trụ là ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok.
Là một kỹ sư phần mềm được đào tạo bài bản, Zhang bắt đầu với Jinri Toutiao (nền tảng cung cấp tin tức hàng ngày) - đây là một trang tổng hợp tin tức bằng tiếng Trung/Anh sử dụng thuật toán AI để truyền tải nội dung cho đối tượng người dùng Trung Quốc.
Nền tảng đầu tiên của ByteDance ngay lập tức gặp khó vì các cáo buộc đạo văn, sao chép thông tin mà không trả phí cho nhà sản xuất. Trong giai đoạn 2013-2017, các cáo buộc được báo chí Trung Quốc lẫn công ty Internet đưa ra với Toutiao.
Trong một tuyên bố vào năm 2014, Jinri Toutiao tuyên bố nền tảng này hoạt động như một công cụ tìm kiếm và "chỉ hợp tác với phương tiện truyền thông internet", do đó họ không vi phạm bản quyền.
Tuy nhiên, giải thích của Toutiao không thể thuyết phục được bất kỳ ai. Hệ quả là công ty buộc phải ký hợp đồng hợp tác với các phương tiện truyền thông truyền thống và mời các nhà sản xuất nội dung mở tài khoản trên nền tảng để phát triển nội dung của họ.
Công việc của Toutiao là sử dụng thuật toán AI để phân phối và sắp xếp các nội dung đó cho phù hợp với đối tượng người dùng - một thuật toán cốt lõi cho hệ sinh thái của ByteDance.
Theo công bố của Toutiao, tính đến tháng 12/2019, tổng số tài khoản Toutiao đã vượt quá 1,8 triệu, với trung bình 600.000 nội dung được xuất bản mỗi ngày.
Nền tảng này cũng phát triển thêm Toutiao Search và Wei Toutiao - các công cụ phục vụ xây dựng cộng đồng. Người dùng Wei Toutiao đã tạo ra hơn 20 triệu tương tác mỗi ngày, xuất bản gần 10 triệu bài và có hơn 10.000 người nổi tiếng đang hoạt động.
ByteDance được định vị là công ty toàn cầu
Tạm gác lại những lùm xùm ban đầu với Toutiao, trong giai đoạn 2015-21018, ByteDance bắt đầu thực hiện kế hoạch bành trướng toàn cầu. Năm 2015, ByteDance ra mắt TopBuzz, một nền tảng tương tự Toutiao cho thị trường Mỹ. Sau đó một năm, công ty này tiếp tục mua cổ phần của nền tảng phân phối tin tức BABE của Indonesia.
Tháng 9/2016, ByteDance chính thức ra mắt Douyin (hay còn được biết đến là phiên bản Trung Quốc của TikTok), cạnh tranh trực tiếp với đối thủ Kuaishou - thời điểm đó, Kuaishou đang hứng chịu nhiều chỉ trích liên quan đến nội dung. Trong hai năm sau đó, ByteDance liên tiếp thực hiện các thương vụ thâu tóm và sáp nhập những nền tảng cùng lĩnh vực với TikTok.
Đầu năm 2017, công ty có trụ sở ở Bắc Kinh thâu tóm nền tảng tạo video Flipagram của Mỹ. Đến tháng 5/2017, ByteDance ra mắt TikTok ở bên ngoài Trung Quốc Đại lục. Cuối năm đó, công ty chi gần 1 tỷ USD để thâu tóm startup chuyên tạo các video ngắn, hát nhép hay nhảy nhót có tên Musical.ly.
Đây là nước đi táo bạo của ByteDance khi họ xem Musical.ly là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của TikTok tại Mỹ. Tháng 8/20218, TikTok và Musical.ly sáp nhập dưới chung một cái tên là TikTok.
Hệ thống ứng dụng của ByteDance xoay quanh mục tiêu cốt lõi là giúp mọi người kết nối, tạo và sử dụng nội dung một cách dễ dàng. Công ty phân định rõ phạm vi hoạt động của hơn chục nền tảng dịch vụ, gồm Trung Quốc Đại lục và toàn cầu.
Ở thị trường toàn cầu, Byte cung cấp các dịch vụ như TikTok, CapCut (ứng dụng chỉnh sửa video), TikTok Shop (nền tảng TMĐT trên ứng dụng TikTok), Ulike (ứng dụng chỉnh sửa ảnh), Lark (nền tảng tích hợp các công cụ làm việc), Pico (công nghệ thực tế ảo tăng cường), mạng xã hội Helo, game Mobile Legends: Bang Bang...
Trong khi đó, hệ thống sản phẩm và dịch vụ dành riêng cho thị trường Trung Quốc, gồm Toutiao, Douyin, Fanqie (nền tảng đọc sách online), Xigua (nền tảng chia sẻ video), Feishu (tương tự Lark) và Thương mại điện tử Douyin giống như TikTok Shop.
Theo thống kê từ trang 86insider của Trung Quốc, ByteDance sở hữu hệ thống ứng dụng lên tới con số 27 ở cả nội địa lẫn nước ngoài, phục vụ trên các lĩnh vực, gồm mạng xã hội, tin tức, giáo dục, giải trí, ảnh và video cùng một số lĩnh vực khác.
Với động thái này, ByteDance đã nỗ lực để tự coi mình là một công ty toàn cầu thay vì một công ty Trung Quốc. Bên cạnh việc chia đôi thị trường, ByteDance thể hiện tính "toàn cầu" của mình thông qua việc 3/5 thành viên HĐQT đều là người nước ngoài.
Hiện tại, ByteDance cho biết họ có hơn 150.000 nhân viên làm việc tại gần 120 thành phố trên toàn cầu, bao gồm Austin, Barcelona, Bắc Kinh, Berlin, Dubai, Dublin, Hong Kong, Jakarta, London, Los Angeles, New York, Paris, Seattle, Seoul, Thượng Hải, Thâm Quyến, Singapore , và Tokyo.