|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỷ giá: thà một lần đau

21:00 | 26/07/2018
Chia sẻ
Không giống như những lần “nổi sóng” trước trong vòng ba năm qua, lần này tỷ giá hối đoái đang thách thức nhà điều hành và “diễu võ giương oai” bằng những ưu thế đi kèm có được từ ảnh hưởng của thị trường tài chính thế giới.
ty gia tha mot lan dau
Tỷ giá hối đoái đang thách thức nhà điều hành và “diễu võ giương oai” bằng những ưu thế đi kèm có được từ ảnh hưởng của thị trường tài chính thế giới. Ảnh: Thành Hoa

Ngày 24-7-2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng giá bán ngoại tệ lên 23.284 đồng, tăng 1,015 % so với giá niêm yết trước đó. Động thái này diễn ra sau khi Trung Quốc ngày 20-7-2018 đã tăng 0,9% tỷ giá đô la Mỹ/nhân dân tệ lên 6,7671, đồng thời bơm 74 tỉ đô la Mỹ cho các ngân hàng thông qua thị trường mở. Tốc độ mất giá của đồng tệ đang trở nên nhanh hơn và đã rơi xuống 6,82 tệ/đô la Mỹ ngày 24-7-2018.

Hành xử theo vận động của thị trường có lẽ là chưa đủ, NHNN cần tiếp tục và mạnh mẽ đi trước một bước để chủ động thiết lập vùng biến động trong tầm kiểm soát cho tỷ giá.

Một phần ba tổng trạng thái ngoại hối

Các ngân hàng cho biết vừa qua đã nhập về một lượng ngoại tệ mặt tương đối lớn, lên tới hàng tỷ đô la Mỹ, để phục vụ nhu cầu trong nước. Thông thường khi ngoại tệ mặt nhập về lớn như vậy, cầu ngoại tệ của dân cư và tổ chức kinh tế sẽ "nguội" nhanh chóng. Thực tế hiện tại không như vậy.

Theo trang web NHNN, đến ngày 31-5-2018 tổng vốn tự có của toàn hệ thống ngân hàng là 749.548 tỉ đồng. Trạng thái ngoại tệ tối đa mà các ngân hàng được phép nắm giữ là 20% vốn tự có, tương đương 149.909 tỉ đồng, tức 6,5 tỉ đô la Mỹ (tính theo tỷ giá bán ra của Sở Giao dịch NHNN 23.050 đồng/đô la Mỹ).

Trong sáu ngày từ 13 đến 20-7-2018 NHNN bán cho các ngân hàng tổng cộng 2,12 tỉ đô la Mỹ, bằng một phần ba tổng trạng thái ngoại hối tối đa của các tổ chức tín dụng. Quy định cho phép các ngân hàng không bắt buộc phải giữ trạng thái ngoại hối tối đa, mà chỉ cần đảm bảo trạng thái ngoại hối dương, từ 0,1% trở lên cũng là dương. Những ngân hàng trạng thái ngoại hối âm có quyền đăng ký mua ngoại tệ và được NHNN đáp ứng để đưa trạng thái trở lại dương. Còn dương ở mức nào thuộc quyết định của cơ quan quản lý. Về phía mình, trong điều kiện tỷ giá biến động, các ngân hàng luôn cố gắng để trạng thái ngoại hối dương tối đa.

Trạng thái ngoại hối thay đổi từng ngày, phụ thuộc vào nhu cầu khách hàng. NHNN bán ra tới một phần ba trạng thái cho các ngân hàng, tức là nhu cầu đang rất mạnh. Có ngày NHNN bán tới 900 triệu đô la Mỹ. Nhìn lại nửa đầu năm, nhà điều hành mua vào 11,5 tỉ đô la Mỹ, trong đó có gần 5 tỉ đô la Mỹ của thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco. Năm tỉ đô la Mỹ được đối tác mua Sabeco vay của nước ngoài và được tính vào nợ vay nước ngoài của doanh nghiệp (vì thế vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp năm ngoái tăng vọt theo báo cáo của Bộ Tài chính). Đã vay thì sẽ có trả.

Trừ 5 tỉ đô la Mỹ kể trên, số lượng ngoại tệ NHNN mua được khoảng 6,5 tỉ đô la Mỹ, đúng bằng tổng trạng thái ngoại hối của hệ thống. Nay một phần ba đã bán ra để trả lại thị trường. Hai phần ba còn lại có bán tiếp không? bán như thế nào? với giá nào và tiến độ ra sao? Phụ thuộc chủ yếu vào cung cầu thị trường. Nếu xài hết phần còn lại, mà cung cầu vẫn chưa cân bằng, không loại trừ khả năng NHNN phải sử dụng đến phần ngoại tệ mua vào của năm ngoái.

Yếu tố khó nắm bắt

Những lần trước “sóng” tỷ giá ngắn và nó thường bắt đầu từ thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Lần này nó bắt nguồn từ thị trường tự do và cầu thị trường tự do “leo thang” bền bỉ, dẫn đến tỷ giá ngân hàng chuyển động theo. Ngày 24-7-2018 giá mua/bán thị trường tự do tương ứng 23.400/23.440 đồng/đô la Mỹ. Chỉ có thể nói rằng tỷ giá trên thị trường tự do đã “nhạy cảm” hơn.

