|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Điều gì xảy ra khi phá giá VNĐ?

07:00 | 30/07/2018
Chia sẻ
Phá giá VNĐ có thể làm tăng sức cạnh tranh về giá đối với mặt hàng xuất khẩu trong nước trong ngắn hạn nhưng cũng có thể mang lại những hậu quả khó lường kéo theo như nguy cơ lạm phát bùng nổ, gia tăng gánh nặng nợ nước ngoài và việc "tháo chạy" của nguồn vốn quốc tế.
 
dieu gi xay ra khi pha gia vnd Áp lực với tiền đồng khi Trung Quốc liên tục phá giá nhân dân tệ
dieu gi xay ra khi pha gia vnd VEPR đề nghị phá giá VNĐ để giảm bớt việc hàng hoá Trung Quốc tràn vào Việt Nam

Tỷ giá biến động không ngừng

Thay vì một năm "lặng sóng" của tỷ giá (2017), hiện tỷ giá trở thành vấn đề "nóng hổi" được nhắc đến hàng ngày từ những phân tích, nhận định của các tổ chức, chuyên gia tài chính, kinh tế đến câu chuyện hàng ngày của những người kinh doanh bình thường.

dieu gi xay ra khi pha gia vnd
Điều gì xảy ra khi VNĐ mất giá?

Kết thúc năm 2017, tỷ giá trung tâm mới chỉ tăng 1,21% so với đầu năm trong khi giá USD tại các ngân hàng thương mại lại giảm nhẹ 0,18%, phổ biến quanh mức 22.680-22.750 đồng.

Năm 2018, các chuyên gia đã dự đoán mức giảm giá của VNĐ sẽ không quá 2%. Tuy nhiên, với biến động không ngừng của tỷ giá trong thời gian gần đây khiến các chuyên gia lo ngại vấn đề mất giá của VNĐ, từ đó nâng mức dự đoán biến động tỷ giá cuối năm từ 2% lên đến 3%.

dieu gi xay ra khi pha gia vnd
Nguồn: NHNN, Vietcombank, SSI

Tính đến 27/7, tỷ giá USD/VNĐ liên ngân hàng đã tăng lên 23.215; cao hơn 0,7% so với đầu tuần và 2,21% so với đầu năm. Tỷ giá trung tâm được ấn định ở 22.649 thay vì 22.660 vào thứ 6 tuần trước. Trong khi đó, tỷ giá USD/VND tự do tăng vọt lên mức 23.410 VNĐ/USD, mức cao nhất từ trước tới nay.

Trên thị trường quốc tế, chỉ số Dollar Index (cho biết sức mạnh của đồng USD thông qua diễn biến tỷ giá giữa đồng bạc xanh và 6 đồng tiền chủ chốt) tăng 0,58% lên 94,78 điểm. Nhiều đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi (Indonesia , Ấn Độ, Philippine, Thổ Nhĩ Kỳ , Argentina) giảm mạnh so với USD.

Phá giá VNĐ có làm tăng sức cạnh tranh của hàng hoá Việt?

Trong một buổi toạ đàm gần đây, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã gợi ý một chính sách giảm giá đồng VNĐ đối với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá của đồng NDT so với USD. Theo lý giải của VEPR, đồng VNĐ vẫn đang được neo giá theo đồng USD và khi đồng NDT mất giá mạnh, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt chảy vào thị trường nội địa.

Với việc điều chỉnh tỷ giá như vậy sẽ có lợi cho việc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc (đây là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam) và xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Theo lý thuyết, mất giá tiền tệ sẽ giúp cho hàng hoá trong nước trở nên "rẻ" hơn và hàng hoá nhập khẩu lại đắt lên tương đối, từ đó nâng cao sức cạnh tranh hàng xuất khẩu của nước đó. Chính sách này sẽ giúp cho NHNN có thể điều chỉnh tỷ giá và cán cân thương mại mà không cần phải chờ đợi thị trường tự điều chỉnh chủ động trong việc kiểm soát cán cân thương mại.

Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng đồng tình với quan điểm này của VEPR. Theo phân tích của công ty chứng khoán SSI và HSC, cần có một cái nhìn dài và tổng thể hơn về việc giảm giá VNĐ để hỗ trợ xuất khẩu. Nhiều chuyên gia cho rằng phá giá tiền đồng có thể có những kết quả nhất định nhưng chỉ có tác dụng trong ngắn hạn.

Phá giá VNĐ chưa chắc làm cho hàng xuất khẩu trong nước cạnh tranh hơn so với các nước khác mà còn có thể gây ra áp lực lạm phát đối với nền kinh tế khi giá cả hàng hoá bị đẩy lên cao, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Lịch sử đã xảy ra trong năm 2011 khi VNĐ phá giá mạnh (tỷ giá tăng 9,3%) kéo theo lạm phát bùng nổ gần 18,6% trong một năm.

dieu gi xay ra khi pha gia vnd
Nguồn: Bloomberg, SSI

Cơ sở cho quan điểm này là khi VNĐ phá giá thì các nước khác có khả năng cũng phá giá theo. Mặc dù các đồng tiền trong khu vực mất giá nhanh hơn VNĐ khi so với USD trong thời gian qua nhưng lại lên giá khá nhiều so với VNĐ trong khoảng thời gian 1 năm. Điều này có nghĩa xuất khẩu Việt nam đã được hưởng lợi trong một thời gian dài.

Trong khi đó Việt nam lại không giảm được lượng hàng nhập khẩu do rất nhiều loại nhập khẩu là đầu vào quan trọng không thay thế được. Nhiều nguyên liệu ngoại nhập là đầu vào của sản xuất, phá giá VNĐ đồng nghĩa với nâng cao chi phí nguyên vật liệu và tăng giá thành sản phẩm đầu ra.

Tăng áp lực trả nợ nước ngoài

Một vấn đề cần cân nhắc đến là áp lực trả nợ nước ngoài của Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, lượng vay nợ ngoại tệ của Việt Nam là rất lớn, phá giá làm tăng các khoản chi trả nợ nước ngoài.

Đến cuối 2017, tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia là 2.451 triệu tỷ đồng, bằng 49% GDP, vẫn nằm trong giới hạn cho phép là dưới 50% GDP. Tuy nhiên, chỉ số nợ nước ngoài của quốc gia có xu hướng tăng so với 2016 và tiệm cận ngưỡng nợ nước ngoài của quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt.

Năm 2017, các khoản chi trả nợ nước ngoài của Việt Nam chiếm 36% trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, vượt ngưỡng 25% do Chính phủ đặt ra. Theo kế hoạch năm 2018, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trực tiếp của ngân sách 40.206 tỷ đồng. Nếu phá giá, con số này sẽ càng tăng mạnh, ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính trong nước.

Ngoài ra, việc phá giá đồng tiền quốc gia, nhất là đối với những quốc gia đang phát triển sẽ là dấu hiệu cảnh báo cho mức độ rủi ro cao đối với các nhà đầu tư nước ngoài, điều này dẫn đến dòng vốn quốc tế có thể "tháo chạy" khỏi thị trường Việt Nam.

Xem thêm

Diệp Bình

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.