|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Điều gì thực sự xảy ra khi bạn trả lại các đơn hàng quần áo mua trên mạng?

07:49 | 21/06/2022
Chia sẻ
Đặt quần áo từ những thương hiệu Trung Quốc như Shein thực sự dễ dàng. Gửi trả hàng lại là một câu chuyện khác.

Huang Qing, giám đốc sáng tạo của hãng đồ thể thao Voice of Insiders, tính toán tỉ mỉ cho từng chi tiết trong thiết kế. Thế nhưng, khi một món đồ được giao đi, đó cũng có thể là lần cuối cùng ông thấy nó, ngay cả khi khách hàng trả hàng. "Rất rắc rối để đưa hàng trở lại Trung Quốc với quá nhiều bước", ông nói với Rest of World.

Huang, một nhà thiết kế thời trang khác, cũng gặp phải vấn đề tương tự khi có hàng nghìn nhà bán quần áo Trung Quốc trên các sàn TMĐT như Amazon hay Shein. 4 nhà sản xuất quần áo ở Trung Quốc nói với Rest of World rằng họ thường cho phép khách hàng ở Mỹ giữ lại quần áo ngay cả khi họ cố gắng trả hàng như một cách để tiết kiệm chi phí và tránh được những cơn ác mộng về logistics.

Một số nói rằng họ gặp nhau trong một nhóm trò chuyện trên WeChat để chia sẻ kinh nghiệm về nơi xử lý hàng bị trả lại. Một số thì cho biết hàng bị trả lại hoặc tồn kho có thể được gửi theo lô đến các thị trường như Châu Phi hoặc bị đề nghị tiêu huỷ. Với Huang, trừ trường hợp món đồ đang được yêu thích, anh coi những mặt hàng bị trả lại là hàng không thể bán được nữa. Cộng hưởng với những vấn đề về chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra, các phương án khác đều không đáng đầu tư thời gian và công sức.

Hoạt động thương mại điện tử tăng mạnh trong đại dịch đi kèm với việc trả lại hàng hoá. Chỉ tính riêng ở Mỹ, lượng trả hàng trong năm 2021 của mặt hàng thời trang nhanh tăng 22% so với một năm trước đó, theo công ty phân tích bán lẻ Edited. Chi phí giao hàng thông thường còn cao hơn giá của những mặt hàng quần áo giá rẻ. Những lợi thế đến từ miễn thuế và giao hàng số lượng lớn vào Mỹ biến mất với trường hợp hàng gửi trả.

Với người mua, trả hàng trên các ứng dụng như Shein khá đơn giản. Trong ứng dụng Shein, người dùng trả lời lý do trả hàng và sau khi được duyệt, Shein sẽ cung cấp cho người dùng thông tin gửi hàng. Đến đây, quá trình này kết thúc đối với người mua.

Điều gì thực sự xảy ra khi bạn trả lại các đơn hàng quần áo mua trên mạng? - Ảnh 1.

(Nguồn: Rest of World/Liên đoàn bán lẻ quốc gia (Mỹ), Đồ hoạ: Thái Sơn).

Để đánh giá những hạn chế về mặt chuỗi cung ứng, trang Rest of World đã thảo luận với nhiều nhà sản xuất ở Trung Quốc, ghé thăm một khu chợ quần áo ở Nigieria và theo dõi đơn hàng gửi trả từ Mỹ của Shein. Trong bài viết này, phóng viên đã mua hàng và trả hàng từ Shein trong khi đó dùng Apple AirTag để theo dõi hành trình trả hàng của món đồ.

Mặt hàng đầu tiên là một chiếc áo cardigan (14,85 USD). Nó được hoàn tiền trong vòng 5 giờ kể từ khi đề nghị trả hàng trong ứng dụng Shein nhưng người mua được thông báo giữ lại món đồ. Mặt hàng thứ hai là một chiếc váy (9,36 USD). Với món đồ này, người mua nhận được hướng dẫn trong ứng dụng Shein để gửi hàng về một địa chỉ ngoại ô Newark, New Jersey.

Rest of World sử dụng AirTags để theo dõi quá trình trả hàng của món đồ thứ 3 và thứ 4: một chiếc áo dài tay (19,99 USD) và một chiếc váy cotton (9 USD).

Người mua được hoàn tiền ngay sau khi các món đồ được xác nhận đã về kho ở New Jersey. Kho này có cùng địa chỉ với một công ty nội thất Trung Quốc có tên Loye. (Một người phát ngôn của Shein nói rằng Shein không sở hữu nhà kho New Jersey hoặc có mối quan hệ nào với công ty nội thất nhưng có nhà kho ở Los Angeles).