Nguồn ngoại tệ trên thị trường tự do là tiền mặt. Tỷ giá thị trường tự do “chạy” chứng tỏ cầu đang vượt cung. Đối tượng mua ngoại tệ trên thị trường tự do là những người không thể mua được ngoại tệ ở ngân hàng. Trong số này có một phần không nhỏ và không tính toán được số liệu chính xác là carry trade (hiểu nôm na là kinh doanh chênh lệch lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ trong điều kiện tỷ giá ổn định). Những năm trước, đồng Việt Nam chỉ mất giá khoảng 1%/năm so với đô la Mỹ, đô la Mỹ được chuyển vào Việt Nam, đổi ra tiền đồng, gửi tiết kiệm, hưởng lãi suất tiền đồng cao. Ngoại tệ từ bên ngoài chuyển vào Việt Nam qua ngân hàng bao nhiêu cũng được, nhưng chuyển ra thì không được (trừ chuyển tiền du học, định cư, cho thân nhân ở nước ngoài với số lượng hạn chế. Chẳng hạn bố mẹ gửi cho con, vợ chồng gửi cho nhau được tối đa 7.000 đô la Mỹ/người/năm - NV). Tuy vậy, ngoại tệ bằng cách nào đó, qua nhiều ngả, vẫn ra khỏi Việt Nam. Trước carry trade chuyển vào, nay carry trade chuyển ra.

Carry trade chuyển ngoại tệ ra là một ẩn số của kinh tế ngầm, mà quy mô của nó không thể nắm bắt, chỉ có thể ước lượng. Các ngân hàng cho biết vừa qua đã nhập về một lượng ngoại tệ mặt tương đối lớn, lên tới hàng tỷ đô la Mỹ, để phục vụ nhu cầu trong nước. Thông thường khi ngoại tệ mặt nhập về lớn như vậy, cầu ngoại tệ của dân cư và tổ chức kinh tế sẽ “nguội” nhanh chóng. Thực tế hiện tại không như vậy. Một số ngân hàng kể cả Vietcombank mới đây đã giảm lượng ngoại tệ bán cho người dân đi du lịch nước ngoài từ tối đa 5.000 đô la Mỹ xuống 100 đô la Mỹ/ngày. Thí dụ bạn đi du lịch nước ngoài một tuần, ngân hàng bán cho bạn 700 đô la Mỹ. Muốn mua 5.000 đô la Mỹ đi du lịch tại một ngân hàng 100% vốn ngoại ở TPHCM thì người mua phải có tài khoản tiền đồng tại đây, còn mua trả bằng tiền mặt thì ngân hàng không bán. Người mua đề nghị mở tài khoản tiền đồng thì được nhân viên tại quầy trả lời “mất một tuần”. Cô khuyên khách hàng nên đến ngân hàng Việt Nam để mua.

Mạnh tay hơn

Bán ra ngoại tệ, chỉ sáu ngày NHNN hút về gần 49.000 tỉ đồng mà không phải chi một đồng nào trả lãi suất như phát hành tín phiếu. Ngay lập tức lãi suất tiền đồng qua đêm trên thị trường liên ngân hàng “nhảy” lên 3,22%/năm, gấp bốn lần cách đó vài tuần. Bộ phận ngân quỹ và kinh doanh ngoại hối của hầu hết các ngân hàng dự báo lãi suất qua đêm tiền đồng liên ngân hàng sẽ còn tăng, có thể tới 4-5%/năm không chừng.

Giới tài chính và quan sát nhận xét việc NHNN nâng giá bán ngoại tệ là hợp lý để tạo dư địa cho tỷ giá liên ngân hàng “vùng vẫy”. Tỷ giá chuyển khoản niêm yết bán ra và tỷ giá liên ngân hàng hiện dao động quanh 23.250-23.290 đồng/đô la Mỹ. Câu hỏi đặt ra là liệu ở vùng giá này thị trường có tự cân bằng được? Hay chỉ một thời gian ngắn nữa các ngân hàng lại đăng ký mua ngoại tệ theo giá bán mới của NHNN?

Giờ đây tỷ giá đã có bước ngoặt, đòi hỏi cơ quan quản lý mạnh tay hơn, chắc tay hơn. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không diễn ra đơn độc. Nó đang kéo theo chiến tranh tiền tệ, nơi “chiến trường” quốc tế mà đồng Việt Nam không có tiếng nói trọng lượng do chưa chuyển đổi được. Sức ép lên giá của đô la Mỹ đối với tiền đồng là một áp lực nặng nề. Việc mất giá của đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ còn sát sườn hơn. Từ đầu năm đến nay đồng Việt Nam giảm giá 2,57% so với đô la Mỹ (tỷ giá chính thức) và 3,03% (tỷ giá thị trường tự do) trong khi cùng thời gian đồng tệ mất giá 4,92%.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã không can thiệp khi nhân dân tệ giảm giá bởi đây là công cụ đối phó hữu hiệu với việc Mỹ tuyên bố sẽ đánh thuế tiếp lên 500 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ. Họ thậm chí đang gián tiếp tạo điều kiện để đồng tệ giảm giá sâu hơn.

Trong bối cảnh trên, phương thức điều hành tỷ giá bám sát diễn biến thị trường quốc tế của NHNN có lẽ phải nhìn trước trông sau thông qua mở rộng biên độ dao động, tạo khoảng trống linh hoạt hơn để cung cầu tự cân bằng. Lúc này kỳ vọng tâm lý của thị trường vào tỷ giá vẫn lớn bất chấp sự can thiệp không hề nhỏ của NHNN. Nếu tiếp tục bán ra đô la Mỹ ở mức giá hiện tại, e rằng dự trữ ngoại hối có thể sẽ tụt giảm nhanh.

Xem thêm

Hải Lý