|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Quy mô nợ công tăng với tốc độ trung bình 10% mỗi năm

14:41 | 04/11/2018
Chia sẻ
Tốc độ gia tăng quy mô nợ công đã giảm từ mức 18,4%/năm giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 10%/năm kể từ năm 2016 đến nay.
quy mo no cong tang voi toc do trung binh 10 moi nam
Nợ công đến cuối năm 2018 dự kiến ở mức 61,4% GDP.

Ông Trương Hùng Long– Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn cho phép. Dự kiến tỷ lệ nợ công đến cuối năm 2018 ở mức 61,4% GDP (giảm từ mức cuối năm 2016 là 63,7% GDP, mức trần đặt ra là không quá 65%), nợ Chính phủ ở mức 52,1% GDP (mức trần là không quá 54%).

"Bước đầu kiềm chế tốc độ gia tăng quy mô nợ công, từ mức 18,4%/năm giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 10%/năm kể từ năm 2016 đến nay", ông Long cho biết.

Theo ông Long, trong giai đoạn 2016-2018, cơ cấu vay của Chính phủ được tiếp tục thực hiện theo hướng tăng dần tỷ trọng huy động vốn vay trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Huy động vốn vay trong nước trung bình giai đoạn 2016-2018 đáp ứng khoảng 76% nhu cầu huy động vốn của Chính phủ.

Dự kiến đến cuối năm 2018, tỷ trọng dư nợ trong nước của Chính phủ chiếm khoảng 60% và nợ nước ngoài khoảng 40% (so với tỷ lệ 45% nợ trong nước và 55% nợ nước ngoài vào năm 2015).

Liên quan tới việc trả nợ công, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ công là nội dung được quan tâm, thực hiện bởi cả các cơ quan của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, cũng như các đoàn thanh tra, kiểm tra giám sát của các bộ ngành, địa phương.

Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, trả nợ công được thực hiện ngay từ khâu đề xuất, trong quá trình giải ngân, sử dụng vốn vay thực hiện dự án và sau khi hoàn thành dự án.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, mặc dù công tác quản lý nợ công đã đạt được một số kết quả tích cực trong thời gian qua, song cần tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong thời gian tới do cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn; áp lực huy động vốn cho đầu tư phát triển là rất lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững; bên cạnh đó chi phí vay vốn nước ngoài có xu hướng tăng do Việt Nam đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình.

Bên cạnh đó, mặc dù các chỉ tiêu nợ vẫn trong giới hạn cho phép, tỷ trọng và tốc độ gia tăng nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ bảo lãnh Chính phủ đã giảm, song theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong các năm 2017 và 2018, nợ nước ngoài của các doanh nghiệp theo hình thức tự vay tự trả tăng đột biến.

"Đây là nguyên nhân chính dẫn đến chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia tăng nhanh, tiệm cận ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép", ông Long nói.

Tuy các khoản nợ tự vay, tự trả nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng không thuộc phạm vi nợ công, song theo đại diện Bộ Tài chính, đây là một cấu phần trong nợ nước ngoài của quốc gia và có ảnh hưởng quan trọng đến ổn định vĩ mô, an ninh tài chính quốc gia. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát các khoản vay nước ngoài tự vay, tự trả để bảo đảm chỉ tiêu này trong giới hạn cho phép.

"Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ, nâng cao quản lý việc huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển; thực hiện vay nợ trong phạm vi kế hoạch hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm soát chặt chẽ việc vay về cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ", ông nói thêm.

Xem thêm

Phương Dung

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.