Trong tháng 1, hai món đồ được gắn AirTags ở kho New Jersey gần 2 tuần trước khi lần lượt được chuyển tới California và Florida. Cả hai dường như đều được chuyển tới một địa chỉ của cư dân trước khi tín hiệu từ AirTag biến mất. Về phần mình, Shein không trả lời câu hỏi liệu các mặt hàng được trả về từ Mỹ có được bán cho các khách hàng mới ở chính quốc gia này hay không.

Theo bà Elizabeth Shobert, phó chủ tịch chiến lược marketing và kỹ thuật số của StyleSage, các món đồ hoàn lại thường gây phát sinh thêm chi phí bằng 2/3 mức giá ban đầu. "Đơn giản là họ đã xây dựng mô hình lợi nhuận của mình rằng nếu họ phải vứt bỏ các các món đồ không bán được thì chi phí cũng đã được tính toán vào mô hình", Juliana Prather, giám đốc marketing của Edited, nói.

Về phần mình, Shein từ chối chia sẻ về nhận định trên và khẳng định "không cung cấp các dữ liệu kinh doanh độc quyền". Họ cũng từ chối chia sẻ về tỷ trọng số đơn hàng hoàn lại. "Nhiều món đồ hoàn lại không thể nhập kho sẽ được quyên góp cho các tổ chức từ thiện địa phương" hoặc bán lại cho các nhà bán buôn, Shein cho biết.

Với số lượng lớn quần áo, các công ty sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc điều phối giao hàng theo lô từ Mỹ và Trung Quốc đến các thị trường như Mỹ Latinh, Châu Phi và Đông Nam Á, theo phân tích của Rest of World.

Hai nhà cung cấp ở Quảng Châu nói rằng họ bán đi hàng tồn và hàng lỗi. Khi Rest of World tiếp cận hai thương nhân Trung Quốc để lấy thông tin chi tiết về những lô hàng xuất quốc tế mà họ đang xử lý, họ cắt đứt liên lạc. Thậm chí một người gỡ trang của mình khỏi Alibaba.

Ở Lagos, Nigieria, một nhà bán hàng tại chợ Katangowa giới thiệu những bộ quần áo từ Trung Quốc. Một số trong đó là các mẫu quần áo được gửi trả từ Mỹ.

"Chúng phần lớn là đồ cũ từ Châu Âu và món đồ mà các nhà máy ở Trung Quốc bỏ đi", Ernest Okeke, một thương nhân khác, nói. "Một số được gửi trả từ Châu Âu và Mỹ".

Khi quần áo được trả về nhà máy, các thương nhân Trung Quốc sẽ tiếp cận, mua chúng và giao tới Nigieria, anh chia sẻ. "Nhà máy thậm chí còn chấp nhận thanh toán sau vì họ muốn loại bỏ quần áo càng nhanh càng tốt", anh nói thêm. Trước đây, anh Okeke cũng thường tới Quảng Châu, Trung Quốc để tìm nguồn hàng song từ khi đại dịch bùng phát, anh phụ thuộc vào hoạt động giao hàng.

Tính đến thời điểm cuối tháng 1, có khoảng 1.600 nhà cung cấp Shein đăng thông tin trên Alibaba và 10 trong số 30 nhà cung cấp xuất hiện đầu tiên cũng quảng cáo là có cung cấp các mặt hàng quần áo đã qua sử dụng và bán buôn. Một số trang thậm chí nói rằng có thể giao hàng Shein với số lượng lớn. Shein nói rằng các nhà cung cấp của công ty không được phép bán hàng Shein cho bất kỳ mục đích nào trừ xử lý các đơn hàng của Shein.

Điều gì thực sự xảy ra khi bạn trả lại các đơn hàng quần áo mua trên mạng? - Ảnh 2.

Châu Phi là một trong những điểm đến cho quần áo cũ hoặc hàng hoàn lại của các công ty TMĐT. (Ảnh: Rest of World).

Để tránh việc phải huỷ các món đồ hoàn hàng, một số nhà bán lẻ Mỹ đã tìm đến các công ty chuyên xử lý chuỗi cung ứng ngược để khắc phục vấn đề.

Adam Vitarello, đồng sáng lập Optoro, một công ty quản lý hàng hoàn trả cho các công ty như Target và American Eagle, nói rằng các khách hàng Mỹ của công ty có thể đưa 90% số lượng hoàn hàng và kho trở lại và một phần được bán trên eBay. Chỉ khoảng 4% số lượng hàng hoá sẽ phải tiêu huỷ.

Dù vậy, với những áp lực từ chuỗi cung ứng, các dịch vụ này cũng rất đắt đỏ. Huang đã tìm đến FirstMile để xử lý các đơn hàng hoàn song mức phí quá cao, lên tới 200.000 USD/năm. Mặc dù có biên lợi nhuận tốt, anh do dự do không chắc số lượng hàng mình có đủ để khiến mức chi phí này hợp lý.

"Mặc dù tôi nghĩ ý tưởng này rất hay, chúng tôi quyết định không dùng nó", anh chia sẻ.

Nam Khánh