|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Điểm tên các nhà đầu tư dự án khí điện 1,3 tỷ USD tại tỉnh Bình Thuận

07:22 | 07/08/2023
Chia sẻ
Các nhà đầu tư góp vốn liên doanh đầu tư các dự án khí – điện Sơn Mỹ tại tỉnh Bình Thuận bao gồm: PVGas (thuộc Tập đoàn Dầu khi quốc gia Việt Nam); AES (Mỹ); EDF (Pháp), Kyushu và Sojitz (Nhật Bản); Tập đoàn Thái Bình Dương (Việt Nam).

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ.

Chuỗi dự án khí - điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nằm trong Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, bao gồm 4 dự án thành phần: Dự án Kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ; Dự án Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ; Dự án đấu nối Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ vào hệ thống điện quốc gia và Dự án đường ống dẫn khí Sơn Mỹ - Phú Mỹ.

 Đại diện các nhà đầu tư của Dự án khí điện Sơn Mỹ. (Ảnh: PV GAS)

Dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ là dự án dầu khí trọng điểm quốc gia, có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1,3 tỷ USD; với công suất 3,6 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1, lên 6 triệu tấn/năm vào giai đoạn 2 và có thể mở rộng lên 10 triệu tấn/năm cho giai đoạn tiếp theo.

Kho cảng LNG Sơn Mỹ sẽ tiếp nhận LNG nhập khẩu, xử lý và cung cấp khí LNG tái hóa cho 2 nhà máy điện Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2 có tổng công suất 4,5 GW, dự kiến được đưa vào hoạt động từ năm 2027.

Các nhà đầu tư góp vốn liên doanh đầu tư các dự án khí – điện Sơn Mỹ nêu trên bao gồm: PVGas (thuộc Tập đoàn Dầu khi quốc gia Việt Nam); AES (Mỹ); EDF (Pháp), Kyushu và Sojitz (Nhật Bản); Tập đoàn Thái Bình Dương (Việt Nam).

Trước đó, dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ I và dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ II đã được Bộ Công Thương phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tổng công suất 4.500 MW, tổng vốn trên 4 tỷ USD, tiến độ thực hiện đến năm 2028.

Tại buổi lễ, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận kỳ vọng khi chuỗi các dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần rất lớn trong việc định hình tương lai năng lượng của Việt Nam bằng cách đa dạng hóa cơ cấu năng lượng với nguồn LNG nhập khẩu. Đây là dạng năng lượng có phát thải thấp, phù hợp với chuyển đổi sang phát triển nền kinh tế xanh theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Ngoài ra, chuỗi dự án cũng sẽ góp phần hình thành Trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia tại tỉnh Bình Thuận, tạo thành hiệu ứng lan tỏa, phát triển các dự án liên quan đến ngành dầu khí như: Kho xăng dầu, kho chứa hydrogen, sản xuất các thiết bị phụ trợ cho ngành điện khí, năng lượng…

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ triển khai dự án đảm bảo chất lượng và tiến độ hoàn thành như nội dung chủ trương đầu tư được phê duyệt; phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 để hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, qua đó đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Bên cạnh đó, công ty cần chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về đầu tư, ký quỹ đầu tư, thủ tục góp vốn theo quy định, các thủ tục đất đai, đánh giá tác động môi trường, an toàn an ninh hàng hải, nhất là đánh giá tác động tài nguyên môi trường biển, hải đảo; đảm bảo phù hợp Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển và các quy định pháp luật liên quan.

Đại diện phía chủ đầu tư dự án, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT PV GAS cho biết dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ đảm bảo nhiên liệu LNG cho tổ hợp hai nhà máy điện Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2, cũng như góp phần thúc đấy kinh tế xã hội và đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.

PV GAS cam kết sẽ phối hợp với Tập đoàn AES và Công ty TNHH Kho Cảng LNG Sơn Mỹ triển khai dự án theo quy định, đảm bảo đồng bộ với các dự án trong chuỗi với mục tiêu đưa chuỗi khí điện LNG Sơn Mỹ đi vào hoạt động theo đúng tiến độ trong quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hoàng Anh